Hệ lụy từ việc lao động xuất cảnh trái phép

15:10 18/04/2015
Theo thống kê của Công an huyện Pác Nặm, tính từ năm 2013 đến nay trên địa bàn có 13 trường hợp người dân lao động “chui” bị Công an Trung Quốc bắt giữ, trong đó xã Nghiên Loan 7 trường hợp, xã Cổ Linh 6 trường hợp.

Pác Nặm là huyện miền núi phía Bắc của Bắc Kạn với nhiều rừng núi, dốc cao hiểm trở, nhiều khe, thung lũng hẻo lánh. Toàn huyện có 10 xã, gồm 7 dân tộc anh em sinh sống là Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Hoa, Kinh. 

Do đặc điểm địa hình nên điều kiện canh tác hạn chế, nguồn thu nhập của người dân chỉ dựa vào nương rẫy, đời sống kinh tế khó khăn. Đây cũng là lý do những lúc nông nhàn đàn ông trong huyện lại kéo nhau vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê…

Đại uý Triệu Quốc Huy, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Pác Nặm cho biết, năm 2014 địa bàn huyện có tổng cộng 321 trường hợp công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Đến cuối năm 2014 có 231 trường hợp đã quay về, số còn lại đến giữa tháng 2/2015 mới về để ăn Tết Ất Mùi, còn 5 trường hợp đến nay vẫn chưa về.

Công an huyện Pác Nặm tuyên truyền người dân không xuất cảnh lao động trái phép. 

Đáng chú ý là con số này quý I năm 2015 tăng đột biến. Tính từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 132 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê (chiếm 41,1% tổng số người của cả năm 2014), trong đó chủ yếu tập trung các xã Nghiên Loan, Cao Tân, An Thắng… 

Trên thực tế, việc làm này “lợi bất cập hại”, công việc thường nặng nhọc, lương thấp chứ không nhàn hạ, lương cao như lời “quảng cáo”. Đó là chưa kể những rủi ro khi bị chính quyền nước bạn phát hiện, bắt giữ, tịch thu hết tài sản, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

Theo thống kê của Công an huyện Pác Nặm, tính từ năm 2013 đến nay trên địa bàn có 13 trường hợp người dân lao động “chui” bị Công an Trung Quốc bắt giữ, trong đó xã Nghiên Loan 7 trường hợp, xã Cổ Linh 6 trường hợp. 

Đơn cử như anh Lộc Văn Trọng (33 tuổi, trú thôn Bản Sáng, xã Cổ Linh, Pác Nặm) đi làm bốc vác ở cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) từ ngày 9/2, được 3 ngày thì có người môi giới sang bên kia biên giới lấp sông, đào đất, mở đường mòn với mức lương 300 tệ. Cùng đi có 4 người trong hội cửu vạn, 2 người ở Yên Bái, 1 người ở Thanh Hoá, 1 người ở Nghệ An. 

Vừa làm một thời gian thì ngày 12/2 anh Trọng bị Công an Biên phòng Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ. Sau đó anh được mang đi xét nghiệm máu, khám sức khoẻ, rồi tạm giữ, đến ngày 16/2 (tức 28 Tết Nguyên đán) mới được Công an Trung Quốc trao trả về qua Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), không một xu dính túi. 

Đồng cảnh ngộ như anh Trọng là anh Triệu Văn Sỹ (31 tuổi, trú tại thôn Đuông Niên, xã Cao Tân, Pác Nặm). Tháng 3/2014, anh Sỹ sang Trung Quốc làm thuê, công việc phát cây, đào hố. Làm đến tháng 6/2014 thì anh bất ngờ bị Công an Trung Quốc ập vào kiểm tra, bắt giữ. Sau khi bị tạm giữ 1 tuần, anh Sỹ được trả về qua cửa khẩu với “hai bàn tay trắng bốn bàn tay không”, tức là 3 tháng làm việc không công xứ người, không hề nhận được một đồng tiền lương nào…

Bị phát hiện, bị đuổi về như anh Trọng, anh Sỹ là còn may mắn. Anh Lý Văn Nh. (35 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, trú thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm) sau nửa năm làm thuê ở Trung Quốc còn phải bỏ mạng nơi đất khách. 

Tháng 3/2014, anh cùng một nhóm người vượt biên qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc làm thuê công việc phát đồi, trồng cây. Vào một ngày tháng 9/2014 người nhà anh Nh. được thông báo anh Nh. đã chết không rõ nguyên nhân, đề nghị ra biên giới khu vực Hà Giang nhận xác về. Sau khi anh Nh. mất, người em trai cùng vượt biên đi lao động chui theo anh đã trở về sinh sống tại địa phương.

Từ cái chết của anh Nh., Công an huyện Pác Nặm cũng đã điều tra làm rõ đối tượng môi giới anh Nh. xuất cảnh lao động trái phép là Lục Văn Long (35 tuổi, trú thôn Bản Nà, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm). 

Năm 2013, thông qua một số người trong xã, Long quen biết với một người Trung Quốc tên là Viên, nhưng không rõ địa chỉ ở đâu, và được người này giới thiệu bên Trung Quốc có nhu cầu tuyển lao động làm thuê và trả tiền công cao. Do thời gian đó Long không có việc làm và thu nhập gì nên đã rủ một số người trong và ngoài xã sang đó làm thuê. 

Đầu tháng 11/2014, Long rủ 5 người đi là Hoàng Văn Đẹp, trú Mai Long, Nguyên Bình, Cao Bằng; Mã Văn Uyên, Âu Văn Thậm, Đường Văn Biểu, Âu Văn Tình, cùng trú xã Nghiên Loan. Đến cuối tháng thì cả 5 cùng quay trở về địa phương làm ăn sinh sống. 

Đến tháng 2/2015, Long lại rủ thêm 10 người khác đi cùng. Những lần đi như vậy Long đều không báo cáo chính quyền, không làm thủ tục xuất nhập cảnh, khi đến biên giới thì đi bộ qua đường mòn để vượt biên sang Trung Quốc. Công việc thường là phát đồi, trồng cây, bốc vác hàng hoá…

Trước tình hình xuất cảnh trái phép diễn biến phức tạp, Công an huyện Pác Nặm đã tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện Pác Nặm ban hành Chỉ thị số 16 ngày 15/5/2014 về việc “tăng cường công tác quản lý cư trú trên địa bàn huyện Pác Nặm”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật ở thôn, bản. 

Đề cập đến nguyên nhân tình trạng vượt biên lao động “chui” gia tăng những tháng đầu năm, Thiếu tá Thăng Quang Huy, Trưởng Công an huyện Pác Nặm lý giải, đặc điểm đồng bào dân tộc thiểu số thường cư trú ở các khu vực vùng cao, hẻo lánh, trình độ dân trí hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, sống du canh du cư. Do thời điểm đầu năm nông nhàn, sau khi làm lúa vụ xuân bà con không có công ăn việc làm, trong khi “viễn tưởng” sang bên kia biên giới mức lương rất hấp dẫn, từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. 

“Chúng tôi đã cử cán bộ an ninh đến tận từng nhà tuyên truyền, giải thích cho bà con về việc sang bên kia làm việc không có giấy tờ là bất hợp pháp, vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, nhiều người cũng biết mình sai rồi nhưng vì tưởng có nhiều lợi nhuận nên vẫn làm” – Thiếu tá Thăng Quang Huy nhận định.

Khó khăn còn ở chỗ, thực tế nhiều hộ dân thiếu việc làm và đời sống đang gặp khó khăn. Bởi thế, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo kẻ xấu vượt biên trái phép, các cấp chính quyền huyện và xã cần tổ chức các mô hình sản xuất như trồng rừng, chế biến lâm nông sản… để tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào ổn định đời sống. Đó mới là giải pháp bền vững giải quyết vấn đề này.

Quỳnh Vinh

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文