Hè về, trăm bề mối lo trẻ đuối nước

21:19 10/07/2020
Năm nào cũng vậy, mỗi khi hè về, cùng với việc học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi sau những tháng ngày miệt mài học tập, thì một vấn đề rất đáng lo ngại cũng đặt ra, đó là nguy cơ trẻ bị đuối nước...


Mùa hè về kéo theo nỗi lo về đuối nước. Dù thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông nhưng năm nào, tình trạng đuối nước cũng xảy ra, gây ra những mất mát, thương tâm cho người ở lại.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6400 người bị đuối nước, trong đó có hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Việt Nam đã trở thành nước có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất Đông Nam Á, cao gấp 5 lần các nước ASEAN và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, cũng đã xảy ra hàng trăm vụ đuối nước.

Mới đây, ngày 10/7 tại xã Vĩnh Tân (H. Vĩnh Cửu) đã xảy ra vụ đuối nước khiến 1 học sinh tử vong. Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, em Phạm Thành Long (14 tuổi, học sinh lớp 8/2, Trường THCS Vĩnh Tân) sau khi đi lao động tại trường học về đã cùng bạn xuống ao tại tổ 7, ấp 5 (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) để tắm. Trong lúc tắm, không may Long bị đuối nước tử vong.

Trước đó không lâu, vào chiều 20/6 tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Em Lê Văn N. và em Nguyễn Văn N. cùng một số người bạn đi tắm tại bờ kè nhánh sông Thái Bình thuộc địa phận xã Thanh Hồng. Trong quá trình tắm, các em rủ nhau bơi sang bờ bên kia. Tuy nhiên, khi bơi đến gần giữa sông thì gặp tàu chạy qua. Các em đợi tàu đi qua để bơi tiếp thì gặp nạn. Phải mất nhiều giờ sau đó, lực lượng chức năng mới tìm vớt được thi thể của hai em và bàn giao về cho gia đình.

Lâu hơn 1 năm về trước, hẳn với nhiều người khó có thể quên được vụ việc đau thương xảy ra vào tháng 3/2019 khi tám em học sinh thuộc Trường tiểu học Hữu Nghị và Trường trung học cơ sở Hữu Nghị (phường Thịnh Lang) rủ nhau ra bến cảng Thịnh Minh, nằm bên bờ sông Đà để tắm và bị đuối nước, khiến cả tám cháu tử vong. Tương lai dang dở, những kỳ vọng của cha mẹ và gia đình đã trôi đi theo dòng sông Đà chảy xiết ngày hôm ấy.

Đó chỉ là một trong số ít những vụ tai nạn đuối nước thương tâm diễn ra từ đầu hè năm 2020 nhưng nỗi đau để lại cho gia đình, người thân và bạn bè là khôn xiết.

Trẻ em nông thôn vui chơi, bơi lội ở sông suối, ao hồ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: T.L

Những thách thức không nhỏ

Việt Nam hiện có khoảng 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900km và hơn 2.300 bến ngách ngang sông, dọc tuyến, cho nên nguy cơ tai nạn về nước với trẻ là rất cao. Tuy nhiên, hiện nay số trẻ em được học bơi và các kỹ năng dưới môi trường nước một cách bài bản lại rất thấp.

Theo Bộ LĐTBXH, tính đến năm 2020 chỉ có khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS biết bơi. Trong khi đó, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ ở lứa tuổi 5-14 tuổi. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước. 

Trong giai đoạn 2010 - 2013, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước. Đến giai đoạn 2015 - 2017, số vụ đuối nước và số trẻ em tử vong do đuối nước đã có xu hướng giảm, còn trung bình khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước hàng năm. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước của nước ta vẫn còn ở ngưỡng cao, rất đáng lo ngại.

Trẻ nhỏ cần được học bơi.

Cũng theo Bộ LĐTBXH, có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay. Một, do nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước ở trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ. Hai, thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, chỉ có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi. Ba, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Đó là sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của bậc cha mẹ. Bốn, việc dạy bơi tại một số địa phương còn khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi. Năm, môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em. Sáu, việc chấp hành luật pháp, chính sách còn chưa tốt khi tham gia giao thông đường thủy, đi tàu thuyền và cuối cùng là cha mẹ bận làm việc không có thời gian giám sát con trẻ.

Phía sau các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em là sự đau xót, day dứt và ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người thốt lên rằng “giá như các em đó biết bơi hoặc được trang bị kỹ năng bơi lội an toàn", và rất nhiều cái “giá như” nữa...  nhưng tất cả đều quá muộn màng bởi sự chủ quan của những người có trách nhiệm.

Gia đình, nhà trường và xã hội cùng hành động

Thực tế, trẻ em thường có xu hướng thích chơi với nước, nhất là vào thời điểm thời tiết nắng nóng của mùa hè. Khi vui chơi các em thích hành động theo suy nghĩ bột phát của mình và không hề nhận thức được việc bảo đảm an toàn cho bản thân và bạn bè, vì thế tai nạn xảy ra đối với trẻ là khó tránh khỏi.

Vậy nên, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú trọng về việc giám sát trẻ khi chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối…, nâng cao nhận thức của chính bản thân và cho trẻ học bơi một cách thật bài bản, kỹ càng cả về kiến thức cũng như các kỹ năng phòng chống đuối nước, đồng thời hướng dẫn cho trẻ nhận thức nơi nào là môi trường nước không an toàn. Ngoài ra, người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về cứu hộ và cấp cứu cho người đuối nước. Trong một số trường hợp, sự can thiệp cấp cứu đúng thời điểm và đúng kỹ thuật có thể mang lại cơ hội sống cho những người bị đuối nước.

Trước đó vào tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn số 1715/BGDĐT-GDTC về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia hoạt động xã hội trong đời sống hằng ngày; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, đặc biệt là thời gian nghỉ hè năm 2020…

Thêm vào đó, Sở GD-ĐT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc quan tâm công tác dạy bơi trong nhà trường. Các đơn vị đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hồ bơi phải đưa môn bơi lội vào chương trình thể dục chính khóa. Các trường được đầu tư hồ bơi theo hình thức xã hội hóa thì khuyến khích học sinh, vận động phụ huynh cho con em học bơi. Đối với các cơ sở chưa được đầu tư hồ bơi, nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức cho các em học bơi ở các cơ sở dạy bơi ngoài nhà trường; thực hiện giảm học phí đối với con em các gia đình chính sách, hộ nghèo… để tạo điều kiện phổ cập bơi cho trẻ em.

Đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng đuối nước trẻ em. Đặc biệt là việc tuyên truyền một cách quy mô, bài bản và trang bị các kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ được xem là giải pháp quan trọng để không còn những nỗi đau mang tên đuối nước.

Phương Anh - Gia Linh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文