Hiểm họa từ những cây cầu xuống cấp

16:03 17/05/2011
Sở hữu 160 cây cầu lớn nhỏ, Hải Phòng được mệnh danh là thành phố... cầu. Tuy nhiên, do không được duy tu, sửa chữa thường xuyên cùng với sự bùng nổ chóng mặt các loại phương tiện siêu trường, siêu trọng và tình trạng quá tải trong vận chuyển hàng hóa, hàng loạt cây cầu ở TP này đã xuống cấp nặng và tiềm ẩn những tai họa khôn lường...

Thực trạng đáng lo ngại

Từ khi cầu Bính gặp sự cố (bị tàu biển đứt neo đâm vào đêm 17/7/2010), toàn bộ số ôtô tải hạng nặng, xe chở khách trên 16 chỗ ra, vào Khu đô thị Bắc sông Cấm của Hải Phòng đặc biệt là các phương tiện vận hành 2 chiều Quảng Ninh - Hải Phòng và một số địa phương khác, đều phải cậy nhờ đến cầu Kiền. Và thế là cầu Kiền - cây cầu ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Hải Phòng bất đắc dĩ phải cõng thêm trọng trách nặng nề mà những người thiết kế ra nó chưa lường đến.

Theo ước tính, mỗi ngày có đến hàng vạn xe đủ các loại trọng tải qua lại trên cầu Kiền, gây ách tắc cục bộ. Ở phía xã An Hồng, huyện An Dương, Trạm CSGT Quán Toan thường xuyên phải bố trí lực lượng ứng trực để điều phối giao thông. Tuy nhiên, đầu bên kia, phía huyện Thủy Nguyên, hầu như không có sự điều tiết nào, các lái xe thả phanh luồn lách để lên cầu. Hàng trăm chiếc xe với hàng ngàn tấn trọng tải, chỉ nhúc nhích trên cầu, khiến chiếc cầu dây văng không chịu đựng nổi, đung đưa như chiếc võng.

Cầu Bính bị 3 tàu biển đâm hỏng gần 1 năm vẫn chưa được sửa chữa.

Hiện trạng cầu Kiền là vậy. Còn tại nhiều cầu khác như cầu Quý Cao, cầu Tiên Cựu, cầu Hạ Lý, Thượng Lý, cầu Niệm… chuyện xe quá tải, chạy quá tốc độ, không đúng với khoảng cách, cự ly quy định tại Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là Thông tư số 13 (17/7/2009) của Bộ GTVT xảy ra thường xuyên. Đây cũng là hệ lụy từ việc xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để của cả CSGT, Thanh tra giao thông cũng như các cơ quan chức năng khác đối với chủ doanh nghiệp và các lái xe khi họ tìm mọi cách để tăng hàng, tăng chuyến. Cầu không biết kêu. Nhưng bằng mắt cũng phát hiện nhiều cây cầu đang có biểu hiện bất thường.

Những lằn, rãnh bị xô cùng những điểm nối giữa các nhịp với đường dẫn ở cầu Niệm thường cao hơn mặt cầu. Cầu vượt đường Nguyễn Văn Linh, Lạch Tray, cầu Tiên Cựu, Quý Cao… đang chịu áp lực rất lớn vì quá sức tải. Bên cạnh đó, việc va quệt của một số phương tiện thủy bộ có trọng tải lớn vào cầu cũng làm một số cây cầu bắc qua sông Lạch Tray bị ảnh hưởng, suy yếu.

Cần những giải pháp kịp thời

Theo Thanh tra Sở GTVT, do sức ép cạnh tranh, tình trạng xe chở hàng quá tải diễn ra phổ biến, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây là thực trạng báo động cho nhiều cây cầu trên địa bàn thành phố. Đã tới lúc, mỗi cây cầu, tuyến đường cần nhanh chóng được ấn định về tải trọng cho phép để bảo đảm sức bền, tuổi thọ.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng phải khẩn trương rút kinh nghiệm, bố trí, tổ chức lực lượng kiểm tra tại các trọng điểm. Trong khi đó, gần 100 doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng, rất ít doanh nghiệp đủ khả năng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, nhưng vẫn nhận chở loại hàng này. Đáng nói, việc xử lý  các lỗi này thường rất nhẹ, không đủ yếu tố răn đe, phòng ngừa. Lý do được viện dẫn là nếu cứ xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng xấu đến việc giải tỏa hàng qua các cảng của Hải Phòng.

Một thực tế đáng buồn, ở nhiều cuộc họp của thành phố với các doanh nghiệp vận tải, các đại biểu chỉ bàn luận, tìm giải pháp giải tỏa ách tắc hàng hóa và phương tiện, ít thấy ai nói đến chất lượng đang ngày càng xấu đi của các cây cầu...

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Văn Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Đường bộ Hải Phòng cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay để duy tu, sửa chữa các cây cầu xuống cấp là do chưa mua được tấm thép co giãn cũng như tìm chọn được nhà thầu. Hầu hết các cây cầu đều bị hỏng từng bộ phận, không phải duy tu toàn bộ nên giá khá đắt, phải tìm các công ty, chuyên gia nước ngoài.

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT - đơn vị chủ quản cần sớm ban hành quy định cụ thể về tải trọng, khổ hàng; giới hạn xếp đặt hàng... đối với từng loại xe được phép tham gia giao thông vận chuyển trên các tuyến đường. Các đơn vị chủ quản cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý theo luật đối với các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng trái quy định như: kiểm tra, xử lý xe quá tải ngay từ nơi xuất phát ở bến, kho bãi, sẽ tăng đáng kể hiệu quả giám sát trong việc này.

Các khách hàng, chủ phương tiện và người lái xe cần phải ý thức tự giác tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn về hàng hóa, đường bộ trên địa bàn do chính quyền địa phương công bố hoặc thông qua hệ thống biển báo hiệu giao thông nhằm từng bước giải quyết có hiệu quả sự bất cập, mâu thuẫn giữa quy định của luật với thực tế, góp phần vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vừa không ảnh hưởng tới hoạt động vận tải chung cũng như nhu cầu vận tải hàng hóa

Đăng Hùng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文