Huyền bí Angkor
>> Campuchia - Lạ mà quen
Sau khi bị quân Chiêm Thành, rồi quân Xiêm đánh chiếm, Đế chế Khmer phải dời đô về Phnom Penh vào thế kỷ XIV, kinh thành Angkor bị bỏ hoang phế từ đó cho đến cuối thế kỷ XIX mới được người Pháp phát hiện vào năm 1886.
Nhìn những cung điện hoành tráng bằng đá, với tòa ngang dãy dọc, chạm khắc phù điêu tinh xảo, tôi cố hình dung ra một thời vang bóng của quần thể kiến trúc vĩ đại này. Rồi nhìn hàng đoàn du khách đứng, ngồi la liệt bên những phế tích đang bị thời gian tàn phá không thương tiếc, tôi không khỏi chạnh lòng: “Cung vua, phủ chúa một thời/ Giờ đây du khách đứng ngồi ngả nghiêng”. Angkor Wat có 3 tầng kiến trúc là Địa ngục, Trần gian và Thiên đường.
Đối với hầu hết du khách, trần gian thì đã quá nhàm chán, địa ngục thì chẳng ai muốn ghé chân, nên tất cả mọi người đều rồng rắn xếp hàng để leo lên Thiên đàng. Muốn lên Thiên đàng, mọi người phải quần áo, giày dép nghiêm chỉnh, không được mặc áo hở nách, không được đeo ba lô, túi xách, đội mũ, không được khạc nhổ, nói to... nói chung là có cả một bảng liệt kê danh mục các điều cấm, và mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu có anh chị du khách “ba lô” nào lỡ mặc áo hai dây hay may ô, sẽ được phát ngay một chiếc áo choàng nghiêm túc. Thế mới đúng là Thiên đàng! Và quả là không uổng công leo cả trăm bậc tam cấp. Từ Thiên đàng có thể bao quát một khoảng không gian rộng lớn của quần thể Angkor, nơi ngày xưa vua chúa điều hành đất nước. Tất cả đều được xây dựng bằng những khối đá khổng lồ, to cỡ thùng xe tải, nặng hàng chục tấn, chạm khắc tinh vi, kích thước chính xác, nâng lên cao hàng chục mét (không hiểu bằng phương tiện gì) và lắp vào đúng vị trí mà không cần một chất kết dính nào cả.
Đoàn du khách tỉnh Phú Yên tại di tích Angkor. |
Tôi thực sự kinh ngạc trước hàng ngàn bức phù điêu, tượng tròn vũ nữ Apsara, với các vũ điệu được lấy cảm hứng từ các điển tích trong lịch sử của đế chế Khmer mà không có bức nào giống bức nào. Sau khi công trình hoàn thành, công việc chạm khắc còn được tiếp tục hoàn thiện trong hàng chục năm nữa. Chính vì các ngôi đền trong quần thể Angkor chỉ cao 65m nên Chính phủ Campuchia quy định, tất cả các công trình xây dựng ở thành phố Siem Reap, nơi đón khách du lịch đến thăm Angkor, chỉ được xây tối đa 6 tầng và cũng không được cao quá 65m.
Angkor Thom là thủ đô cuối cùng và tồn tại lâu nhất của Đế chế Khmer, được xây dựng từ năm 1181 dưới triều đại của vua Jayavarman VII với diện tích khoảng 9km². Tiếng Khmer, Angkor Thom có nghĩa là “Thành phố vĩ đại”. Trong quần thể Angkor Thom, ngôi đền Bayon nổi tiếng nhất vì có tới 54 ngôi tháp lớn nhỏ tạc tượng thần Lokesvara. Mỗi tượng thần Lokesvara có 4 mặt, quay 4 hướng, tổng cộng là 216 mặt. Tôi nhẩm tính, 54 ngôi tháp: 5+4=9, 216 mặt: 2+1+6 cũng bằng 9. Ở châu Á, số 9 có ý nghĩa rất đặc biệt trong đời sống tâm linh.
Cậu hướng dẫn viên bảo, trong số 216 khuôn mặt trang nghiêm của tượng thần Lokesvara, có một khuôn mặt với nụ cười bí ẩn, còn gọi là nụ cười bí ẩn Bayon. Nếu ai đến gần chạm tay vào thần sẽ gặp nhiều may mắn, cầu được ước thấy. Tôi là người duy vật nên không tin lắm, nhưng vào đến nơi, nhìn hàng đoàn người đủ màu da sắc tộc, chen chúc nhau đến bên các tượng thần, tôi cũng phân vân, thầm nghĩ, mình già rồi, còn mong ước gì nữa mà bon chen ở chốn này. Nghĩ là vậy, nhưng thấy mọi người xếp hàng rồng rắn bên các tượng thần, sờ mó, chụp ảnh, tôi cũng không kìm nổi. Tháo mồ hôi hột, lùng sục hết chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng tôi cũng tìm ra được bức tượng thần Bayon có nụ cười bí ẩn.
Quả thật, nhìn kỹ vào nụ cười của thần, thấy có nét gì đó rất giống với nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa trong kiệt tác hội họa La Joconde của họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci vào thời kỳ Phục Hưng. Tôi liền đứng ngay bên bức tượng, cố nặn ra một nụ cười cho thật giống với thần. Nhưng nụ cười của tôi làm sao sánh được với nụ cười bí hiểm của thần Bayon hay của nàng Liza. Quýnh quáng quá, tôi cũng quên luôn cả việc chạm tay vào bức tượng. Có thể vì nụ cười không đạt, hay vì quên chạm tay vào tượng thần, mà về nhà cả tuần tôi chẳng gặp được điều gì may mắn cả, chỉ nhận được mỗi cú điện thoại của NXB thông báo cuốn sách mới dịch của tôi đang in. Tiếc thật! Nếu có ai đến thăm đền Bayon, nhất thiết phải cười cho thật giống thần và đừng quên chạm tay vào thần.
Cũng cần phải nói thêm, thẻ vào cửa tham quan quần thể Angkor đều phải quét ảnh của từng du khách. Theo lời hướng dẫn viên, làm vậy để chống thất thu, nhưng tôi nghĩ có thể còn vì lý do an ninh nữa. Giá vé khá đắt, 20 USD, 40 USD và 60 USD cho một ngày, ba ngày và một tuần. Các tour du lịch thường mua vé 20 USD nên trong vòng một ngày, họ dẫn du khách phi như ngựa để tham quan được nhiều điểm trong quần thể.
Xét về mặt quy mô và kiến trúc, đền Ta Pruhn ở Angkor không có gì nổi bật, nhưng hầu như không có đoàn khách nào bỏ qua điểm du lịch này. Đi rồi mới biết, người Campuchia khai thác di sản của cha ông để lại quả là giỏi. Đền Ta Prohm được vua Khmer Jayavarman VII xây dựng từ năm 1186 để làm tu viện và trường học phật giáo dành riêng cho hoàng thái hậu và sau này là lăng mộ của bà với hàng ngàn tượng phật. Nhưng Ta Pruhn thu hút du khách không phải vì ý nghĩa lịch sử hay kiến trúc mà vì hai yếu tố khác. Ngôi đền có nhiều cây cổ thụ với các bộ rễ khổng lồ bám vào công trình, tạo nên những hình ảnh rất kỳ dị và huyền bí. Một mặt, rễ cây làm biến dạng cấu trúc của các chi tiết, mặt khác chúng lại giữ cho các chi tiết đó không bị sụp đổ - một hình thức cộng sinh rất bền chặt giữa đá và cây. Chính vì yếu tố hoang dã và huyền bí đó mà Hollywood đã không bỏ lỡ cơ hội, chọn nơi này để quay những trường đoạn ly kỳ nhất trong bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ với cô đào nổi tiếng Angelina Jolie, thu về hàng triệu đôla. Con người vốn tò mò lại hay tôn sùng thần tượng, nên đổ xô đến đây cũng là điều dễ hiểu.
Có một chi tiết nữa ở ngôi đền này cũng được khai thác triệt để, đó là bức tường bí hiểm hay còn gọi là bức tường âm thanh. Du khách đứng dựa lưng vào tường, đập tay vào ngực mình sẽ nghe tiếng dội lại rất to. Tôi vốn là dân kỹ thuật, biết ngay đây là hiện tượng cộng hưởng như chiếc thùng đàn ghita, bèn đứng áp sát lưng vào tường, rồi nắm chặt tay đập thật mạnh hai cái vào ngực trái. Tiếng dội lại “bùm, bùm”, vang khắp hành lang. Nhiều người khen, thằng cha này tim đập to thiệt!
Ngôi đền trên đỉnh đồi Bakheng, thường gọi là đền Bakheng giờ chỉ còn là phế tích, nhưng bù lại, nó nằm ở độ cao 65m nên có thể ngắm nhìn toàn cảnh quần thể Angkor. Ngoài ra, phần nóc của ngôi đền có diện tích khoảng nửa sân bóng đá, đủ sức chứa vài trăm người. Thế là, các nhà làm du lịch Campuchia đã nhanh nhạy biến nơi đây thành điểm chiêm ngưỡng hoàng hôn thú vị nhất Angkor. Cảnh hoàng hôn đẹp nhất chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 5h30' đến 6h. Lúc này, ánh sáng đã dịu, mặt trời như chiếc đĩa vàng khổng lồ, từ từ hạ xuống trên bầu trời nhuốm một màu huyết dụ với những dải mây ngũ sắc lấp lóa. Cảnh hoàng hôn lãng mạn với sự biến đổi màu sắc liên tục trên Angkor huyền bí khiến du khách vô cùng thích thú. Để có được một chỗ đứng, ngồi trên nóc đền Bakheng, du khách phải đến đây từ 3-4h chiều, vòng vèo trên con đường đất bụi mù mịt dài 700m, rồi chen chúc nhau leo lên đỉnh tháp. Đến 5h chiều là Ban quản lý không cho du khách lên tháp nữa vì không còn chỗ. Hàng trăm người, đủ màu da, tuổi tác, mồ hôi đầm đìa, máy ảnh lăm lăm trong tay, đứng ngồi la liệt trên đỉnh tháp chỉ cốt để ghi lại cái khoảnh khắc thiên nhiên đẹp nhất trên Angkor. Tỉnh Phú Yên có Mũi Điện là nơi đón ánh bình minh sớm nhất ở Việt Nam. Ước mong một ngày nào đó, du khách cũng sẽ đến với Mũi Điện như thế này