Hy vọng của cô bé “chân voi” đi tìm con chữ

22:05 02/06/2013
Vì bệnh tật mà Son không thể đến trường học chữ, nhưng em đã nghị lực vượt lên số phận và tự tập đánh vần, tập viết để không bị mù chữ. “Trong cuộc sống của tôi có rất nhiều khó khăn, vì vậy tôi tự nhủ với mình rằng, hãy bước tiếp dù đã từng vấp ngã, hãy hy vọng dù chỉ là mong manh…”, những dòng tâm sự đầy xúc động của Son khiến cho những người may mắn lành lặn phải suy ngẫm...

Men theo con đường đất đỏ, chúng tôi đến nhà em Trần Thị Mỹ Son ở xóm Cống, thôn 10, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). Trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé nằm sát mé bờ sông Đại Giang, ông Trần Như Dũng (bố của Son, 57 tuổi) với khuôn mặt đen sạm, khắc khổ đang lúi húi bên mấy vỉ thuốc giảm đau mà ông vừa đạp xe ra trạm xá xã mua về cho con gái dùng mỗi khi lên cơn.

Đưa tay lau mồ hôi trên trán, ông Dũng kể rằng, sau ngày đất nước giải phóng - 1975, vợ chồng ông lên khu vực hồ Khe Lời, giáp xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) để trồng rừng, phát rẫy làm kinh tế mới. Cuộc sống khó khăn ở vùng đất mới khiến gia đình luôn rơi vào tình trạng phải chạy ăn từng bữa. Sau khi trồng được 1,5 héc ta rừng tràm, mỗi ngày ông lên rừng hái củi, còn vợ đi tìm phế liệu để bán lấy tiền đổi gạo… Có ai ngờ, chính những ngày tháng lập nghiệp ở vùng đất mới đã khiến vợ chồng ông bị nhiễm chất độc dioxin mà giặc Mỹ rải trong những năm chiến tranh còn tồn dư trong đất và môi trường.

Cũng vì thế, vợ ông - bà Huỳnh Thị Dưa (57 tuổi) sinh đứa con đầu quặt quẹo và bị chết yểu. Năm 1995, bà Dưa sinh bé Son. “Sau khi con bé chào đời, tui đã ứa nước mắt khi thấy hai chân cháu to khác thường. Rồi khi lớn lên, chân cháu Son lại càng phình to ra, các ngón chân bị biến dạng và đến nay đã to như chân voi…”, bà Dưa ngồi bên nghẹn ngào chia sẻ nỗi lòng mà bà đã cố nén suốt gần 20 năm qua để nuôi con trong bạo bệnh.

Không muốn vì bệnh tật mà ảnh hưởng đến chuyện học của con nên mỗi ngày ông Dũng đã chèo đò đưa Son vượt dòng Đại Giang đến trường mẫu giáo thuộc xã Vân Thái (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Nhưng qua 6 tháng học lớp mẫu giáo nhỡ, Son đã không còn cơ hội được đến trường khi cơ thể nhỏ bé của em đã không thể nâng nổi đôi chân “voi”.

“Thấy bạn bè đi học, em ước gì mình cũng được cắp sách đến trường. Nhiều đêm, thấy các bạn trong xóm đi chơi mà em đã khóc rất nhiều. Em muốn được sống một cuộc sống bình thường như các bạn, được đến trường nghe thầy cô giáo giảng bài như các bạn…”, ngồi trên chiếc xe lăn, Son nhìn xuống đôi chân lớn của mình rồi rưng rưng tâm sự.

Em Son và mẹ trong ngôi nhà nhỏ bên sông Đại Giang.

Để không bị mù chữ, Son đã mượn từ một người bạn trong xóm cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 và nhờ bạn dạy cách phát âm, đánh vần từng chữ cái, cách viết từng con chữ. Thành thạo việc đọc và viết, Son lại chuyển qua học Toán để có thể làm được những phép toán đơn giản nhất. Dù đôi chân ngày mỗi lớn, cộng thêm khối u bên phần hông khiến em đau nhức, rát buốt khi trời trái gió nhưng Son vẫn nghị lực miệt mài với cây bút chì và cuốn vở mỗi khi ngồi trên chiếc xe lăn. Và suốt hơn 2 năm ròng, em đã tự tập viết và tập đọc để tự “xóa mù” cho mình.

Lấy ra một cuốn vở, Son cầm bút và từ từ viết những dòng chữ đầu tiên lên trang giấy trắng như để minh chứng cho sự nỗ lực của em. Son viết: “Trong cuộc sống của tôi có rất nhiều khó khăn, vì vậy tôi tự nhủ với mình rằng, hãy bước tiếp dù đã từng vấp ngã, hãy hy vọng dù chỉ là mong manh và hãy mỉm cười dù nước mắt vẫn cứ rơi…”. Đọc những dòng chữ do “cô bé có đôi chân voi” viết nắn nót đến từng nét mà chúng tôi đã không kìm được những giọt nước mắt...

Bà Dưa còn kể rằng, năm 2009, một lần Son suýt chết khi khối u ở hông chảy máu quá nhiều. Đưa con đến Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ chẩn đoán khối u mãn tính của Son là do di chứng chất độc da cam, vợ chồng bà đã chạy vạy vay mượn thêm bạn bè cộng với số tiền cóp nhặt hơn nửa đời người để bệnh viện phẫu thuật khối u này. Còn khối u ở chân Son quá lớn, hai vợ chồng cũng đã hết sạch tiền bạc nên đành nhắm mắt đưa con về.

Trước bệnh tật của em Son, ông Ngô Chiến, trưởng thôn 10, xã Thủy Phù, ái ngại nói: “Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Dũng nên nhiều năm qua bà con trong thôn đã hỗ trợ giúp đỡ, song cũng chẳng được là bao. Chỉ mong qua báo chí kêu gọi các nhà hảo tâm mới có hy vọng cứu chữa được đôi chân cho cháu Son để cháu thực hiện ước mơ đến trường”...

Và, trong ngôi nhà nhỏ bé bên dòng Đại Giang, chẳng còn thứ gì đáng giá ngoài chiếc tivi và chiếc xe lăn vừa được một nhà hảo tâm trao tặng để giúp Son có thể tự đi lại. Mỗi ngày đi qua Son vẫn cố gắng tự học và mãi ấp ủ niềm hy vọng tốt đẹp ở tương lai, dù niềm hy vọng đó quá đỗi mong manh...

Lê Anh

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文