Khi giới trẻ mê làm “đệ tử Lưu Linh”

10:58 19/07/2009
“Lần nào đi nhậu, bọn tôi cũng đều chia nhau "phần" cả - tức mỗi người phụ trách uống 1 chai…”. Bữa ăn lẩu trôi qua chưa đầy 30 phút, đồ ăn vẫn còn đầy đĩa, song 3 chai rượu "phần" của Trung và 2 người bạn đã gần cạn đáy sau hàng loạt tiếng "hò": "Một, hai, ba dzô!…", "Ba, hai, một… uống!"… Theo Trung, mỗi thành viên trong nhóm phải "nạp" thêm 2 chai nữa mới đủ "đô" cho buổi nhậu này…
>> Rượu quê... lôi cuốn sinh viên

Thời gian gần đây, khi rảo bước qua các tuyến phố - nơi có các quán nhậu, cửa hàng ăn uống hoạt động kinh doanh vào buổi tối những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ, Tết, ta không khó để bắt gặp hình ảnh các thanh, thiếu niên ngồi quây tụ bên bàn nhậu, nâng ly rượu chúc tụng nhau cho đến khi đã say mềm.

Đáng chú ý, không chỉ nam giới mà ngay cả một số bạn nữ hiện cũng đang coi việc uống rượu như là thứ "gia vị" không thể thiếu được trong các buổi gặp gỡ, liên hoan với chúng bạn… mà mình tham gia. Thực tế cho thấy, thú uống rượu trong giới trẻ hiện nay đã và đang trở thành một thứ "nạn" đáng báo động...

Nở rộ như… "mốt"

Tối thứ 7, theo chân Trung - anh bạn học cùng thời THPT, trú tại quận Ba Đình (Hà Nội), chúng tôi có mặt tại khu vực phố Ngõ Trạm (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), nơi có nhiều quán lẩu tọa lạc. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh giới trẻ tấp nập ra vào các quán.

Sau khi vào bên trong quán lẩu có tên T.L., chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi dù mới 19h tối, song gần chục chiếc bàn nhậu dưới tầng 1 đã chật kín thực khách ngồi. Tầng 2, tầng 3 cũng vậy, tất cả cũng đều gần như không còn chỗ trống. Phải cố lắm, chúng tôi mới được chị chủ xếp cho một bàn phía góc của gian phòng có diện tích chừng 30 mét vuông. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, số thực khách có mặt tại quán vào thời điểm này chiếm đa phần là giới trẻ có độ tuổi từ 20-26. Gầm bàn nào bàn nấy đều la liệt vỏ chai rượu to nhỏ các loại...

Sau khi xếp đặt chỗ ngồi, như hiểu ý của Trung, cậu nhân viên của quán bê liền một lúc 4 chai Vodka Hà Nội nhỏ (loại có dung lượng 300ml) đặt lên mặt bàn. Thấy tôi ngạc nhiên trước hành động này của cậu nhân viên phục vụ, Trung liền giải thích: Lần nào đi nhậu, bọn tôi cũng đều chia nhau "phần" cả - tức mỗi người phụ trách uống 1 chai…(!).

Bữa ăn lẩu trôi qua chưa đầy 30 phút, đồ ăn vẫn còn đầy đĩa, song 3 chai rượu "phần" của Trung và 2 người bạn đã gần cạn đáy sau hàng loạt tiếng "hò": "Một, hai, ba dzô!…", "Ba, hai, một… uống!"… Theo Trung, mỗi thành viên trong nhóm phải "nạp" thêm 2 chai nữa mới đủ "đô" cho buổi nhậu này.

Đang còn "choáng" về khả năng uống rượu của nhóm Trung, tôi bị giật mình bởi tiếng chúc tụng nhau từ một nhóm nhậu gồm 4 cô gái tuổi chừng ngoài 20. Mặt cô nào cô nấy đều ửng đỏ do uống rượu.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, giới trẻ uống rượu cũng xuất hiện không ít tại các quán nhậu khác trên một số tuyến phố Hà Nội như: Phó Đức Chính, Trúc Bạch, Nguyễn Biểu, Yên Phụ v.v. Khi được hỏi: Sao không đi uống cafe, trà mạn… thay vì tìm đến tửu, đa phần các bạn trẻ đều cho hay: "Tửu như là một người bạn tri ân để giãi bày tâm sự. Vì có rượu, buổi gặp gỡ hàn huyên mới thêm phần vui vẻ…".

Các quán rượu ốc vỉa hè luôn thu hút sinh viên.

Thống kê mới đây của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho thấy, hiện thanh niên lạm dụng rượu bia đang có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ. Cách đây không lâu, ở TP HCM, một nghiên cứu cho kết quả tới 78,5% số sinh viên trong số 200 sinh viên khi được hỏi: Đã từng uống rượu hay chưa, đều trả lời rằng đã có. Và trong số đã từng uống chỉ có 15% là bỏ được rượu.

Những điều chưa biết về rượu

Có lẽ chính trào lưu uống rượu trong giới trẻ hiện nay nở rộ như một thứ "mốt", nên lượng rượu bán ra thị trường của các cơ sở kinh doanh sản xuất cũng gia tăng đáng kể.

Chị H., chủ một quán lẩu trên phố Phùng Hưng cho biết: Thời gian trở lại đây, trung bình mỗi ngày, quán của chị bán cho thực khách (chủ yếu là giới trẻ) khoảng từ 30 đến 50 chai rượu Vodka Hà Nội các loại. Thậm chí, vào ngày cao điểm, lễ, Tết, số lượng này còn lên đến cả trăm chai.

Còn tại một số quán nhậu "cóc", cơm bình dân trên địa bàn TP Hà Nội như khu vực đường ven hồ Tây, phố Pháo Đài Láng, Triều Khúc, Nguyễn Quý Đức… lượng rượu "quê" tuồn ra thị trường cũng nhiều không kém so với các loại rượu đóng chai thông thường khác. Đáng chú ý, "tửu sĩ" sử dụng rượu "quê" chiếm đa phần là sinh viên đang theo học tại một số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn.

Kiên, sinh viên Trường Đại học Lao động - Xã hội, tâm sự: Hễ có ai trong nhóm bạn của em gặp chuyện vui hay buồn, là cả nhóm lại kéo nhau ra quán ốc gần trường uống rượu "quê" để chia sẻ… Đây cũng là thực trạng phổ biến đang tồn tại trong các trường học hiện nay.

Sự xuất hiện của nhiều loại rượu trên thị trường hiện nay đã và đang đặt ra những quan ngại liên quan đến việc chất lượng của các loại rượu này có được bảo đảm, có gây tác hại phụ cho sức khỏe người tiêu dùng?

Trong loạt bài đăng tải trên Báo CAND thời gian trước đây cũng đã phản ánh tình trạng rượu "quê" không rõ nguồn gốc, kiểm định chất lượng xâm nhập các quán nhậu "cóc" phục vụ cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn TP Hà Nội. Số rượu "quê" được đóng trong chai nhựa Lavie (loại dung lượng 500ml) thực chất chỉ là loại rượu pha tạp chứ chất lượng không hề được bảo đảm. Có chăng cũng chỉ là những lời bảo hành qua loa được in trên vỏ chai đại loại như: "Rượu nếp đục… dễ uống không đau đầu, rất tốt cho sức khỏe", "Rượu được sản xuất bằng nếp cái hoa vàng ngâm hạ thổ 3 tháng, uy tín chất lượng…", chứ không hề có sự bảo hành về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ từ phía cơ quan chức năng.

Mặt khác, ngay chính giá thành của các chai rượu "quê" đang được bày bán tại các quán nhậu "cóc" như hiện nay cũng đã chứng minh nguồn gốc, chất lượng của nó là không rõ ràng. Bởi theo một số chủ cơ sở nấu rượu lâu năm ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) thì mỗi lít rượu quê được chưng cất bằng phương pháp thủ công có giá bán buôn thấp nhất là 22.000đ. Trong khi đó rượu "quê" ở các quán chỉ có giá từ 8.000-10.000đ/chai (dung lượng 500ml).

Đấy là còn chưa kể đến việc, mới đây, sau khi đoàn công tác gồm Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh kiểm tra lấy mẫu rượu từ một số cơ sở sản xuất kinh doanh rượu có dấu hiệu chế xuất rượu quê từ: "Cồn + nước lã + hương vị" tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã cho kết quả không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hàm lượng Fucfurol có trong mẫu rượu cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Và chính hàng nghìn lít rượu không đạt chuẩn này trong một thời gian dài đã tuồn ra thị trường tiêu thụ ở Hà Nội và một số địa phương lân cận khác.

Còn về loại rượu đóng chai (bình) có nhãn mác, đầu tháng 1/2009, lực lượng chức năng TP Hà Nội và Đà Nẵng đã kiểm tra và thu giữ trên 7.500 chai rượu giả. Loại rượu giả bị thu giữ có tên Vodka Hà Nội và Shochu Kiwon đều nhái lại thương hiệu rượu của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico). Quy trình sản xuất, theo chủ các cơ sở này khai nhận tại cơ quan điều tra chỉ đơn thuần là việc pha trộn nước tinh khiết với cồn, sau đó cho đóng chai đã được in nhãn mác của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (trụ sở tại 94 Lò Đúc - Hà Nội) và bán ra thị trường. Theo các cơ quan chức năng, hiện nay rượu giả, nhái không đảm bảo về chất lượng xuất hiện trên thị trường đều được các đối tượng, cơ sở "chế xuất" rất tinh vi. Nhìn bề ngoài người tiêu dùng khó có thể nhận biết được đâu là rượu thật và đâu là rượu giả gây nguy hại cho sức khỏe.

Hậu quả nhãn tiền

Gặp nhau là uống rượu bia mà không biết đến những hệ lụy đi kèm với nó - đó là một thực tế hiện đang tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay. Đây là điều hết sức quan ngại, bởi đa phần những người "làm bạn" với tửu đều phải gánh chịu những hậu quả khôn lường không đáng có.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2008 đến nay, số người nhập viện vì ngộ độc rượu lên tới hơn 100 người, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số bệnh nhân bị nhiễm độc phải nằm điều trị tại trung tâm.

Theo Tiến sĩ Bế Hồng Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong số bệnh nhân bị ngộ độc này đa số ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên. Đáng chú ý, Trung tâm không chỉ tiếp nhận bệnh nhân là nam mà còn trực tiếp chẩn trị cho các bạn nữ.

Như trường hợp của bệnh nhân Lương Thị Minh T., 28 tuổi, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) phải nằm điều trị nhiều ngày tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vì trước đó, do mâu thuẫn trong gia đình, nên T. đã đóng cửa uống rượu một mình, khiến cơ thể bị suy nhược ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.

Cũng theo Tiến sĩ Bế Hồng Thu, thời gian qua cũng có trường hợp tuổi còn trẻ bị ngộ độc rượu đã tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Điển hình là trường hợp tử vong của một sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội vào cuối tháng 2/2008. Nguyên nhân cũng bởi trước đó, sinh viên này đã uống một lúc hết 3 chai Vodka (loại 300ml) trong vòng 10 phút và không được cứu chữa kịp thời. Do vậy, hơn lúc nào hết, các bạn trẻ cần nhận thức rõ những căn bệnh trầm kha đi kèm với sở thích uống rượu như: Xơ gan, loét dạ dày, ngộ độc rượu,v.v. Đồng thời, không nên quá lạm dụng, coi rượu như là một thứ "gia vị" cho những cuộc vui.

Tương đồng với Trung tâm Chống độc, khoa H - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từ đầu năm 2008 đến nay, số bệnh nhân bị loạn thần do sử dụng rượu trong thời gian dài cũng lên tới hơn 300 trường hợp. Theo các bác sĩ của khoa H, người sử dụng rượu thường gặp phải 2 biến chứng thông thường, đó là ngộ độc rượu cấp tính và ngộ độc rượu mạn tính. Khi bị ngộ độc cấp tính, người bệnh sẽ rất dễ tử vong nếu như không được chẩn trị kịp thời. Còn đối với những trường hợp ngộ độc rượu mạn tính thì biến chứng của nó như: Teo não, viêm đa thần kinh, teo dây thị, hoang tưởng, hành vi không được kiểm soát… theo thời gian sẽ dần dần phát ra.

Thống kê sơ bộ của Bộ Y tế cũng cho thấy, từ đầu năm 2008 tới nay, có trên 42% số nạn nhân bị tử vong do ngộ độc thực phẩm, trong đó có nguyên nhân từ rượu. Mặt khác, rượu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Tại Hội thảo quốc gia "Rượu bia và tai nạn giao thông" tháng 3/2009, Bộ Giao thông vận tải cũng đã đưa ra con số 10% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia. Để ngăn chặn sự gia tăng số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia gây ra.

Ngày 1/7 vừa qua, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chính thức có hiệu lực, theo đó, quy định người điều khiển xe môtô, xe máy trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở sẽ bị xử phạt.

Như vậy, để tránh gặp phải những hệ lụy không mong muốn, giới trẻ cần nhận thức rõ sự nguy hại do thú uống rượu gây ra. Mặt khác, gia đình, nhà trường cùng các tổ chức xã hội cũng cần phải chung tay đẩy lùi "mốt" uống rượu trong giới trẻ hiện nay

Trần Huy

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文