Khí thải xe máy tàn phá môi trường
Chỉ với tổng số 3.047km đường giao thông các cấp hạng, hệ thống giao thông tại TP Hồ Chí Minh phải gánh tới 4,7 triệu phương tiện xe gắn máy và ôtô các loại, phát thải từ hoạt động giao thông đô thị là nguồn khí thải chính gây ô nhiễm môi trường không khí tại thành phố.
Theo một tài liệu nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn (Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT thành phố) công bố tại hội thảo về kiểm soát khí thải môtô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn: nồng độ khí CO tại các trạm quan trắc tự động và bán tự động ven đường ở TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng qua các năm. Nồng độ bụi, benzen vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần cho phép. Đặc biệt, nồng độ các chất ô nhiễm như bụi và benzen thường tập trung ở các tuyến đường có mật độ giao thông tương đối cao như Hùng Vương, Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư An Sương…
Báo cáo mới nhất về môi trường của UBND thành phố còn cho thấy: Theo số liệu được tính toán từ năm 2005, khi đó lượng ôtô, xe gắn máy chỉ bằng 2/3 so với hiện tại và tình trạng ùn tắc giao thông chưa đến mức căng thẳng như bây giờ, tổng tải lượng bụi hạt, SO2, NO2, CO… phát thải từ các nguồn trên địa bàn đã đạt tới con số 60.000 tấn/năm. Trong đó, tải lượng khí thải giao thông chiếm 80,8%; khí thải công nghiệp chiếm 14,6%, nguồn khí thải từ việc đốt cháy nhiên liệu phục vụ sinh hoạt cộng đồng chiếm một con số không đáng kể.
Với gần 90% lượng xe ở thành phố là xe máy, lại chủ yếu là xe phân khối nhỏ có kết cấu động cơ đơn giản, sử dụng nhiên liệu xăng, phần lớn là loại xe đã lưu hành trên 5 năm và thiếu các hệ thống kiểm soát khí thải. Nhưng hiện tại, việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải chỉ mới được thực hiện đối với xe mới nên đây là loại động cơ thải ra rất nhiều bụi, khí CO và Hydrocacbon.
Trước thực trạng ùn tắc giao thông triền miên như hiện tại, mức ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải của phương tiện giao thông đường bộ là ôtô, xe máy đến không khí càng gia tăng. Mặt khác, mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng ven các tuyến giao thông khá lớn càng khiến nguồn khí thải, khói bụi gây ô nhiễm nằm ở tầng thấp tiêu thoát chậm. Cộng với tình trạng bụi đất cát từ việc đào đường, vận chuyển đất cát xây dựng và những vị trí ngập nước bị cuốn lên… đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.
Khảo sát về tình trạng bệnh nghề nghiệp đối với đối tượng thường xuyên làm việc trên đường là lực lượng CSGT cho thấy: đã có đến 77,9% cán bộ, chiến sỹ thuộc Phòng CSGT đường bộ được khám bệnh định kỳ trong năm 2007 mắc các bệnh về tai mũi họng và đường hô hấp.
Còn theo một đề tài nghiên cứu của bác sỹ Trương Văn Sáu (Bệnh viện Công an thành phố), tỷ lệ CSGT làm nhiệm vụ trên đường từ 5 năm trở lên mắc bệnh viêm xoang mạn tính chiếm 67,6%; viêm họng mạn tính chiếm 48,25% trong tổng số những trường hợp được thống kê. Một chuyên viên ngành GTVT cho rằng, khi vận tốc lưu thông giờ cao điểm tại nhiều tuyến đường nội thành thành phố và tại những vị trí có lô cốt hiện hữu chỉ còn 5 - 10km/h, lượng nhiên liệu bị đốt cháy từ động cơ ôtô, xe gắn máy tăng gấp 3 - 5 lần mức bình thường.
Hệ lụy từ việc phát triển xe gắn máy quá nhanh trước sự bất lực của các cơ quan quản lý tại TP Hồ Chí Minh đã và đang tàn phá nghiêm trọng môi trường không khí. Làm gì để "cứu" lấy môi trường không khí vốn từ lâu đã không còn trong lành là câu hỏi lớn của người dân đối với chính quyền thành phố