Ký ức bi hùng của một cựu binh Gạc Ma

08:59 15/03/2016
Căn nhà nhỏ của cựu chiến binh Trần Thiên Phụng ở đầu một con hẻm trên đường Kim Đồng, phường 2, TP Đông Hà (Quảng Trị). Khi chúng tôi đến, anh đang cùng vợ dọn quán bán hàng ăn trong phần sân của căn nhà.

Nếu không hỏi chuyện, ít ai biết rằng 28 năm trước, vào ngày 14-3-1988, người đàn ông với vóc dáng mảnh khảnh này đã từng hiên ngang đứng trước họng súng, lưỡi lê của hàng trăm quân xâm lược Trung Quốc, không một chút sợ hãi, khuất phục…

Trần Thiên Phụng nhập ngũ năm 23 tuổi (1987). Một năm sau, vào ngày 11-3-1988, anh cùng với hơn 60 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nhận lệnh ra đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ trên tàu vận tải số hiệu HQ604.

Sự kiện ngày 14-3 năm đó tại đảo Gạc Ma cho tới bây giờ vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của anh. Anh kể: “Tàu 604 cập đảo đá chìm Gạc Ma chiều 13-3, thì chiều và đêm hôm đó, quân xâm lược Trung Quốc đã liên tục bao vây quanh đảo, khiêu khích và đe dọa bộ đội ta. Chỉ huy động viên anh em chúng tôi bình tĩnh, tranh thủ ngủ sớm để ngày hôm sau còn xây dựng trên đảo.

Cựu binh Trần Thiên Phụng và vợ.

Nhưng đến khoảng 5h sáng, quân Trung Quốc đã tràn lên đảo, đe dọa, khống chế các cán bộ, chiến sĩ của ta đang làm nhiệm vụ cắm cờ Tổ quốc trên đảo. Thấy vậy, đồng chí Trung tá Trần Đức Thông chỉ huy ở trên tàu, nói với anh em: “Các đồng chí, đây là lãnh thổ của nước Việt Nam mình, các đồng chí phải giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc”. Không ít anh em lúc đó đang mặc quần cộc (quần đùi), áo may ô ba lỗ liền xuống tàu, bơi ngay vào đảo. 

Cùng lúc đó, quân Trung Quốc bắn pháo dữ dội vào buồng lái tàu 604. Tôi đang đứng ở mũi tàu, nghe anh Tống Sĩ Bái gọi “Phụng ơi xuống đây!”. Tôi chưa kịp xuống, thì một quả đạn pháo đã cắt đôi con tàu, anh Bái hy sinh vào lúc ấy. Tôi rơi xuống biển, con tàu chìm rất nhanh. Tôi bị trúng pháo ở vùng đầu và tay phải, may mắn vớ được mảnh ván của con tàu đã vỡ, trôi nổi giữa biển”. 

Người cựu chiến binh Trần Thiên Phụng chợt ngưng câu chuyện. Tôi để ý, nét mặt anh lúc ấy đang có sự thay đổi của khí huyết, quai hàm banh ra, với đôi hàm răng nghiến chặt, đôi mắt đỏ hoe nhìn vào một phía. Chị Lê Thị Thiên, vợ anh đến đứng bên, tay phải choàng qua ngực chồng. 

Chị nói khẽ: “Bao giờ cũng vậy, nhắc đến ngày 14-3 ở đảo Gạc Ma là máu anh ấy như sôi lên vì căm thù quân xâm lược”. “28 năm qua, anh ấy không lúc nào không nhớ tới đồng đội. Nhiều đêm anh còn nằm khóc như trẻ con, bảo là không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhớ tới anh em lúc đó chiến đấu, hy sinh giữa biển”- chị Thiên kể thêm về chồng.

Chiến sĩ Trần Thiên Phụng là một trong 9 tù binh bị quân Trung Quốc bắt giữ sau khi tiến hành hoạt động xâm lược đảo Gạc Ma và một số đảo khác trong quần đảo Trường Sa, vùng biển đảo thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. 

Cựu chiến binh Trần Thiên Phụng nhớ lại: “Đến chiều tối 14-3, bọn chúng thả ca nô xuống từ tàu lớn để vớt bộ đội của ta còn sống sót, trôi dạt giữa biển bắt làm tù binh. Chúng chĩa súng và lưỡi lê vào đầu tôi, ra dấu bảo tôi phải đầu hàng, nhưng tôi lắc đầu. Một lúc sau, có thể chúng đã quan sát được kỹ trên người tôi không có vũ khí nên kéo tôi lên ca nô rồi đưa lên tàu. Sau này, khi đang ở bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông để trị thương, chúng có hỏi tôi tại sao lúc đó không đầu hàng. Tôi bảo bộ đội Việt Nam không có khái niệm đầu hàng. Cả bọn nhìn chằm chằm vào tôi rồi lắc đầu bỏ đi”.

Một năm sau ngày bị bắt làm tù binh, Trần Thiên Phụng và 8 chiến sĩ khác may mắn được Hội Chữ thập đỏ quốc tế biết tin, đến thăm và kiểm tra sức khỏe tại một doanh trại quân sự của Trung Quốc đóng ở thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây. Sau đó, hội này thông báo thông tin cho Nhà nước ta. 3 năm sau, vào năm 1992 thì Trung Quốc chịu trao trả tù binh cho ta tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Anh Phụng cùng đồng đội được đưa về an dưỡng ở Khu an dưỡng 157 Bắc Ninh – Bắc Giang…

Nhận được tin chồng còn sống từ lá thư đầu tiên sau một năm anh bị bắt làm tù binh, chị Thiên dường như không đêm nào ngủ được. Chị cứ ngóng trông, mong có ngày anh sẽ được trở về. Cu Tài (Trần Thiên Tài) khi anh đi, cháu mới một tuổi rưỡi, lúc đó đã gọi tròn tiếng mẹ và thỉnh thoảng lại níu gấu quần mẹ, hỏi “Ba mô!?” (ba đâu). 

Chị Thiên chảy nước mắt, nhớ lại: “Hôm tui nghe thông tin anh được thả về và được đón ở cửa khẩu Trung Quốc, phía ngoài Bắc, tui liền gửi con cho nhà ngoại, rồi ra bắt xe đò và đi đến 3 ngày đêm thì tới nơi. Đến nơi, tui lại phải quay về Bắc Ninh – Bắc Giang để gặp chồng vì lúc đó không có điện thoại…”.

28 năm qua, người chiến sĩ ở đảo Gạc Ma ngày ấy sống quây quần, ấm áp bên người vợ thảo hiền, đàn con thân yêu của mình. Song chưa lúc nào anh cảm thấy thanh thản khi nghĩ tới vùng biển đảo của quê hương, Tổ quốc đang ngày đêm bị đối phương dòm ngó, xâm chiếm.

Thanh Bình

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文