Làm gì để giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe khách?

06:24 18/03/2021
Trong 2 ngày vừa qua, liên tục xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách làm chết và bị thương nhiều người, gây lo lắng trong dư luận nhân dân. Để góp phần làm rõ nguyên nhân những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và giải pháp phòng ngừa, PV Báo CAND đã phỏng vấn Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT về vấn đề này.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết thực trạng tình hình TNGT liên quan đến xe ô tô khách và ô tô tải hiện nay?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong quý I/2021 (từ 15/12/2020 đến 14/3/2021), xảy ra 3251 vụ TNGT đường bộ, làm chết 1658 người, bị thương 2.437 người. Trong đó, có 948 vụ TNGT (chiếm tỉ lệ 29,16%  về số vụ) liên quan đến xe ô tô tải, container, rơ mooc, sơ mi rơ mooc, làm chết 529 người (chiếm tỉ lệ 31,91% về số người chết); làm bị thương 501 người.Tỉ lệ số này giảm so với năm 2020 (trong năm 2020, các vụ TNGT liên quan đến xe ô tô tải chiếm tỉ lệ 30,80% về số vụ và 37,06% về số người chết).

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT

Có 162 vụ TNGT (chiếm tỉ lệ 4,98%) liên quan đến các loại xe ô tô khách, làm chết 91 người (chiếm tỉ lệ 5,49% về số người chết); làm bị thương 93 người. Tỉ lệ này giảm so với năm 2020 (trong năm 2020, các vụ TNGT liên quan đến xe ô tô khách chiếm tỉ lệ 5,09% về số vụ và 6,42% về số người chết).

Gần đây nhất xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này. Cụ thể, vụ TNGT xảy ra hồi 5h20’ ngày 16/3 tại Km 468+300 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Hưng Thi, Lạc Thủy, Hòa Bình, xe ô tô khách biển số 37B-020.10 do Hoàng Văn Cảnh (SN 1974; trú tại Phú Tiến, Đông Hiếu,  Thái Hòa, Nghệ An) điều khiển hướng Hà Nội - Thanh Hóa va chạm với xe ô tô tải biển số 29H-726.47 do Bùi Văn Quý (SN 1993; trú tại Đồng Danh, Phú Thành, Lạc Thủy, Hòa Bình) điều khiển hướng ngược chiều khiến 3 người chết, 1 người bị thương.

Vụ thứ 2  xảy ra hồi 4h30’ ngày 16/3 tại Km 447+600 Quốc lộ 1A, xóm Bắc Kim Hòa, xã Nghị Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, xe ô tô khách biển số 36B-034.12 do Nguyễn Văn Tâm (SN 1985; trú tại tổ 16 xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) điều khiển trên xe chở theo 22 người chạy  hướng Hà Nội - Vinh va chạm với xe ô tô đầu kéo biển số 37V-0047 kéo theo sơ mi rơ mooc biển số 37R- 0024 do Nguyễn Xuân Thắng (SN 1967; trú tại thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) điều khiển đang đỗ bên phải đường theo hướng Hà Nội - Vinh trước đó làm 1 người chết, 3 người bị thương.

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết, 1 người bị thương ngày 16/3 tại Hoà Bình.

Nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như: đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng không đúng quy định; vượt xe không đúng quy định; không chấp hành quy định về tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước; không chấp hành quy định nhường đường tại nơi giao nhau...

Ngoài ra, đối với ô tô chở khách còn phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành hành khách; với xe tải chạy đường dài chạy quá số giờ quy định, sử dụng ma túy, nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; người điều khiển phương tiện còn sử dụng điện thoại di động để đón, nhận khách, tìm đường gây mất ATGT.

Phóng viên: Trước những diễn biến phức tạp như vậy, theo đồng chí, ngoài nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT còn có các nguyên nhân nào khác?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, ngoài ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, còn có nguyên nhân: Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu, phương tiện có thiết bị giám sát hành trình nhưng không phát huy được hiệu quả; không sử dụng thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để phản ánh hoạt động thực tế của phương tiện, thời gian điều khiển phương tiện của lái xe để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Công tác quản lý an toàn giao thông, công tác quản lý lái xe, phương tiện kinh doanh vận tải chưa chặt chẽ, quản lý sức khỏe lái xe không tốt, quy trình an toàn trước khi giao xe bị buông lỏng; theo dõi toàn bộ hành trình, chấp hành của lái xe dường như bị bỏ mặc, trong khi đó lái xe do lo bị cắt lương, thưởng nếu không đi, đến đúng giờ, khoán doanh thu; hệ thống vận tải nhỏ lẻ, manh mún và có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh còn tồn tại, bất cập, như: công tác quản lý các phương tiện kinh doanh vận tải hiện nay được thực hiện thông qua các loại giấy tờ (hợp đồng vận tải…), thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát…, tuy nhiên việc giám sát, cảnh báo, xử lý các vi phạm của phương tiện không được thực hiện tức thời tại thời điểm vi phạm mà chủ yếu xử lý sau thời điểm vi phạm qua công tác thống kê, báo cáo, trong đó lái xe không thực hiện đúng hành trình đã được cấp.

CSGT kiểm tra ma tuý đối với lái xe

Đặc biệt, công tác quản lý của chủ doanh nghiệp, chủ xe đối với lái xe chưa chặt chẽ (chủ phương tiện giao cho người không đủ điều kiện sức khỏe những vẫn được giao điều khiển phương tiện), thậm chí vì lợi nhuận các chủ xe thường tạo áp lực cho lái xe yêu cầu di chuyển vào ban đêm, lái xe liên tục trong thời gian dài.

Phóng viên: Đồng chí cho biết, Bộ Công an đã có chủ trương, giải pháp gì để hạn chế tình trạng TNGT liên quan đến ô tô tải và ô tô chở khách?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tập trung cao nhất lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng vào các khung giờ thường xuyên xảy ra TNGT; nhanh chóng, tập trung điều tra kết luận nguyên nhân, xác định lỗi của lái xe, chủ phương tiện và người liên quan trong vụ TNGTcó dấu hiệu tội phạm, đặc biệt là những vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Quá trình điều tra giải quyết vụ TNGT ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, phải quan tâm xác minh, làm rõ nguyên nhân sâu xa (hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn…), điều kiện dẫn đến vụ tai nạn và xác định lỗi của các tập thể, cá nhân trong vụ tai nạn để phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý vụ tai nạn được chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật; xử lý vi phạm trong kinh doanh vận tải. 

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có phương tiện kinh doanh vận tải, chú trọng kiểm tra việc tổ chức, phân công, quản lý và hợp đồng lao động đối với lái xe, người làm công do đơn vị, cá nhân, tổ chức tuyển dụng.

Xác minh, làm rõ mối quan hệ giữa chủ xe (người có tên trong đăng ký xe) với người lái xe khi xảy ra TNGT, nhất là việc giao phương tiện cho lái xe có sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng khi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải để làm rõ trách nhiệm của chủ phương tiện trong vụ tai nạn theo quy định của pháp luật.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin trong điều tra, giải quyết các vụ TNGT giữa Cơ quan CSĐT và lực lượng CSGT để phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý vụ tai nạn được chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trên thực tế, Công an các đơn vị, địa phương phát hiện rất nhiều điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, trong đó có nhiều điểm đen xảy ra nhiều vụ TNGT, nhiều bất hợp lý có thể là nguyên nhân gây ra TNGT. Chúng tôi đã kiến nghị khắc phục những điểm bất hợp lý trên nhưng ngành giao thông chỉ khắc phục được khoảng 15% kiến nghị.

Lực lượng Công an cũng đã phối hợp với cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT và cảnh báo nguy hiểm cho người dân sinh sống, tham gia giao thông trên các tuyến giao thông có tình hình TTATGT phức tạp, có nguy cơ dẫn đến TNGT và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra TNGT...

Phóng viên: Vậy để phòng ngừa TNGT, đặc biệt là các vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, đồng chí cho biết, Bộ Công an có những đề xuất, kiến nghị gì?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cơ quan Công an, Y tế, Bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nhất là trách nhiệm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải).

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa có chế tài xử phạt chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi để người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), chỉ có quy định xử phạt vi phạm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải nói chung (không tách riêng trường hợp xảy ra tai nạn và không xảy ra tai nạn).

Vì vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các vụ TNGT liên quan đến các phương tiện kinh doanh vận tải; ngày 15/3/2021, Bộ Công an đã ban hành chiến lược, kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2021- 2025. Qua đó, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trọng tâm sau:

- Đề nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT, cụ thể là:

+ Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến thông qua Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Chính phủ trình, trong đó: quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đứng tên trong giấy đăng ký xe.

  + Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng bổ sung xử phạt hành vi chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi để người điều khiển phương tiện gây ra vụ tai nạn giao thông (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự).

- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải:

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp vận tải, trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, quản lý lái xe, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe trong các doanh nghiệp vận tải, trong đó ưu tiên việc ứng dụng công nghệ cao để quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải (thời gian lái xe, hành trình của phương tiện…). Phát huy hiệu quả việc quản lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện, kiểm soát hoạt động thực tế của phương tiện khi tham gia giao thông, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe theo đúng quy định.

+ Tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức đánh giá, khảo sát xác định các “điểm đen” về TNGT, những vị trí thường tập trung đông người dọc các tuyến giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm chế TNGT, bảo đảm TTATGT.

- Đề nghị Bộ Y tế:

+ Tăng cường cơ chế quản lý chặt chẽ công tác khám sức khỏe của các cơ sở y tế cho các đối tượng học lái xe; khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định của pháp luật.

+ Rà soát, trang cấp bổ sung các thiết bị y tế phục vụ công tác xét nghiệm ban đầu các vụ việc TNGT ngay tại cơ sở. Chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông khi có yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy trong máu đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý, giám sát hoạt động vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn, đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, quản lý lái xe gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn giao thông thì tùy mức độ vi phạm có các hình thức xử lý như: đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi biển hiệu, phù hiệu hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải; đồng thời thông báo cụ thể danh sách xe cho lực lượng Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác kiểm soát, xử lý vi phạm.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Cục trưởng!

Phương Thuỷ (thực hiện)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文