Làm “sống” lại dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Trước đây, kênh NL-TN là nỗi khiếp đảm đối với những hộ dân sống dọc hai bên vệ kênh. Do yếu tố lịch sử mà hệ thống cống thoát nước (của lưu vực NL-TN) sẽ phải nhận cả nước thải sinh hoạt và các loại nước ô nhiễm khác rồi đổ thẳng ra kênh NL-TN. Vì vậy, từ hàng chục năm trở về trước, dòng nước của kênh đã trở nên đen, hôi thối quanh năm.
Theo đó, vào mùa mưa, con kênh NL-TN là nơi lý tưởng cho các loại ruồi, muỗi sinh sôi, nảy nở. Còn vào mùa khô, dưới nền nhiệt độ luôn thường trực ở mức “ngất ngưởng”, mùi hôi thối nồng nặc. Kênh NL-TN có chiều dài hơn 8,9km, chảy qua địa bàn 7 quận gồm quận: 1, 3, 10, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh NL-TN là một dự án qui mô lớn với chi phí đầu tư lên đến 8.600 tỷ đồng.
Để làm sạch dòng kênh ô nhiễm này, từ năm 1993, thành phố đã tiến hành đền bù, giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp với hơn 7.000 hộ dân (với hơn 50.000 người dân) , nạo vét khoảng 260.000 m3 bùn đất, xây dựng hai tuyến đường dọc hai bên ven kênh... Mục tiêu của dự án là giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, thoát nước cho 7 quận nội thành nói trên.
Ngoài ra, ngay sau khi tổ chức khánh thành giai đoạn 1 của dự án (vào ngày 18/8/2012), thành phố sẽ tiếp tục huy động kinh phí để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trên phạm vi lưu vực kênh NL-TN giai đoạn 2. Cũng theo kế hoạch, tiếp sau thành công của dự án cải tạo kênh NL-TN, thành phố sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm (kênh Tàu Hủ chạy qua các quận 6, 11, Tân Phú,…).
Hiện nay, tuy mới hoàn thành việc cải tạo được giai đoạn 1 và đang tiến hành cải tạo giai đoạn 2 nhưng kênh NL-TN đã gần như mất hẳn mùi hôi thối với màu nước cũng đang trong trở lại. Dọc hai bên kênh, đường sá lúc nào cũng khang trang, sạch đẹp. “Dạo trước con kênh này không thấy có cá. Vậy mà từ khi sạch sẽ đến nay, đứng trên bờ cũng nhìn thấy cá bơi nên bà con phấn khởi lắm. Ngày nào chúng tôi cũng ra câu, mang về nhậu với anh em” - anh Nghĩa (người câu cá tại kênh) vui vẻ nói.
Rất đông người đứng câu cá dọc 2 bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. |
Cũng từ khi con kênh được thay da đổi thịt, vào mỗi buổi sáng sớm và cuối giờ chiều, người đi đường lại chứng kiến quang cảnh hàng trăm người dân tề tựu, tấp nập dọc hai bên tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa. Thanh niên trai tráng chạy thể dục; người già thư thái trong bài tập dưỡng sinh; những đứa con nít được mẹ đút từng thìa cháo... Tất cả hòa quyện lại nhịp nhàng, tạo thành bức tranh sống động về một cộng đồng đang phơi phới bên con kênh mới được hồi sinh.
Tuy nhiên, khi vừa mới được trong xanh trở lại, con kênh NL-TN nay đã lại phải đối diện với một số thách thức không hề nhỏ. Nhiều hộ dân sống và buôn bán hàng quán vẫn thiếu ý thức mà vô tư xả rác bừa bãi xuống kênh. Một số người còn vô tư dùng điện chích cá khiến cho không chỉ những con cá nhỏ mà các loại thủy sinh cũng có nguy cơ bị tận diệt...
Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, hiện nay, trung bình công ty này vớt được hơn 10 tấn rác ở kênh NL-TN trên một lượt hớt (2 ngày/lượt).
Theo một số chuyên gia, nếu như thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các hoạt động cải tạo theo qui trình khoa học thì cũng phải mất từ 5-10 năm nữa, màu nước của kênh NL-NT mới có thể xanh và sạch như tính toán được. Cải tạo được kênh là chuyện rất khó, nhưng việc giữ gìn vệ sinh môi trường lâu dài cho con kênh còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, các cơ quan hữu trách cần có những biện pháp bảo vệ khoa học, quyết liệt để con kênh NL-TN mãi mãi là niềm tự hào của đông đảo người dân thành phố, là sự thoải mái, dễ chịu đối với du khách thập phương.
Dự án cải tạo kênh NL-TN là một công trình gồm 33 gói thầu, trong đó gói thầu đầu tiên được khởi công vào tháng 3/2003 lắp tuyến cống bao (có đường kính 2,5 - 3m) dài 8,9km nằm dọc kênh NL-TN. Tiếp đó là 11 gói thầu đào đường lắp đặt 70km tuyến cống thoát nước các loại nhằm thu gom nước thải từ hộ dân đưa vào tuyến cống bao. Gói thầu xây dựng trạm bơm nước lớn nhất nước có công suất 64.000m3/giờ. Gói thầu số 10 có quy mô lớn nhất nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000m bêtông kè hai bên bờ kênh. Dự kiến giữa năm 2013 NL-TN sẽ hồi sinh thành dòng kênh xanh và từ mùa mưa năm nay công trình sẽ chống ngập nước cho một lưu vực rộng 33,2km2 thuộc 7 quận, góp phần cải thiện cuộc sống 1,2 triệu dân. |