Làng "chết" vì ung thư
Không đầy 5 năm trở lại đây, tại làng Đá Giông thuộc hai xóm 6 và 7 xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mệnh hàng chục người dân vô tội… Và khi mồ của những người xấu số chưa kịp xanh cỏ, thì căn bệnh quái ác lại tiếp tục đe dọa đến mạng sống của khoảng 5 người khác. Trong ngôi làng chỉ vỏn vẹn vài chục cái bếp…
Cái chết đã trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người nông dân nghèo khó ở xóm rú Dài…
Ám ảnh Đá Giông!
Trên chiếc giường tre xộc xệch, trong ngôi nhà tranh thấp lè tè, mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc, chúng tôi ngồi với mẹ Nguyễn Thị Lệ - một cư dân làng Đá Giông.
Câu chuyện mẹ đang kể cứ dần đứt quãng, bởi bệnh tật và nỗi đau mấy năm liền cứ liên tiếp đổ ào lên đôi vai gầy yếu và sự khốn cùng của người mẹ nông dân chân bùn tay lấm. "Mẹ quê gốc ở tận Sơn Ninh (Hương Sơn). Những năm đầu của chiến tranh chống Mỹ, cả gia đình cụ buộc phải di dời lên rú Dài (làng Đá Giông) lánh nạn, rồi định cư hẳn tại đây". Hai vợ chồng mẹ Lệ sinh được bảy người con. Năm 1975 chồng chết, mẹ Lệ ở vậy thờ chồng nuôi con.
Người mẹ già bệnh tật (ung thư) đưa tay áo lau dòng nước mắt rồi kể: Bảy đứa con của mẹ tội nhất là đứa con gái thứ tư, mắc bệnh dại từ lúc vừa mới sinh ra, bây giờ đã 49 tuổi rồi mà không hề khác đứa trẻ lên 3!
Sáu đứa còn lại, người tham gia bộ đội, đứa thanh niên xung phong, người là công nhân… sau khi hoàn thành nghĩa vụ đều trở về với ruộng đồng và đã yên bề gia thất. Cuộc sống tưởng chừng sẽ bình yên, nào ngờ bỗng một ngày tai vạ vô cớ đổ ập vào nhà.
Năm 2000, chị Trần Thị Nguyệt - đứa con dâu bị ung thư máu, chạy chữa được dăm tháng, tiền mất rồi cũng không thoát chết. Chưa kịp hết tang đứa con dâu, thì anh Nguyễn Hữu Lý - con trai thứ hai, lại phát hiện bị ung thư vòm họng đã di căn sang giai đoạn cuối
Cả nhà đang cố chạy vạy tiền nong để tìm cách cứu chữa… thì tiếp tục phát hiện thêm đứa con thứ 6 cũng bị một khối u ác tính ở phía cổ trái!
Cạnh nhà mẹ Lệ là gia đình ông Nguyễn Đình Dưỡng - một hàng xóm kề vách cũng đang đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác này. Nghe đâu gia đình ông Dưỡng cũng đã cố hết sức còn nước còn tát, bán hết đồ đạc tư trang trong nhà rồi vay mượn thêm hàng xóm để ông lăn lóc bệnh viện, nhà thương, nhưng hình như cũng chẳng ăn thua gì nữa rồi…
Chưa hết, cách đó một đoạn mươi thước tính theo đường chim bay, vợ ông Biền cũng mới phát hiện bị ung thư vú, vừa đi Hà Nội bắn u về… Chỉ đếm sơ qua, loanh quanh mấy hòn núi không đầy nắm tay của ngôi làng Đá Giông, thì căn bệnh ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, vật vã cảnh tang tóc!
Cha bị ung thư… con mất học!
Cách ngôi nhà mẹ Lệ không hơn 50m, gia đình anh Phạm Văn Dưỡng cũng chung hoàn cảnh thương tâm. Nhập ngũ năm 1968, anh lái xe phục vụ chiến đấu tại đường 9 (Nam Lào). Trong chiến tranh, anh Dưỡng đã từng lăn lộn qua nhiều mặt trận. Bị thương sau đó phục viên và chuyển về Xí nghiệp Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh.
Lập gia đình năm 1983. Năm 1989, bản thân anh dù mang trên mình thương tật nặng cũng gắng nhận ba sào đất vườn, ở riêng. Hơn hai mươi năm, vợ chồng ăn ở với nhau sinh hạ được năm gái, một trai. Sáu đứa con của anh Dưỡng đều nhỏ tý tẹo, nhưng thông minh, kháu khỉnh lạ thường.
Năm 2001, làm đơn, xã đối chiếu chế độ chính sách, anh Dưỡng được trợ cấp mỗi tháng mấy chục nghìn tiền chất độc da cam, vậy mà năm 2005, không hiểu vì lý do gì, khoản trợ cấp không nhiều nhặn đó cũng bị xã cắt nốt!
Nhà đông con, vợ chồng lại ốm đau triền miên, nên cái nghèo lại càng nghèo rát hơn. Khốn khổ hơn là từ khi anh phát hiện mình mắc phải căn bệnh ung thư… Bấy giờ thì gánh nặng của cái gia đình với 8 miệng ăn đổ đè lên vai những đứa con còn nhỏ dại của anh chị. Hai đứa con gái đầu đã phải bỏ học khi chưa hết THCS, để đi làm thuê kiếm tiền về phụ giúp gia đình.
Trong căn nhà tuềnh toàng, trống đến toang hoác, tài sản duy nhất chỉ là hai cái gường ngủ. 4 đứa trẻ khuôn mặt ngây thơ, đang đưa tay hứng những giọt nước mưa chảy từ mái nhà xuống cái sân đất trước mặt, cất giọng buồn bã: "Răng cháu cũng phải bỏ học thôi, vì chưa có tiền đóng nộp chú ạ".
Cháu Phạm Thị Hằng (đang theo học lớp sáu) và Phạm Quốc Bảo (lớp ba) kể nghe tội tình: "Ở trên lớp học bọn cháu không có bạn mô, các bạn của cháu sợ bị lây bệnh ung thư"(!).
Trước kia làng Đá Giông vui lắm, cứ tối đến là khắp xóm râm ran chuyện trò, bà con mời nhau uống bát nước chè xanh. Vậy mà từ khi phát hiện mấy chục người bị ung thư, chẳng ai muốn qua lại nữa. Hễ lên đèn là ai cũng đóng cửa ỉm im trong nhà…
Lời khẩn cầu từ làng ung thư
Chúng tôi về làng Đá Giông trong một buổi chiều mưa trắng xóa, thế nên cái miền sơn cước rú Dài vốn dĩ đã ảm đạm, nhọc nhằn, nay lại càng thêm phần nặng trĩu nỗi buồn thương! Những dị bản về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư lại được thêm đầy vào chiếc máy ghi âm dọc theo quãng đường về xóm.
Không ít người già ở làng Đá Giông đã kể với chúng tôi rằng: Ngày xưa, ngay tại ngôi làng và trên rú Dài là một khu rừng gỗ lim rậm lắm… Sau đó không hiểu vì lý do gì mà lụi dần rồi biến mất. Và nước từ con suối Vàng Dành bắt nguồn từ rú Dài, người ta nhìn thấy nổi đầy váng có màu vàng quánh(?).
Cũng lại nghe kể, vào những năm 1960, tại đây Hợp tác xã Hồng Trường tiến hành xây dựng lò thúc mầm, ủ mạ theo phương pháp mới. Để sâu không hại được giống, người ta đã cho trộn lẫn thóc giống với thuốc 666 (trừ sâu), sau đó mang lúa ra rửa ở suối Vàng Dành.
Hồi đó cả xã này chưa hề có giếng riêng, thế nên tất cả mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào chính nguồn nước ở đây(?).
Tuy nhiên, cũng có người cho biết, trong lòng của dãy núi Dài, chứa đầy quặng sắt hiện đã lộ thiên. Và sắt đã lồi lên thành những đám lớn, nằm cả trong nền nhà. Thế nên, tại Sơn Trường trong những năm qua, đã có rất nhiều trường hợp bị sét đánh chết.
Nghĩ cũng thấy vô lý vì quặng sắt (theo tài liệu khảo sát của các đoàn thăm dò địa chất khoáng sản), thì không chỉ có riêng mình xã Sơn Trường mà nó được trải dài sang đến huyện Vũ Quang và huyện Hương Khê, thế nhưng, chẳng thấy các xã thuộc địa bàn hai huyện trên có số người bị mắc bệnh ung thư nhiều như ở cái làng Đá Giông này(!?).
Và cho đến thời điểm hiện nay, những người còn lại của ngôi làng Đá Giông khốn khổ ấy vẫn chưa hề thấy một động thái nào từ các cấp có thẩm quyền, dù chỉ là lời giải đáp về nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư tại hai xóm này…
Dẫu biết rằng lời khẩn cầu thống thiết của gần 50 con người tại hai xóm của cái xã nghèo Sơn Trường, cũng đã được gửi đến chính quyền huyện Hương Sơn rất nhiều năm về trước(!?)