Làng nghề nặn tượng ông Táo xứ Huế “đến hẹn lại lên”

06:22 26/01/2021
Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, làng nghề Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) lại “vào vụ” nặn tượng ông Táo để kịp đưa ra thị trường cho các gia đình “rước” về thờ tự. Làng nghề nặn tượng ông Táo đã có tự lâu đời, đến nay người dân ở đây vẫn cần mẫn bám lấy nghề để mưu sinh và lưu giữ nghề truyền thống của cha ông...


Nằm cách khu phố cổ Bao Vinh một đoạn đường không xa về phía Tây, làng Địa Linh với nghề truyền thống nặn tượng ông Táo dần hiện ra sau những làn khói từ các lò nung tượng đất. Những ngày đầu tháng 11, tháng Chạp âm lịch đến đây sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những người thợ nhộn nhịp chuyển tượng ông Táo được nặn bằng đất sét ra phơi nắng; hoặc đưa tượng đã ráo nước vào lò xếp thành từng lớp, từng lớp để thực hiện công đoạn nung tượng.

Tại làng Địa Linh, gia đình ông Võ Văn Đức (66 tuổi) được biết đến là hộ có xưởng sản xuất tượng ông Táo lớn nhất. Lúc chúng tôi đến, 5 người thợ ở xưởng đang cần mẫn làm tượng, với mỗi người mỗi công đoạn khác nhau. Ông Đức cho biết, nghề làm tượng được gia đình duy trì suốt hàng chục năm qua và cứ đến tháng 3 âm lịch thì bắt đầu đào đất, chuẩn bị nguyên liệu. Khi làm tượng, đất sét nguyên liệu được đem nhồi mịn cho vào khuôn có khắc hình ông Táo (2 ông, 1 bà) nén chặt, sau đó gạt đi phần đất thừa, đổ tượng đem ra phơi nắng cho khô rồi cho vào lò nung.

Người dân làng Địa Linh cần mẫn với nghề nặn tượng ông Táo.

Nung xong thì tô màu cho tượng và tiếp tục phơi khô lần nữa mới hoàn thiện sản phẩm. “Cứ mỗi dịp Tết, xưởng chúng tôi sản xuất hàng vạn bức  tượng ông Táo để phục vụ thị trường ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và nhiều tỉnh, thành miền Trung. Các thương lái thu mua mỗi tượng từ 3-5 nghìn đồng, trừ chi phí nguyên vật liệu thì người thợ làm tượng chỉ lấy công làm lời”, ông Đức bày tỏ.

Tại nhà ông Võ Văn Nam (56 tuổi) chúng tôi cũng bắt gặp cảnh những người thợ tất bật làm tượng ông Táo. Những mẻ tượng cuối năm được người thợ cho khỏi lò nung để hoàn tất công đoạn trang trí hoàn thiện sản phẩm. Ông Nam cho hay, theo tín ngưỡng người Việt Nam, ông Táo là vị thần cai quản việc bếp núc của gia chủ.

Vào ngày 23 tháng Chạp, gia chủ cúng tiễn 3 vị Táo quân cưỡi cá chép bay lên trời để trình báo lại với Ngọc Hoàng mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình trong năm và rước tượng mới về thờ tự cho năm tiếp theo. Vì thế, nghề làm tượng ông Táo của làng Địa Linh đến nay vẫn duy trì và tồn tại.

Bình quân mỗi vụ Tết Nguyên đán, gia đình ông Nam xuất xưởng hơn 30 nghìn tượng ông Táo, giúp những người thợ làm nghề có thêm thu nhập khi Tết đang cận kề. “Giờ đây, gia đình không những giữ nghề để mưu sinh mà chúng tôi làm nghề với trách nhiệm gìn giữ nghề của cha ông để lại. Nếu chúng tôi không giữ lấy nghề thì nghề này sẽ mai một và rồi sẽ mất đi như bao nghề khác thì thật đáng tiếc”, ông Nam trăn trở.

Theo người dân làng nghề Địa Linh, vào thời Nguyễn, nhà vua cho đặt tại làng một xưởng lấy đất làm gạch với tên gọi “Nê ngõa tượng cục” và tên làng là do vua thấy đất tốt mới ban cho. Phần lớn các công trình dinh thự, lăng tẩm vua quan triều Nguyễn đều được lấy đất tở Địa Linh để làm gạch phục vụ xây dựng.

Về sau, nhận thấy nguồn đất sét có chất lượng tốt, lại dồi dào nên người dân trong thôn đã tận dụng để nặn tượng ông Táo. Và nghề này đã được “cha truyền con nối”. Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, do sản phẩm tượng ông Táo chỉ tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm, đặc biệt vào tháng 11 âm lịch và tháng Chạp nên địa bàn xã đã có nhiều hộ bỏ nghề, chỉ còn một số hộ dân giữ nghề truyền thống để mưu sinh.

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động các hộ dân cố gắng gìn giữ nghề nặn tượng ông Táo để lưu giữ nghề truyền thống. Cứ đến vụ Tết, bình quân mỗi xưởng cho ra lò từ 3 đến 5 vạn tượng ông Táo. Những bức tượng này được thương lái mua về “bỏ sĩ” tại các chợ, hoặc vận chuyển đi các tỉnh, thành để phục vụ thị trường Tết. Nhờ thế mà sản phẩm tượng ông Táo ở làng Địa Linh ngày càng được nhiều người biết đến hơn, giúp sản phẩm của làng nghề có chỗ đứng trên thị trường vào dịp Tết…

Anh Khoa

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文