Lên mạng mua… luận văn, khóa luận, đồ án
Thời gian gần đây, trên thị trường "ngầm" xuất hiện tình trạng rao bán khóa luận, luận văn, đồ án với những lời quảng cáo "hút" khách đại loại như: "bán luận văn, đồ án, tài liệu, phần mềm, sách gì… cũng có", "tổng hợp luận văn, khóa luận, chuyên đề"… Đây thực sự là vấn đề đáng báo động và cần được các cơ quan liên quan đến lĩnh vực này có biện pháp ngăn chặn và xử lý.
Những quảng cáo nhận làm luận văn, khóa luận công khai trên mạng. |
Rao bán khoá luận, luận văn… loại nào cũng có
Trái với thời gian trước đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet phổ khắp nhiều địa phương, tình trạng rao bán tài liệu, luận văn, khóa luận, đồ án của một số đối tượng diễn ra hết sức công khai. Số lượng các trang web, địa chỉ liên hệ giao dịch theo đó cũng gia tăng đáng kể.
Để kiểm định thực tế, qua vài "mối lái”, chúng tôi bốc máy liên hệ với "đầu nậu" có tên H. quản lý một trang web chuyên cung cấp, giao dịch mua bán luận văn, đồ án, đề tài nghiên cứu khoa học trên mạng. Thấy tôi là chỗ quen biết do một “mối lái” giới thiệu và cho số điện thoại, “đầu nậu” tên H. này sau ít phút trò chuyện liền gợi ý: "Em muốn tìm luận văn thuộc lĩnh vực gì?", "Đề tài liên quan ngành văn học anh ạ". "Nói cụ thể anh xem nào" - "đầu nậu" H. tiếp lời. "Văn thiện đàn". Nghe đoạn đến đây, "đầu nậu” H. chùng xuống một lúc như để lục lại "tủ" khóa luận của mình rồi đọc cho tôi đường link: www.luanvanto…, cũng như cách nhập từ khóa để tìm đề tài có liên quan.
Đáng chú ý, theo "đầu mối" cung cấp luận văn này thì sau khi truy cập vào địa chỉ trên nếu ưng ý đề tài nào thì chỉ cần chuyển khoản phí tương ứng theo mã tài khoản hướng dẫn bên dưới là sẽ nhận được ngay số tài liệu mình muốn sở hữu.
Theo sự chỉ dẫn của “đầu nậu” H., sau vài phút nhấp chuột, màn hình máy tính của chúng tôi nhanh chóng xuất hiện giao diện của một trang web với thông tin khá sốc: "Biểu phí dịch vụ đặt mua (luận văn, khóa luận) giảm giá từ 25/6 đến 30/6/2010" đi kèm bên dưới là hàng loạt biểu giá đặt mua luận văn thạc sĩ. Theo các thông tin hướng dẫn có trong trang web này thì phí dịch vụ cho một bộ tài liệu luận văn thạc sĩ là 100 ngàn đồng, còn tiểu luận, bài thảo luận là 40 ngàn đồng. Đặc biệt, đối với khách hàng đặt mua nhiều tài liệu sẽ giảm giá từ 30-60% (tùy từng tài liệu)…
Không chỉ rao bán luận văn, khóa luận tốt nghiệp, trên mạng hiện nay còn xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng quảng cáo có khả năng nhận "làm đồ án, luận văn chuyên nghiệp". Đơn cử như tại trang web: www.webm... chủ nhân của nó đã ra sức giới thiệu về nhóm chuyên làm thuê luận văn, đồ án… Theo như những lời quảng cáo "bốc giời" của những người quản trị trang web này thì bất kể loại luận văn, khóa luận nào từ ngành kỹ thuật, kinh tế cho đến cả lĩnh vực xã hội, luật… họ đều có thể giải quyết được.
Vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ
Thực tế trên hiện cho thấy, tình trạng rao bán công khai luận văn, đồ án, khóa luận trên mạng đã và đang là một vấn đề bức xúc đòi hỏi các cấp, các ngành hữu quan phải lưu tâm. Bởi nếu như công tác quản lý, xử phạt các vấn đề có liên quan bị bỏ ngỏ thì hệ lụy đi kèm là rất khôn lường. Và tất nhiên, việc chảy máu chất xám, tri thức sẽ khó tránh khỏi.
Dạo qua một vòng trên mạng Internet, chúng tôi không khỏi giật mình về tình trạng rao bán luận văn, khóa luận… khá công khai và sôi động trên mạng. Đủ các loại luận văn, khóa luận được rao bán với giá cả rẻ đến giật mình. Người bán tồn tại được ắt hẳn phải có kẻ mua, chính vì vậy "chợ tài liệu" trái phép này vẫn hàng ngày… sôi động. Rõ ràng đây là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong một cuộc hội thảo về "Bản quyền tác giả trong trường đại học" vừa được tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia về lĩnh vực pháp luật đến từ các trường đại học đều có chung nhận định: Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đã ra đời được 5 năm qua, tuy nhiên tại nhiều trường đại học tình trạng sinh viên vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Phổ biến nhất vẫn là việc "sử dụng lại", sao chép tài liệu của người khác cho những đề tài của mình.
Tình trạng sao chép này dẫn đến trường hợp có những tài liệu đã được sao chép dây chuyền qua rất nhiều người. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu không trang bị cho giáo viên những công cụ phát hiện đạo văn đơn cử như công cụ kiểm tra tính cá biệt của tác phẩm thì rất khó phát hiện được tình trạng đạo văn, sao chép tài liệu…
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời có những biện pháp ngăn ngừa tình trạng sao chép tài liệu đang là vấn đề cấp bách đặt ra trong các trường đại học. Liên quan đến tình trạng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Phạm Văn Quyết - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học cho biết: Hằng năm đơn vị này đào tạo khoảng 70 tiến sĩ và 500-600 thạc sĩ. Về nguyên tắc, việc nhờ người làm hộ luận văn (đào tạo thạc sĩ), luận án (đào tạo tiến sĩ) là không thể được.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Quyết, các đề tài bậc đại học sau khi bảo vệ sẽ được lưu trong bảng biểu theo dõi. Đây chính là một trong những nhân tố khiến việc đạo luận văn khó có thể thực hiện. Mặt khác, khi học viên nào có ý định xào đề tài luận văn do người khác thực hiện sẽ khó tránh khỏi việc ban kiểm định, hội đồng đánh giá đề tài phát hiện.
Có điều này cũng bởi thành viên trong các ban kiểm định và hội đồng đánh giá đều là những người nắm chắc về kiến thức chuyên môn liên quan đến đề tài mà học viên đăng ký