Loạn gạo “thần dược” chữa bệnh?
Trong khi gạo hữu cơ chính thức chỉ được coi là một loại gạo ngon hơn so với các loại gạo trồng theo phương pháp canh tác chỉ dùng phân hóa học và kích thích tăng trưởng hóa học truyền thống thì một số công ty lại quảng cáo gạo hữu cơ như một “thần dược”. Có thể bắt gặp những dòng quảng cáo như: Gạo hữu cơ không những tốt cho sức khỏe, gạo hữu cơ còn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao và chỉ số đường huyết trong gạo cũng thấp hơn nhiều so với gạo trắng nên có thể dùng để trị bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư, tim mạch...
Không những thế, gạo hữu cơ này còn được quảng cáo là “một liều thuốc giải độc gan, thận rất hiệu quả, giúp ổn định đường huyết, chống béo phì do nhiều chất xơ và đặc biệt là ngăn ngừa bệnh ung thư rất hiệu quả”.
Trên thị trường, người tiêu dùng có thể gặp nhan nhản các loại gạo “thần dược” khác như gạo mầm, gạo lứt truyền thống, gạo thảo dược... Dù trên bao bì không có một dòng nào về tác dụng chữa bệnh của các loại gạo này nhưng không có người bán hàng nào không “thêm vào” những tác dụng mà dường như chỉ có ở… thuốc. Nào là gạo mầm nghệ để chữa bệnh dạ dày, gạo mầm giảm cân… Gạo huyết rồng có tác dụng chống lại các bệnh xơ vữa động mạch, ung thư vú, thậm chí giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Trong khi, giá gạo hữu cơ thực sự ở vào khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg thì giá các loại gạo “thần dược” có độ dao động lớn từ 18.000 - 70.000 đồng/kg.
Theo phân tích từ các chuyên gia về nông nghiệp cũng như công nghệ thực phẩm, những lời quảng cáo có cánh dành cho sản phẩm hữu cơ như chữa bệnh ung thư, giảm mỡ máu... là hoàn toàn không thể. Một chuyên gia nhận định, gạo hữu cơ dù được chăm bón đúng cách cũng chỉ là một loại thực phẩm, không phải là thuốc, không có công dụng chữa bệnh. Đó là chưa kể những sản phẩm “ăn theo” gạo hữu cơ trên thị trường.
Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để sản xuất được gạo hữu cơ đạt chuẩn, nhà sản xuất phải sử dụng vùng đất chưa bị tác động bởi bất cứ yếu tố canh tác hóa học nào. Sản phẩm ra thị trường phải đáp ứng yêu cầu không chứa các loại hormone, thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, trừ cỏ, phân bón hóa học,...
Hiện, Bộ NN&PTNT vẫn chưa có quy chuẩn về chứng nhận hữu cơ mà chỉ có tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn. Ông Dư cho biết, đến nay mới có 1 sản phẩm đạt chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ, còn các sản phẩm khác “chỉ ở mức độ sản xuất theo hướng hữu cơ”. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Phạm Văn Dư cũng nhìn nhận, ngành Nông nghiệp rất khó xử lý vì Bộ NN&PTNT chưa có bộ tiêu chuẩn “hữu cơ”