"Loạn" rác thải y tế ở Quảng Ninh
Trước đó, qua báo cáo kết quả kiểm tra của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh và Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh) cũng cho thấy, việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chưa được triệt để.
Hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế của tỉnh đều không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thực hiện đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại.
Nhiều đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở hành nghề y tư nhân, không có hệ thống xử lý chất thải rắn, không có hệ thống xử lý chất thải lỏng và cũng không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Để lập lại trật tự và đưa công tác quản lý và xử lý chất thải vào nền nếp theo đúng những quy định của Luật Môi trường và Quy chế quản lý chất thải y tế của Bộ Y tế; Sở Y tế Quảng Ninh đã tiến hành tổng kiểm tra việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong toàn ngành, xây dựng quy trình về quản lý chất thải, phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, nhân viên y tế trong đơn vị, đồng thời tiến hành kiểm tra giám sát định kỳ việc quản lý thu gom, phân loại chất thải y tế tại các khoa phòng. Tuy nhiên, trước mắt việc quản lý rác thải y tế ở đây vẫn còn nhiều việc khó.
Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 19 bệnh viện, 8 đơn vị y tế dự phòng, 14 trung tâm y tế huyện, chưa kể các phòng khám đa khoa khu vực, y tế tuyến xã và khoảng trên 400 cơ sở hành nghề y tư nhân rải rác tại các địa phương.
Trong số 19 bệnh viện của toàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại mới có 14 bệnh viện được trang bị lò đốt chất thải rắn loại lò đốt BELI ký hiệu TSH- 20G do Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Công ty Thái Sơn - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga cung cấp. Đây là loại lò đốt xử dụng gas, rất tốn kém, chất lượng không cao, thường hay bị hỏng "đầu đốt" và các loại phụ tùng khác.
Mỗi khi thiết bị bị trục trặc, việc sửa chữa, thay thế rất khó khăn do không có phụ tùng, kinh phí sửa chữa cũng thiếu. Ngành Y tế chưa có nguồn kinh phí riêng cho việc xử lý rác thải y tế, toàn bộ kinh phí phục vụ cho công việc này đều trông chờ vào khoản "chi thường xuyên" vốn đã rất eo hẹp...
Kiểm tra thực tế của ngành Y tế Quảng Ninh vừa qua cho thấy, hiện tại trong số các bệnh viện được trang bị hệ thống xử lý chất thải y tế của toàn tỉnh, đã có tới 8 đơn vị đang trong tình trạng "trục trặc kỹ thuật" về thiết bị, chờ sửa chữa.
Một khó khăn khác là việc vận chuyển rác thải y tế. Đây là loại rác thải độc hại, theo quy định phải được vận chuyển bằng thiết bị chuyên dụng; nhưng hiện tại toàn tỉnh vẫn chưa có một đơn vị chuyên ngành nào đảm nhận công việc này.
Vì vậy, không chỉ với các bệnh viện, trung tâm y tế mà với hàng trăm các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, việc hợp đồng thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý rác thải y tế vẫn chưa thể thực hiện được đúng theo qui định của luật pháp.
Có một thực tế là khi được xây dựng hệ thống xử lý chất thải, (đặc biệt là chất thải rắn), một số cơ sở, bệnh viện do thiếu kinh phí hoặc lãnh đạo chưa quan tâm nên hệ thống này lúc được vận hành, lúc không.
Gần đây, khi việc kiểm tra được chấn chỉnh và cũng là để giảm chi phí, chất thải được phân loại kỹ, với những loại độc hại được lưu trong tủ bảo ôn, 3 ngày đốt 1 lần để tránh phải vận hành máy thường xuyên gây lãng phí.
Như vậy, nên chăng Quảng Ninh cần có quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý rác thải độc hại, trong đó có các loại chất thải rắn của ngành Y tế và khu chôn lấp rác thải y tế theo khu vực, đồng thời thành lập đơn vị chuyên trách, đảm nhiệm công việc này.
Như vậy rác thải y tế được tập trung xử lý vào từng điểm thống nhất theo quy định vừa tránh lãng phí vừa có thể xử lý được rác thải y tế ở hầu hết các cơ sở có nhu cầu và đáp ứng được các quy định của Nhà nước về môi trường trong tình hình hiện nay