Lũ chồng lũ ở Hà Tĩnh: Khó khăn thêm chồng chất

15:03 05/11/2016

Hà Tĩnh những ngày này, nước chồng thêm nước. Những làng mạc, thôn xóm ngập trong màu đất đặc quánh. Một lớp phù sa mới phủ lên vùng đất khô cằn. Con người nơi đây lại gồng mình vượt lên thiên tai, lụt lũ.

Từ thành phố Hà Tĩnh, cứ đi thêm khoảng 50km thì sẽ về đến trung tâm huyện Hương Khê, nơi rốn lũ của tỉnh. Trên đường đi, những khoảng trống bạt ngàn hai bên đường vẫn ngập chìm trong nước. 

Ngày 5-11, nước đã bắt đầu rút, để lại màu bạc phếch của bùn đất trên những ngọn cỏ lá cây. Người dân ở nhiều ngôi nhà bắt đầu lau chùi, dọn dẹp nhà cửa. Không khí u ám vẫn bao trùm lên từng nóc nhà nghèo xác xơ.

Dòng nước phía chân đập thủy điện Hố Hô.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 5-11, Thượng tá Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng Công an huyện Hương Khê cho biết, sau đợt lũ lịch sử bắt đầu từ ngày 14-10, đến ngày 31-10, mưa bắt đầu nặng hạt trên địa bàn huyện Hương Khê. Mưa cứ thế liên tục không ngừng. Cộng thêm thủy điện Hố Hô xả lũ vào rạng sáng 1-11 khiến cho nhiều xã tại huyện Hương Khê bị ngập trong lũ.

Trước đó, ngay sau khi thủy điện Hố Hô xả lũ vào ngày 1-11, ông Lê Đình Sơn – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đến kiểm tra nhật ký quy trình xả lũ tại nhà máy thủy điện này. Kết quả cho thấy nhà máy tăng lưu lượng xả lũ từ 300m3/s lên 450m3/s vào 1 giờ cùng ngày. Lúc kiểm tra, nhà máy đang xả trên 1.000m3/s.

Phóng viên Báo CAND và cán bộ chiến sĩ Công an huyện Hương Khê tại địa bàn

Ông Sơn đã nghiêm túc phê bình lãnh đạo nhà máy không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc không được nâng mức xả tràn. Ông Sơn yêu cầu đơn vị quan tâm việc điều tiết xả lũ, gắn với cảnh báo ngập lụt vùng hạ du vì thủy điện này chưa có bản đồ ngập lụt, còi báo động; phải thông báo cho chính quyền, nhân dân địa phương biết.

Đến tối 1-11, toàn huyện Hương Khê có 1.200 hộ dân ở 14 xã bị ngập sâu trong nước từ 1 - 1,5m. Các xã vùng thượng, nằm gần đập thủy điện Hố Hô như Hương Đô, Hương Trạch, Lộc Yên nhanh chóng bị lũ nhấn chìm. Theo thống kê, đến trưa ngày 1-11, xã Hương Đô đã có khoảng 600 hộ dân bị ngập từ 1 - 1,5m. 12/14 xóm tại xã Lộc Yên bị cô lập hoàn toàn, người dân phải di dời từ đêm 31-10 đến những nơi an toàn.

CBCS Công an huyện Hương Khê giúp dân di chuyển đồ đạc

Ở sát với thủy điện Hố Hô, xã Hương Trạch là địa bàn đầu tiên bị hứng chịu trận lũ đợt 2. Chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Hương Trạch, chồng đã mất hơn 20 năm, đang sinh sống một mình kể lại, đêm hôm ấy lũ về quá bất ngờ, khiến chị vẫn cảm thấy bàng hoàng. 

Khoảng 1h đêm, khi chị phát hiện lũ về thì nước đã ngập đến lưng người. Chị không kịp vơ vén quần áo mà chỉ có thể chạy đến cõng bố chồng lội bì bõm chạy lũ lên vị trí đất cao. Nhờ vậy mà tính mạng của chị và người cha già được bảo toàn. 

So với lũ đợt 1, đợt lũ lần 2 tuy có giảm hơn về mức độ ngập, nhưng do 2 đợt lũ liền kề nhau, người dân đã phải gồng mình lên chống chọi với lũ đợt 1 nên cuộc sống sinh hoạt vô cùng gian nan, vất vả. 

Nhiều tuyến đường bị chia cắt do mưa lũ.

Những ngày này, do ảnh hưởng của không khí lạnh tràn về, khí hậu các xã miền núi của tỉnh Hà Tĩnh cũng tương đối lạnh, nhiệt độ ban đêm dưới 20 độ. Vì vậy, cái rét mướt của nước tồn đọng ngấm người, cộng thêm với không khí lạnh, càng khiến cho người dân vùng lũ khó khăn chồng chất khó khăn.

Tuy lũ đã rút được mấy ngày nay, nhưng hiện tại, gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở xã Hương Trạch cùng với nhiều bà con trong xã vẫn đang phải tiếp tục khắc phục hậu quả để ổn định đời sống. Trong căn nhà mái ngói của chị, bùn đất nhớp nháp vẫn còn lắng đọng. 4 bức tường vẫn in hằn màu của bùn đất đến khoảng một mét. Chị và các thành viên trong gia đình đang phải lấy xẻng xúc bùn chuyển ra ngoài vườn. 

Sau đó phải dùng nước kỳ cọ thật sạch và dùng xà phòng để tẩy khuẩn, xua tan mùi tanh hôi. “Lũ đợt 1 rút đi, gia đình tôi đã phải mất mấy ngày để dọn dẹp. Nào ngờ lũ đợt 2 lại bất ngờ ập tới nên giờ lại phải thu dọn tiếp. Nếu không vệ sinh sạch sẽ thì rất dễ gây bệnh, đau ốm cho cả gia đình” – chị Hải chia sẻ.

Người dân phải sử dụng thuyền đi lại.

Không giống như người dân ở đầu nguồn Hương Trạch, xã Phương Điền lại là địa phương ở cuối nguồn lũ. Vì vậy, trong đợt lũ lần 2, xã Hương Trạch chỉ bị ngập khoảng 1 ngày, sau đó nước rút xuống, chảy qua các địa bàn và đọng lại ở một trong những điểm cuối là xã Phương Điền. 

Tính đến ngày 5-11, sau 4 ngày bị ngập, xã Phương Điền vẫn bị cô lập với bên ngoài. Nước bắt đầu rút chậm, vì vậy ở nhiều điểm, ca nô không thể hoạt động, và đường bộ cũng không thể liên thông. Vì vậy, sự trợ giúp, tiếp tế từ bên ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 5-11, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền cho biết, so với lũ đợt 1, trận lũ đợt 2 này khiến cho thiệt hại trên địa bàn xã là không đáng kể vì chính quyền và nhân dân địa phương đã có kinh nghiệm và chủ động ứng phó. 

Công an xã thăm hỏi, động viên người dân.

Trong đợt lũ lần 1, xã Phương Điền có 72 hộ bị ngập, trong đó có gia đình 34 hộ bị ngập trên 1 mét và bị cô lập trong 8 ngày, thì trong đợt lũ lần 2 này, chỉ có 11 hộ bị ngập trên 1 mét, và tất cả các hộ dân này đều đã kịp di tản người và tài sản trước khi lũ về.

Dạo quanh một vòng xã Phương Điền, vẫn thấy mênh mông nước. Những con trâu, bò được di chuyển lên các lán trại trên cao, nay chỉ có thể gặm rơm khô thay vì ăn cỏ. Đồng bào ở các nóc nhà, nay chỉ có thể ăn đậu tương chan nước thay vì ăn rau. Nước đã cuốn phăng đi tất cả rau màu. Những cây trái mang lại hiệu quả kinh tế như thương hiệu bưởi Phúc Trạch nay cũng chìm trong nước. Và, theo dòng nước cũng là vô số tài sản gắn bó lâu ngày với nhân dân.

Nhiều trường học ở Hương Khê đã phải đóng cửa từ nhiều ngày nay.
Một tuyến đường bị chia cắt do lũ

Theo thống kê chính thức, trong đợt lũ lịch sử lần 1 năm 2016, trên toàn địa bàn tỉnh Hà Tĩnh , tổng thiệt hại ước tính trên 1.000 tỉ đồng. Nhờ tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của đồng bào cả nước, số tiền quyên góp, tiếp tế thông qua con đường chính thống và tự phát của các cơ quan, đơn vị, cá nhân đạt khoảng hơn 100 tỉ đồng. 

Lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no khiến cho đồng bào vũng lũ được ấm lòng, thêm động lực để khắc phục khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống thường ngày.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thống kê về thiệt hại trong đợt lũ lần 2 do nước vẫn chưa rút hết. Nhiều gia đình phải đi tránh lũ, sống tạm vẫn chưa thể quay lại mái nhà của mình. Học sinh ở nhiều xã, trong đó có xã Phương Điền phải nghỉ học gần 4 tuần nay vẫn chưa thể đến trường. Đó cũng là từng ấy thời gian các em phải chậm chương trình học so với học sinh cả nước. Và cuộc sống cũng chưa thể khôi phục trong ngày một ngày hai.

Cảnh Vũ - Trần Xuân

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文