Lừa tuyển dụng nhân viên bán vé xe buýt

09:40 08/04/2007

Ngọc (làm việc tại điểm dán tem vé tháng - Bến xe Gia Lâm) đã ra giá cho mỗi suất vào làm việc tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phải nộp 20 triệu đồng với thời gian hoàn thành mọi việc cực nhanh, trong vòng trên dưới 20 ngày.

Sự việc đã trở nên không đơn giản khi nhiều người lao động gửi đơn tới Báo CAND phản ánh về việc họ bị chính những nhân viên của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco Hà Nội) lợi dụng danh nghĩa để lừa họ.

Quá trình điều tra của chúng tôi còn phát giác thêm một vụ việc mà CATP Hà Nội đã tiến hành điều tra và một nhân viên của Transerco Hà Nội bị bắt vì đã nhận 17 hồ sơ của người lao động thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng…

20 triệu đồng cho một chân bán vé xe buýt?

Trong lá đơn gửi đến Báo CAND, anh Đặng Văn Tới (Mỹ Đức - Hà Tây) cho biết: Khoảng tháng 9/2005, anh Tới có quen với chị Nguyễn Thị Thu Ngọc (làm việc tại điểm dán tem vé tháng - Bến xe Gia Lâm) và được chị Ngọc cho biết chị đã xin được cho rất nhiều người vào làm nhân viên bán vé xe buýt tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (số 5 Lê Thánh Tông - Hoàn Kiếm - Hà Nội).

Theo lời tố cáo của anh Tới thì chị Ngọc đã ra giá cho mỗi suất vào làm việc tại đây phải nộp 20 triệu đồng với thời gian hoàn thành mọi việc cực nhanh, trong vòng trên dưới 20 ngày.

Sau khi nghe chị Ngọc nói vậy, anh Tới đã đứng ra nhận hồ sơ xin việc của anh Nguyễn Đình Tứ quê quán tại Đức Lâm - Đức Thọ - Hà Tĩnh, đồng thời giao hồ sơ cùng số tiền đặt cọc 8 triệu đồng cho chị Ngọc. Sau một thời gian mòn mỏi chờ đợi vẫn không thấy được việc, anh Tới đã tìm đến chị Ngọc đòi trả lại tiền thì chỉ được trả lại 6 triệu đồng.

Phần anh Tới do xin việc cho anh Tứ không thực hiện được nên đã bị gia đình anh Tứ "tạm giữ" một chiếc xe máy hiệu Yamaha "để làm tin". Vào khoảng đầu năm 2006, anh Tới tiếp tục đến gặp chị Ngọc thì được chị ta cho biết: đợt này sẽ cho làm luôn, nhưng phải đặt cọc chứ chỉ 2 triệu thì không đủ.

Tháng 2/2006, anh Tới tiếp tục đưa cho chị Ngọc thêm 8 triệu đồng để lo việc. Đổi lại sau đó anh Tới có nhận được một bản "danh sách phỏng vấn nhân viên bán vé xe buýt quý I năm 2006". Trong bản danh sách gồm 50 người được phỏng vấn này có tên Nguyễn Đình Tứ, địa chỉ Bắc Biên, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Tuy nhiên cũng giống như đợt trước, sau khi đưa tiền và chờ đợi mãi anh Tới vẫn không nhận được hồi âm.

Theo lời anh Tới thì mặc dù đã nhiều lần đi lại đòi chị Ngọc phải trả lại số tiền trên nhưng chị Ngọc luôn tìm cách lẩn tránh hoặc chỉ trả nhỏ giọt mỗi lần vài trăm ngàn. Để làm sáng tỏ vụ việc, sáng 6/4 chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội về các vấn đề có liên quan.

Về quy trình tuyển dụng nhân viên, ông Nguyễn Tiến Long - Trưởng phòng Nhân sự cho biết: Các thông tin liên quan đến việc tuyển dụng đơn vị đã có thông báo tại trụ sở và có đăng báo. Theo đó yêu cầu đối với nhân viên bán vé xe buýt là Nam, có tuổi 20-35, có sức khoẻ tốt, không nhiễm tệ nạn xã hội, tốt nghiệp THPT và có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Ông Long cũng cho biết những người có nhu cầu phải tự đến nộp hồ sơ, không nhận hồ sơ qua đơn vị hoặc cá nhân trung gian. Địa chỉ là Phòng Nhân sự Tổng công ty, số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Theo ông Long thì đơn vị này cũng đưa ra những quy định rất cụ thể về quy trình tuyển dụng.

Liên quan đến lá đơn tố cáo nhân viên Nguyễn Thị Thu Ngọc đã có hành vi nhận hồ sơ, nhận tiền và hứa hẹn sẽ xin việc nhưng không thực hiện được như thông tin Báo CAND chuyển đến, đại diện đơn vị này cho biết: ngay trong chiều 6-4 sẽ tạm thời cho nhân viên này ngừng công việc và yêu cầu có mặt tại Tổng Công ty để giải trình làm rõ sự việc.

17 hồ sơ thu hơn 200 triệu đồng

Cũng trong buổi làm việc sáng 6/4, trong tâm trạng vẫn còn bất ngờ, ông Long xác nhận với phóng viên về vụ việc đáng buồn của Tổng Công ty. Đó là trường hợp của bà Trương Thị Quốc Ái, cũng là nhân viên bán vé có thời gian làm việc khá dài. Bản thân bà Ái cũng có nhiều người thân là cán bộ của Tổng Công ty.

Khi Tổng Công ty nhận được đơn thư của người lao động đã mời bà Ái lên làm việc và viết bản tường trình. Tuy nhiên, bà Ái một mực chỉ nhận đã thu hồ sơ của 3 người với số tiền vài triệu đồng.

Sự việc được làm sáng tỏ với sự vào cuộc của CATP Hà Nội, kết quả điều tra cho thấy có 17 người là nạn nhân của bà Ái. Số tiền bà Ái thu lợi bất chính từ việc nhận hồ sơ xin việc của những người này lên tới hơn 200 triệu đồng.

Cho đến khi cơ quan điều tra được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát tiến hành bắt giữ thì bà Ái mới bật khóc. Hành vi của bà Ái được xác định là hứa với nhiều người về khả năng xin việc làm nhân viên bán vé cho họ. Những người có nhu cầu nhìn thấy bà Ái là nhân viên của Tổng Công ty nên đã tin tưởng và nhờ giúp đỡ.

Tuy nhiên, nhiều người đã không đạt được nguyện vọng vì thực chất bà Ái không thể can thiệp hay có bất kỳ ảnh hưởng gì vào quá trình tuyển nhân sự của Transerco Hà Nội. Tùy từng người mà bà Ái thu tiền với các mức khác nhau, dao động từ vài triệu đồng đến 20 triệu đồng mỗi trường hợp.

Rõ ràng trong việc này người lao động đã thiếu thông tin, thiếu hiểu biết cụ thể, lại nhẹ dạ cả tin vào những lời đường mật. Tuy nhiên bên cạnh đó, đơn vị chủ quản cũng phải phần nào chịu trách nhiệm vì đã thiếu sự quản lý, giáo dục nhân viên, dẫn tới tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhân viên đơn vị tuyển dụng để trục lợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này khi có kết quả xác minh từ Tổng Công ty Vận tải Hà Nội

Nhóm PV điều tra

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文