Mìn phá đá... phá nhà dân

08:23 14/06/2007
Trong một lần đơn vị thi công công trình Thuỷ điện Bảo Lộc (Lâm Đồng) nổ mìn, ông Trịnh Trung Thiện (ngoài 70 tuổi) đang ngồi nấu cơm còn bị một hòn đá nặng khoảng 15kg bay rơi vào giữa nồi cơm, đè gãy cái kiềng, làm cơm văng tung tóe...

Cứ vào khoảng 12h trưa và 5 - 6h chiều là nhân dân trong thôn 7, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng lại giật nảy mình vì tiếng còi hụ inh ỏi... Tiếp đó là tiếng chân tháo chạy uỳnh uỵch và những loạt mìn nổ đinh tai nhức óc, mặt đất rung chuyển đất, đá bay như mưa trên đầu người dân…

Nông dân khốn đốn vì dự án

Trong hai năm 2006 - 2007, để tạo kênh dẫn nước phục vụ cho công trình Thuỷ điện Bảo Lộc (do Công ty TNHH BOT thủy điện Bảo Lộc làm chủ đầu tư và giao cho 3 đơn vị thi công gồm Công ty 1 - NNHH xây dựng & TM Thành Nhân; Chi nhánh Công ty cổ phần Xây dựng 48 và Công ty 454 - PV), các đơn vị thi công đã thi nhau nổ mìn phá đá, khiến đá bắn tung tóe lên mái nhà, vườn cây đặc biệt là những cơn dư chấn quá mạnh đã khiến nhiều bức tường nhà dân nứt thành vệt dài có thể đổ sụp bất cứ lúc nào, hết sức nguy hiểm...

Tìm đến nhà bà Phạm Thị Mười (thôn 7, xã Lộc Nam), một trong những hộ phải chịu trận nổ mìn nặng nề nhất tại đây. Dẫn chúng tôi băng qua con kênh có dốc dựng đứng sâu gần 30m đang thi công nham nhở vào căn nhà nằm chỉ cách nơi đánh mìn chưa đầy 50m, bà Mười chỉ lên mái tôn thủng lỗ chỗ, lỗ lớn nhất gần 1m.

Bà nói: "Đây là lần thứ 3 mái tôn nhà tôi bị rách chú ạ. Cứ mỗi lần đánh mìn là đá lại văng rào rào vào nhà làm thủng tôn và đơn vị thi công (Công ty Thành Nhân thi công đoạn kênh này) lại đến mua tôn mới ráp vào và sau đó lại thủng.

Chúng tôi thắc mắc, nhà tôi nằm ngay công trình sao không được di dời đến nơi an toàn thì chủ đầu tư bảo - tỉnh Lâm Đồng không buộc phải di dời và nói cứ thủng đến đâu thì bồi thường đến đó, thủng tôn thì bồi thường tôn. Chúng tôi hỏi, lỡ may đá văng vào đầu tôi thì lấy gì mà đền thì họ không nói gì và bỏ đi...".

Anh Nguyễn Thế Dũng chỉ lên vết nứt trên tường.

So với bà Mười thì trường hợp anh Nguyễn Thế Dũng (xóm 3, thôn 7) còn bi đát hơn. "Căn nhà khang trang trị giá trên 100 triệu đồng được xây từ tiền tích cóp của cả gia đình bao năm qua, thế nhưng sau những trận nổ mìn, nhà tôi xuất hiện gần 50 vết nứt" - anh Dũng nghẹn ngào.

Nguy hiểm hơn, trong một lần nổ mìn ông Trịnh Trung Thiện (ngoài 70 tuổi) đang ngồi nấu cơm còn bị một hòn đá nặng khoảng 15kg bay rơi vào giữa nồi cơm, đè gãy cái kiềng, làm cơm văng tung tóe.

Cũng may hòn đá không rơi trúng đầu, nếu không thì ông Thiện khó mà sống sót" - anh Dũng tiếp tục câu chuyện. Không chỉ có hai trường hợp của bà Mười và anh Dũng mà tất cả những hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ của con sông La Ngà, quanh khu vực nổ mìn đều chịu chung số phận.

Nguồn nước cạn kiệt và ô nhiễm - nông dân than trời

Không chỉ là thủng tôn, nứt nhà mà nguồn nước dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu tại thôn 7 nơi mà đời sống của nhân dân trong thôn đặt cược hết vào năng suất từ những gốc cà phê cũng ngày càng cạn kiệt.

Chúng tôi đã được đến thăm nhiều nhà dân, đã được tận mục sở thị nhiều giếng nước, dù đào sâu hàng chục mét, tốn nhiều triệu đồng nhưng nay phải bỏ không, cạn khô không một giọt nước, theo nhiều người bảo rằng, nước trong mạch đã thấm hết xuống đáy kênh dẫn nước (thuộc công trình Thủy điện Bảo Lộc) rồi.

Anh Trần Xuân Mai (ngụ thôn 7, Lộc Nam) cho biết, nhà anh đào giếng sâu 16m tốn rất nhiều tiền để tưới cà phê, nhưng từ khi người ta đánh mìn thì nước giếng đã cạn khô. Hơn một nghìn gốc cà phê vì thiếu nước trở nên khô héo.

Trở lại khu vực đánh mìn cách giếng nước nhà anh Mai khoảng 40m, nơi đây chúng tôi thấy nhiều vũng nước sâu hoắm. Tính từ đáy các hố nước này tới mặt đất trồng cà phê nhà anh Mai không dưới 30m. Do không có nước sinh hoạt, hằng ngày anh Mai phải còng lưng xuống gánh từng xô nước từ hố sâu lên nhà để dùng.

Nông dân đang vớt vỏ thuốc trừ sâu.

Tương tự, nhiều hộ ở khu vực thôn 7 như nhà bà Đỗ Thị Bé, ông Nguyễn Thế Dũng… đều lâm cảnh khát nước sạch. Anh Trần Xuân Mai cho biết, tôi không biết nước mới đánh mìn có độc hay không, nhưng vì thiếu nước nên đành phải liều mà dùng.

Cạnh chỗ anh Mai múc nước, chúng tôi thấy nhiều vỏ thuốc trừ sâu nổi lềnh bềnh và khi tới gần chúng tôi còn nhận thấy nước có mùi nồng nồng, chát chát bốc lên và dùng thử thì thấy có hiện tượng ngứa ở tay...

Đem vấn đề này trao đổi với ông Lê Văn Vinh - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH BOT thủy điện Bảo Lộc thì ông Vinh khẳng định: "Nước mới nổ mìn thì người dân không nên dùng vì nước còn chứa nhiều độc tố. Chúng tôi cũng đã thông báo cho người dân không được dùng nước này rồi".

Trước những bức xúc về nguồn nước sinh hoạt của dân, chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Lộc Nam về vấn đề này: "Việc các công ty thi công công trình Thủy điện Bảo Lộc nổ mìn làm rạn nứt nhà cửa, hư hại hoa màu của dân là đúng. Hiện tại, một số nhà của dân bị rạn nứt rất lớn, không đảm bảo an toàn, có thể đổ sập bất cứ lúc nào…".

Sở NN&PTNT kiến nghị Công ty TNHH BOT thủy điện Bảo Lộc là chủ đầu tư công trình hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các hộ dân, ai có giếng đào nằm trong khu vực cách mép bờ kênh dẫn thủy điện 100m: Mức hỗ trợ đối với nước tưới là 500.000 đ/ha, nước sinh hoạt là 1 triệu đồng/giếng đào và phải giải quyết ngay trong tháng 5-2007.

Thế nhưng cho đến nay đã hết thời hạn, nhiều người dân vẫn khiếu nại họ chưa nhận được một đồng tiền hỗ trợ nào như Sở NN&PTNT tỉnh đề xuất và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.

Hiện tại, cuộc sống của những hộ dân thuộc thôn 7, Lộc Nam đang lao đao, điêu đứng, mạng sống của họ đang ngàn cân treo sợi tóc

Nguyên Ngọc

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文