Một bác sĩ hơn 10 năm gắn bó với xã biên giới

14:38 25/01/2015
Sau một chuyến đi khám bệnh tình nguyện, bác sĩ Nguyễn Văn Chiến (47 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Trị) đã quyết định ở lại vùng đất biên giới Việt – Lào, xã A Roàng, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế để chữa bệnh, cứu người.

Hơn 10 năm qua, ngoài việc khám, chữa bệnh, anh còn giúp đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu nơi đây xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… phát triển cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đó là bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 92, đóng tại xã biên giới A Roàng. Nhìn ra khu vườn rộng trồng đủ loại cây thuốc quý, bác sĩ Chiến tâm sự rằng, năm 2003, trong một chuyến lên miền núi A Lưới để thăm khám bệnh, phát thuốc cho bà con dân tộc thiểu số cùng các y, bác sĩ trong bệnh viện, do thấy Bệnh xá Quân dân y chưa có nhiều y, bác sĩ nên anh làm đơn tình nguyện được ở lại bệnh xá để khám, chữa bệnh cho người dân và được cấp trên đồng ý.

“Ngày đầu lên với bà con dân bản A Roàng, mình bỡ ngỡ nhiều thứ lắm. Tuy nhiên, dần dần mình đã học được 3 thứ tiếng của đồng bào Pa Kô, Tà Ôi và Cơ Tu nên việc giao tiếp với bà con cũng dễ dàng. Bệnh xá phụ trách việc khám, chữa bệnh cho người dân cả 5 xã gồm: A Đớt, A Roàng, Hương Lâm, Đông Sơn và Hương Phong. Sau nhiều năm gắn bó với vùng đất này, giờ đây bà con xem mình như con cháu ruột thịt trong nhà”, bác sĩ Chiến cười nói. Đang trò chuyện cùng chúng tôi, một y tá từ bên ngoài chạy vào gọi bác sĩ Chiến ra trực khám một ca bệnh. Bệnh nhân là anh Hồ Văn Tiến (24 tuổi, người dân tộc Pa Cô, trú bản Ka Lô, xã A Roàng) không may bị TNGT khi đổ dốc A5, là con dốc cuối cùng trên tuyến đường dẫn vào A Roàng.

Sau khi băng bó vết thương ở cánh tay và đầu gối cho nạn nhân, bác sĩ Chiến cho biết: “Mấy năm trở lại đây, khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành thì con dốc A5 đã trở thành “điểm đen” về TNGT, do có độ dốc cao, đường cua ngặt. Đặc biệt các vụ TNGT thường xảy ra vào ban đêm, nhất là đối với thanh niên hoặc người đi làm rừng trở về nhà. Vì bệnh viện huyện cách xa đến 30km nên phần lớn nạn nhân các vụ TNGT được chuyển đến bệnh xá chăm sóc…”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới A Roàng.

Kể tiếp câu chuyện đang còn dang dở, bác sĩ Chiến cho hay: Thời điểm anh về công tác ở Bệnh xá Quân dân y, bà con ở đây đều chưa quen đi bệnh xá để khám, chữa bệnh. Nếu trong nhà có người bệnh hoặc đau ốm thì họ mời thầy cúng về lập đàn cúng để đuổi ma, trừ tà. Bởi vì, bà con quan niệm rằng, bệnh tật là do ma quỷ mang đến. Trước tình hình đó, anh cùng các y, bác sĩ của bệnh xá phối hợp với Công an xã A Roàng và lực lượng Biên phòng đi đến nhà mỗi hộ dân, kể cả các hộ dân sống dọc tuyến biên giới Việt - Lào để vận động bà con dần từ bỏ hủ tục này...

Ông Trần Viết Năng, Bí thư Đảng ủy xã A Roàng, bày tỏ: Xã A Roàng hiện có trên 600 hộ dân, với trên 2.500 khẩu, dù điều kiện sản xuất kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi trắc trở, nhưng ý thức về khám, chữa bệnh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín... đã được bà con dân bản nâng cao.

Từ khi thành lập đến nay, Bệnh xá Quân dân y trên địa bàn xã đã khám và cứu sống hàng trăm trường hợp bệnh nhân bị ruột thừa, rắn độc cắn hay ăn lá ngón, uống thuốc độc tự tử... Đặc biệt, hiện người dân không còn nghĩ đến chuyện mời thầy lang, thầy cúng về nhà chữa bệnh như trước nữa. Có được kết quả này đều nhờ vào sự nỗ lực tuyên truyền vận động của bác sĩ Chiến và các y, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y và lực lượng chức năng trong nhiều năm qua...

Anh Khoa

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

Ngày 1/5, Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Võ Chí Cường (SN 1995, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) để làm rõ về hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cường bị bắt khi đang lẩn trốn ngoài cánh đồng tại ấp Thới Trung, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Từ trưa 1/5, sau 5 ngày nghỉ lễ, người dân từ khắp các tỉnh thành đã quay trở lại Hà Nội. Theo đó, trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng về trung tâm Hà Nội, lượng phương tiện cũng gia tăng nhanh chóng dẫn đến tình trạng ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm dần.

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文