Mua bán hàng trực tuyến: Cẩn thận kẻo bị lừa

10:34 29/12/2006
Một số người cố tình dựng lên một website bán hàng trực tuyến rồi cung cấp hàng rởm. Khi khách hàng phát hiện và tìm địa chỉ khiếu nại hoặc bắt đền thì mới nhận ra rằng, giữa địa chỉ trên mạng và thực tế lại hoàn toàn không trùng hợp.

"Trời mưa đi mua hàng không bị ướt", "Làm thế nào để không tốn xăng"... Đó là những lời mời hấp dẫn tại một số địa chỉ bán hàng trực tuyến. Quả thật, việc mua bán hàng chỉ bằng cách nhấp chuột trên máy tính đã mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng. Người bán có khá nhiều, nhu cầu của người mua cũng đang phát triển mạnh theo xu hướng này.

Chợ “ảo” có đáng tin cậy?

Dạo một vòng trên Internet sẽ thấy rất nhiều địa chỉ mua bán hàng, từ siêu thị lớn đến cửa hàng nhỏ như các website: "vdcsieuthi.vnn.vn", "vietnamshops.com.vn", "golmart.com.vn", "viestcom.vn", “vnshop.com”… Sản phẩm thì vô cùng đa dạng, từ đồ trị giá hàng trăm triệu đồng đến những thứ nhỏ nhất giá vài nghìn đồng.

Có website thông tin chi tiết về mặt hàng, có website còn cẩn thận "gài" cả những video clip để khách hàng được tận mắt nhìn thấy và hiểu kỹ về sản phẩm. Càng về cuối năm, số lượng mặt hàng cùng những lời khuyến mãi hấp dẫn tăng lên khá nhiều. Mức phong phú của mặt hàng gần Tết tăng dần và mang tính đặc trưng hơn như: Quất, đào Tết cũng được đưa lên mạng tiếp thị để bán và vận chuyển miễn phí.

Việc mua bán trên mạng ngày càng thu hút đông đảo khách hàng bởi việc chọn mua, đặt hàng khá đơn giản, lại không mất thời gian đi lại. Chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng, ngồi nhà hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa ở cơ quan là có thể truy cập website mua bán trên mạng. Các sản phẩm được rao bán sẽ được trưng bày ngay trên trang chủ để khách lựa chọn.

Có lẽ, do không đòi hỏi phải đầu tư cao nên việc mở ra một mô hình kinh doanh qua mạng khá dễ. Tóm lại, khách hàng có thể đặt mua bất cứ mặt hàng gì qua mạng không chút khó khăn từ thực phẩm, hoa quả, đồ điện tử, áo quần thời trang, đồ gia dụng, dụng cụ y tế, điện thoại di động… Tuy nhiên, việc thanh toán tiền và giao nhận hàng đôi khi lại hoàn toàn ngược lại.

Trục trặc trong khâu thanh toán

Trong dịch vụ mua bán hàng qua mạng, khâu quan trọng nhất và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp chính là giao nhận hàng và thanh toán tiền. Nhưng việc thanh toán qua mạng hiện nay đang rất trắc trở do doanh nghiệp không có tài khoản bán hàng (Merchant Account). Thường thì thông tin của khách hàng được chuyển đến bên thứ 3 là nhà cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán qua mạng mà người bán đã đăng ký dịch vụ.

Theo một số doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực này, phương thức thanh toán dùng dịch vụ bên thứ 3 vẫn chưa được thuận lợi. Khách hàng muốn thanh toán phải chuyển khoản hoặc chuyển tiền qua bưu điện. Phương thức thanh toán đặc trưng nhất của thương mại điện tử là thanh toán thông qua mã số thẻ ngân hàng thì chưa được áp dụng tại Việt Nam.

Bán hàng qua mạng hiện nay chủ yếu vẫn theo kiểu nửa vời: Rao giá, ghi số điện thoại để khách hàng gọi điện rồi doanh nghiệp đưa hàng đến tay người tiêu dùng và thanh toán tại chỗ.

Nhiều bạn đọc đã điện thoại đến đường dây nóng Báo CAND phản ánh về những việc xung quanh vấn đề thanh toán tiền và giao nhận hàng qua mạng. Có người phản ánh là việc giao nhận hàng chỉ thuận lợi cho người mua hàng thuộc các quận nội thành của các thành phố lớn, còn lại phí giao nhận hàng có khi đắt bằng hoặc hơn giá trị hàng.

Có khách hàng ở Từ Liêm (Hà Nội) sau khi đặt mua hàng, họ đã chuyển tiền nhưng hàng lại không đến đúng như ngày giờ đã thông báo. Họ thắc mắc thì mất gần một tuần sau đó mới nhận được thông báo là hàng đặt mua đã hết và phải chờ để chuyển thêm hàng từ TP Hồ Chí Minh ra…

Có khá nhiều khách hàng mất thời gian sau hàng loạt thao tác: Dạo chợ mạng, tìm kiếm hàng, đặt hàng theo hướng dẫn rồi nhận thông báo đã nhận được đơn đặt hàng, sẽ thông báo chi phí tới khách hàng. Mãi hai tháng sau, khách hàng vẫn chưa nhận được hồi âm. Khi gọi điện cho chúng tôi, chị tỏ ra bức xúc: "Chẳng lẽ chợ "ảo", hàng cũng thành "ảo" thật sao?"…

Cần một hành lang pháp lý

Những lý do kể trên chỉ là một phần nhỏ khiến người mua dè dặt và chưa thật sự tin tưởng vào chợ “ảo”. Bên cạnh đó, nếu việc giao nhận hàng bị đổ bể thì người tiêu dùng lại càng không biết kêu ai. Điều đó cho thấy, các đơn vị bán hàng chưa mấy mặn mà với việc bán hàng qua mạng nên nhiều website chưa được đầu tư kỹ càng.

Một số website mới chỉ dừng lại ở việc quảng bá cho các kênh bán hàng, công cụ tìm kiếm không hiệu quả, giao diện không đẹp mắt, không gây hứng thú cho khách hàng… Việc thanh toán chưa có sự liên kết giữa ngân hàng và đơn vị bán hàng cũng làm mất đi tính năng của mua bán hàng qua mạng. Đó là còn chưa kể việc những kẻ xấu lợi dụng nhu cầu mua sắm trên mạng để lừa đảo.

Thực tế đã có một số trường hợp kẻ xấu dựng lên một website bán hàng trực tuyến rồi cung cấp hàng rởm. Khi khách hàng phát hiện và tìm địa chỉ khiếu nại hoặc bắt đền thì mới nhận ra rằng, giữa địa chỉ trên mạng và thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng thực tế chưa được coi trọng. Đơn giản bởi chúng ta chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho lĩnh vực này. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử, Bộ Thương mại cho biết, về nội dung, thương mại điện tử đang hoạt động theo Luật Thương mại và Luật Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, còn vấn đề kỹ thuật là làm thế nào để xác định được chữ ký điện tử thì hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tìm giải pháp.

Để an toàn cho hoạt động mua bán trên mạng, ông Hưng cũng cảnh báo: Việc tìm đối tác trên mạng chỉ là thông tin ban đầu chứ không phải là duy nhất. Vì vậy, người sử dụng hoạt động này cần kiểm chứng cẩn thận, tránh gặp phải đối tác "ảo" mà mất tiền.

Về các "đối tác ảo", hiện Vụ Thương mại điện tử vẫn đang phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an phát hiện và xử lý

Việt Hà - Hồng Hạnh

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Hơn 1 tháng sau khi giải vô địch các câu lạc bộ Pencak Silat Quốc gia 2024 khép lại, tranh cãi một lần nữa nổi lên. Lần này, câu chuyện xoay quanh một VĐV bị đơn vị chủ quản cũ cấm thi đấu, nhưng vẫn đầu quân cho một địa phương khác và lên ngôi vô địch.

Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), trong những ngày gần đây, các học giả, các hãng truyền thông quốc tế đã đăng tải nhiều bài viết ca ngợi cuộc đời nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Tại buổi tọa đàm về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tổ chức 17/5, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an đã trả lời về nồng độ cồn do uống nước hoa quả, sirô trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. 

Tối 18/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Khoa Minh về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文