Mua động vật hoang dã dễ như... mua gạo(!)

08:59 25/08/2008
Vào những lúc ngành chức năng ra quân làm "gắt" thì những người buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) tại các tỉnh ĐBSCL nín thở, cất "hàng" vào dưỡng và chỉ lén lút cung cấp cho hàng quán đặc sản từng là mối man chí cốt. Thế nhưng qua đợt kiểm tra rồi, "hàng độc" được mang ra bày bán công khai giống như người ta bán... gạo.

>> Động vật hoang dã "xuống" phố

"Hàng độc" ăn tại chỗ, mua đem về: Muốn là có

Sáng 21/8, nhóm PV Báo CAND lên xe thả rề đến ngã ba đường 3-2 với QL91B, địa bàn thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Thật không như chúng tôi biết được trước đó, có đến 2 điểm bán rắn rùa chứ không chỉ có một. Chúng tôi tấp vào điểm thứ nhất, nhưng bà chủ đang kẹt cân mấy con rùa và tính tiền cho khách, nên chạy đến điểm bán cách đó chỉ chừng 30m.

Vừa thấy chúng tôi dừng xe vào, bà chủ đứng dậy và chào "hàng". Đó là những chú rùa bụng vàng ươm. Chỉ vào con rùa đang cọ quậy dữ nhất do bị lật ngửa, bà ta cho biết mức giá hết sức hấp dẫn: "Loại này chỉ có 220.000 đồng/kg thôi. Mập lắm, chú cầm xem".

Đúng như bà nói, con rùa nặng không dưới 1kg. Bà bắt lên thêm 3 - 4 con khác cho chúng tôi xem rồi hỏi luôn: "Chú lấy mấy con?". Bạn đồng nghiệp tôi nói luôn: "Chắc khoảng 5kg nhưng chiều mới bắt để gửi cho người quen ở Sài Gòn”.

Tôi hỏi xin số điện thoại để nhờ giao tận nhà thì bà ta lắc đầu. Lúc này, ông chồng của bà cũng về tới, chen vào: "Chiều bắt thì chú em phải đưa cọc trước mới được. Còn nếu không, chiều quay lại coi chừng người ta mua hết".

Chưa xong chuyện mua bán mấy con rùa, ông chủ quay sang tiếp thị luôn rắn. Thấy tôi "thèm" con rắn ri voi nặng khoảng 3kg ú mềm, ông nói ngay: "Chú lấy đi, tui để giá 250.000 đồng/kg thôi. Mấy con nhỏ thì giá rẻ hơn. Hay là lấy rắn hổ hành".

Ông vừa nói vừa chỉ tay vào mấy con rắn có nước da đen tím bóng bóng ngăn cạnh bên, rồi chuyển sang ngăn chứa rắn nước đang quấn xoắn cục: "Cái loại này nướng hoặc xào với lá cách, mướp là ngon đáo để à nghen. Lấy đi, tui để 70.000 đồng/kg thôi!".

Qua câu chuyện ngắn ngủi, ông còn cho chúng tôi biết, mấy quán có bán rắn nổi tiếng ở trung tâm TP Cần Thơ này hay lấy "hàng" ở chỗ ông; tất nhiên khi về quán rồi thì quán "chém" khách với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba.  

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên địa bàn trung tâm TP Cần Thơ còn nhiều điểm bán rùa, rắn và những loại ĐVHD khác. Không phải chỉ trong hầu hết các chợ, tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, góc đường Mậu Thân - 30-4, trên đường Trần Phú (đối diện Trung tâm Thương mại Cái Khế), lề đường Công viên Lưu Hữu Phước, cũng có.

Rùa, rắn... được bày bán công khai ngay tại đầu quốc lộ 91B.  

Cách đây chưa lâu, tại một siêu thị ở quận trung tâm Ninh Kiều, có bán cả thịt heo rừng, heo núi. Cặp theo nhiều đoạn QL 80, 90, 61, 63, 1A... động vật hoang dã cũng được bày bán công khai. Riêng tại thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) nằm sát QL1A, từ cách nay hàng chục năm, đã hình thành hẳn một cái chợ ĐVHD nổi tiếng cả nước với hàng chục người bán, số lượng lớn. 

Vì cạnh tranh với nhau nên hầu hết các quán nhậu ở miền Tây đều cố gắng tạo ấn tượng với khách chỉ một vài món ăn được chế biến từ loại ĐVHD mà họ "sưu tầm" được một cách đều đặn.

Ở Cần Thơ, ngoài các quán mà chúng tôi đã kể trên, còn có một số quán, nhà hàng được khách biết đến nhờ món ăn độc chiêu khác được chế biến từ các loại ĐVHD mà người dân quen gọi chúng là loại "chim trời cá nước".

Chẳng hạn như quán V.S. (đường Cách Mạng Tháng Tám) từng có món bọ cạp nước, chiên giòn; nhà hàng X.K (đường 30-4) có món được chế biến từ cá sấu (tất nhiên là cá sấu nuôi), quán 23... (đường 30-4) nổi tiếng với các món thịt rừng như nai, cheo, nhím, heo rừng; quán T.C. trong một con hẻm đường Nguyễn Trãi thì nổi tiếng với món rắn nướng, rùa rang muối, ba ba cua đinh nấu chuối, nấu mẻ...

Tại Vĩnh Long, trên đường Phạm Thái Bường, quán T.T. nổi tiếng với các món được chế biến từ con kỳ đà. 

Cuộc chiến bảo vệ ĐVHD: Thực tế cam go

Nguyên nhân khiến cho động vật hoang dã được bày, bán phổ biến như thế là do vùng ĐBSCL có điều kiện tự nhiên cho nhiều loại động vật hoang dã sinh sống, trú ẩn. Những nơi được xem là "vựa" động vật hoang dã (nhất là các loại rắn, rùa, một số loại thú rừng) trù phú nhất có thể kể đến là vùng đồng bưng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp), rừng tràm U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), vùng Thất Sơn (An Giang), rừng, núi đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Đó là chưa kể có khá nhiều động vật hoang dã được chuyển từ vùng biên giới Tây Nam vào.

Thời gian qua, dù lực lượng chức năng các tỉnh miền Tây rất quyết tâm trong việc thực hiện các quy định trên lĩnh vực bảo vệ ĐVHD nhưng hoạt động của các đối tượng, thậm chí đường dây mua bán ĐVHDä chuyên nghiệp từ miền Tây đến TP HCM và các tỉnh phía Bắc ngày càng quyết liệt, phức tạp.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, vào lúc 19h15' ngày 11/8 vừa qua, tại khu vực ngã ba Cái Tắc, thuộc huyện Châu Thành A, lực lượng chức năng đã phát hiện chiếc xe ôtô Mercedes Benz 16 chỗ chở 37kg rắn các loại, 1,6kg ba ba, 1,3 thịt chim cu và 55 con chim cu còn sống.

Trước đó không lâu, qua phối hợp với Công an thị xã Ngã Bảy, Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang đã kiểm tra đột xuất cơ sở của ông Lương Văn Minh (ngụ khu dân cư xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy) phát hiện ông đang tàng trữ 10,5kg rùa, 4,5kg rắn các loại.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang cho biết, chỉ tính từ đầu đợt kiểm tra ĐVHD vào ngày 20/6 đến nay, ngành chức năng đã kiểm tra được 65 nhà hàng, quán nhậu, 20 điểm mua bán ĐVHD tươi sống; kiểm tra 2 vụ vận chuyển ĐVHD trái phép. Qua đó, lực lượng đã lập biên bản, tạm giữ 113kg rắn rùa, 188 con chim nước các loại, 1 con kỳ đà...

Trong thời gian chờ ý kiến UBND tỉnh để xử lý đối tượng vi phạm, số ĐVHD đã được thả trở lại khu bảo vệ nghiêm ngặt Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, khi lực lượng chức năng vào đợt kiểm tra thì tình hình buôn bán, vận chuyển ĐVHD trên địa bàn có lắng xuống nhưng khi giao lại cho địa phương quản lý thì tình trạng trở lại như cũ.

Thêm vào đó, tình trạng hộ nuôi ĐVHD nhưng không đăng ký theo quy định ngày càng tăng đáng ngại. Hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có đến 120 gia đình nuôi ĐVHD nhưng chỉ có 40 hộ đăng ký với Chi cục Kiểm lâm.

Cuộc chiến nhằm bảo vệ ĐVHD trong có nhiều loại quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam, đang gặp rất nhiều khó khăn

Binh Huyền

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文