Nắng nóng, hạn hán gây thiệt hại lớn tại Tây Nguyên

15:12 26/03/2013
Tình hình hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào thời kỳ căng thẳng nhất trong vòng hơn 20 năm trở lại đây. Hạn hán đã “hút” gần như cạn kiệt nước trên các hệ thống sông suối, ao hồ. Bộ NN&PTNT đã cử 3 đoàn công tác vào các vùng trọng điểm cùng dân chống hạn, bộ cũng phải tiến hành họp khẩn bàn các biện pháp cấp bách cứu lúa, cứu cây trồng chống chọi với hạn hán đang hoành hành khắp vùng Tây Nguyên.

Ngay sau khi đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi khảo sát thực tế và bàn cách chống hạn, đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi làm việc với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để có biện pháp, hỗ trợ cùng các địa phương chống hạn. Theo thống kê, tại 5 tỉnh Tây Nguyên hiện đã có trên 51.403ha cây trồng bị thiếu nước, trong đó có 14.624ha lúa, 34.396ha cà phê và 2.383ha cây trồng khác. Và đến thời điểm cuối tháng 3/2013, mực nước hầu hết tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và lớn trong vùng đều đã cạn hoặc gần đến mực nước chết không đủ tưới suốt vụ. Trong khi đó, tại các trạm bơm điện sử dụng nguồn nước trên sông phục vụ tưới gặp nhiều khó khăn do lượng nước sụt giảm, điện không ổn định gây khó khăn hơn cho công tác cứu hạn.

Theo Bộ NN&PTNT nhận định, với trên 51.000ha diện tích cây trồng đang bị hạn, nếu không có biện pháp cứu kịp thời sẽ mất trắng, ước tính thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Không những hạn hán đang khiến lúa chết khô, cà phê chết héo từng ngày, mà tại khu vực Tây Nguyên đang có khoảng trên 80.000 hộ gia đình, tương đương hơn 120.000 nhân khẩu đang rất khó khăn về nước sinh hoạt. Đặc biệt, một số người dân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai) và tại một số huyện của tỉnh Kon Tum, Đắk Nông phải chịu cảnh không còn nước ngọt sinh hoạt khiến cuộc sống của bà con nơi đây đang bị xáo trộn.

Người dân Tây Nguyên đang dùng mọi cách để kiếm nguồn nước trong cơn hạn hán.

Để chống hạn khẩn, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã đề nghị hỗ trợ kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để mua xăng dầu, nạo vét kênh mương, và đặc biệt là tăng tỷ lệ quỹ phòng chống thiên tai trong ngân sách kinh tế để các địa phương có thêm kinh phí chống hạn, xâm nhập mặn, triển khai việc mua giống để gieo trồng lại cho kịp thời vụ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Duyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, trong công tác hỗ trợ cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng để tạo sự công bằng, không quá chênh lệch giữa các tỉnh, thành. Còn kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt, theo ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk nên có cơ chế hỗ trợ thiết thực, nếu không, kinh phí bị hao hụt còn người dân không được hưởng, không mang lại hiệu quả.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, EVN xây dựng phương án, kế hoạch đặc biệt để điều tiết nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi, đủ điều kiện mới xả nước, tận dụng tối đa, tuyệt đối không để nước lãng phí trôi ra biển; các địa phương phải hết sức chủ động có các giải pháp phù hợp với điều kiện nguồn nước; cần tập trung điện cho sản xuất nông nghiệp, bơm nước để tiếp tục gieo cấy ở những diện tích có thể. Đối với những diện tích lúa đã chết, có thể cấy lúa hoặc chuyển sang cây hoa màu khác.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Tây Nguyên dự báo, trong thời gian cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2013, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhiệt độ tiếp tục có xu hướng tăng và một số ngày sẽ xảy ra nắng nóng khá gay gắt. Do nắng nóng tăng mạnh, độ ẩm không khí đạt thấp và lượng bốc hơi tăng trong khi các trận mưa còn thưa, lượng mưa không lớn, vùng có mưa hẹp, đồng thời các trận mưa xuất hiện sau thời gian dài nắng, khô còn làm cho mực nước ngầm tụt thấp nhanh hơn nên lượng nước mặt và nước ngầm sẽ tiếp tục quá trình cạn kiệt và khan hiếm hơn. Do đó mức độ hạn hán, thiếu nước sẽ còn tiếp tục gay gắt hơn trong những tháng tiếp theo.

Có thể nói, những nỗ lực chống hạn của chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những biện pháp, giải pháp lâu nay ở các địa phương Tây Nguyên chỉ là tình thế tạm thời. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa của Trung ương đối với Tây Nguyên trong cuộc chiến “sống chung với hạn” như ở đồng bằng sông Cửu Long người dân “sống chung với lũ” nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định cho vùng đất giàu tài nguyên, thiên nhiên và có vị trí chiến lược quan trọng như Tây Nguyên

Văn Thành

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文