Ngăn chặn tác hại của thuốc lá – nỗ lực đáng ghi nhận
Mặc dù biết rằng sử dụng thuốc lá gây hại cho sức khoẻ, thế nhưng, tại Việt Nam, số người sử dụng thuốc lá vẫn đang rất cao. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc lá, đặc biệt phần lớn người bắt đầu hút thuốc khi còn rất trẻ, có tới 56% người bắt đầu hút thuốc trước độ tuổi 20.
Tỷ lệ hút thuốc cao đã gây ra tác hại rất lớn về mặt sức khoẻ và kinh tế tại Việt Nam. Bởi vậy, Chương trình quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tác hại của thuốc lá - kẻ thù số 1 của sức khoẻ.
Tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học. Ảnh: Quỹ PCTHTL |
Những năm qua, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai từ Trung ương tới cơ sở, tại các bộ, ngành và tới tận người dân thông qua các tổ chức, đoàn thể xã hội. Điển hình, lực lượng Công an có nhiều đơn vị xây dựng mô hình đơn vị không khói thuốc, đặc biệt là tại các trường học như Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy…
Trong tháng 9 và tháng 10-2019, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Công an cũng triển khai các tổ công tác kiểm tra việc thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị…
Các tổ công tác đã xử phạt hành chính nhiều cơ sở là khách sạn, nhà hàng vi phạm các lỗi hút thuốc lá không đúng nơi quy định, không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá…
Trong ngành Giáo dục, công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú. Tại các trường học, các học sinh được trang bị kiến thức về tác hại của thuốc lá bằng những tiểu phẩm kịch do chính các em dàn dựng và làm diễn viên.
Việc tuyên truyền trong trường học dưới dạng cuộc thi hỏi đáp hay diễn kịch… đều mang lại hiệu quả cao, giúp các em học sinh sớm nhận thức được ý thức trách nhiệm đối với sức khoẻ của chính mình, gia đình và những người xung quanh, hy vọng sẽ tạo nên một thế hệ biết nói không với thuốc lá.
Ở các cơ sở y tế, người ta đã nhận ra rằng, hiện tượng hút thuốc lá đã giảm rất nhiều. Người nhà bệnh nhân vào bệnh viện không còn sử dụng thuốc lá tuỳ tiện như trước. Biển, biểu tượng “cấm hút thuốc lá” hiển hiện ở nhiều khu vực trong bệnh viện.
Chỉ cần ai đó châm một điếu thuốc, lập tức sẽ bị bảo vệ nhắc nhở ngay tức khắc. Tại nhiều đơn vị, bộ ngành khác, nhiều nơi bố trí khu vực riêng cho người hút thuốc lá.
Còn tại những vùng nông thôn, người dân được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá thông qua các cơ quan, đoàn thể, từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ và cả người cao tuổi. Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.
Từ năm 2014, Quỹ phòng chống tác tại của thuốc lá đã hỗ trợ cho 63 tỉnh, thành phố và 26 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội để triển khai hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng chống tác hại của thuốc lá với nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thu được những kết quả tích cực. Nhờ tuyên truyền tốt mà ở các địa phương, bộ, ngành đã xây dựng được nhiều mô hình không khói thuốc lá.