Nghị lực phi thường của chàng trai không tay, không chân

12:10 26/12/2013
Chuyện của chàng trai người Jrai có tên Nay Djruêng như cổ tích. Gần 20 năm trước, dân bản Ji A (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã bàn tán xôn xao, khi Nay Djruêng chào đời lại không có tay, chân. Ngày đó, Nay Djruêng bị chôn sống theo luật tục, nhưng người cha đã cứu sống cậu. Và, Nay Djruêng đã không chỉ sống mà còn đến trường bằng hai đầu gối của mình. Hiện giờ, Nay Djruêng đang viết tiếp “cổ tích đời mình” ở giảng đường đại học...

Người cha bước qua hủ tục

Bản Ji A chìm khuất giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Hai mươi năm trước nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục mà mỗi khi nhắc đến người nghe chưa từng chứng kiến cũng rùng mình khiếp sợ. Nay Djruêng là con thứ 8 của vợ chồng KBór Djoang và Nay HChẻ. Khi Nay Djruêng cất tiếng khóc chào đời là cả một đêm trắng hãi hùng nhất đối với họ. Đứa con không chân không tay ngọ nguậy trong tấm chăn mỏng cứ gợi cho họ nhớ lại đứa con thứ hai cách đó tầm chục năm về trước.

Người Jrai ngày đó quan niệm, ai sinh con ra mà không có đủ hình hài của con người thì là con của ma quỷ. Khi đó, dân bản bắt buộc phải chôn sống đứa trẻ bằng không nó báo hại cả bản, Giàng bắt phạt những ai không tuân theo luật tục. Lời nguyền từ đời này nối sang đời khác cứ vọng lên trong đầu ông KBór Djoang và bà Nay HChẻ. Luật tục của bản phải tuân theo; nhưng đến cả thú dữ cũng không ăn thịt con, huống chi là người. Ông KBór Djoang vừa buồn lại vừa hận. Ông hận con ma con quỷ đã bắt con ông thành hình hài của quái vật. Ông không hề biết những năm tháng làm du kích, vào sinh ra tử ở căn cứ Ea Réh, huyện Krông Pa ông đã bị nhiễm phải chất độc màu da cam của giặc Mỹ… Có một điều chắc chắn dù nguyên nhân thế nào, thì luật tục vẫn phải được thi hành.

Hôm ấy, trước sự chứng kiến của các già làng uy tính trong buôn, ông KBór Djoang dằn lòng đào hố chôn con. Nhưng khi vừa lấp đất đến ngang vai, nhìn đứa con vô tội khóc thét vì khó thở, ông liền lao xuống xới đất bế con lên, rồi ông quỳ tạ tội và xin chịu phạt trước dân bản.

Vượt lên số phận

Khi lên 6 tuổi, một hôm Nay Djruêng níu lấy chân cha, xin cha cho cậu được đi học. Người cha sau thoáng ngạc nhiên, lặng lẽ nhìn con rồi nhìn về phía ngôi trường vang tiếng trẻ. Trong thâm tâm ông KBór Djoang muốn con được học hành nhưng lại sợ bạn bè trêu chọc con, làm cho đứa con kém may thêm phần đau khổ. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, đắn đo, ông quyết định cõng Nay Djruêng đến trường, xin cho con vào học. Một tuần đầu, cậu bé không tay không chân được cha mình cõng tới trường. Nhưng về sau khi đã quen đường và quen bạn bè ở lớp, cậu xin cha được tự đến trường để cha còn phải vào rừng kiếm sống. Từ đó, Nay Djruêng bắt đầu tập đi bằng hai đầu gối... Con đường đến trường của em bớt nhọc nhằn khi em học lên cấp II và được vào trường nội trú. Bằng những nỗ lực vượt khó, sự giúp đỡ của thầy cô giáo và bạn bè, em đã vượt qua được khó khăn.

Nay Djruêng tâm sự: “Em có giọng ca tốt và đã từng rẽ ngang sau khi tốt nghiệp lớp 9, vào đội văn nghệ của một trung tâm khuyết tật ở Hà Nội nhưng rồi vì nhớ trường, em quay về học tiếp. Lên lớp 11 em được học môn tin học và em bắt tay vào lập trang web dành cho các bạn khuyết tật để các bạn có cơ hội chuyện trò, chia sẻ với nhau, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống”. “Em không ngờ, chính từ điều ấy khi tốt nghiệp lớp 12 em lại chọn ngành Công nghệ thông tin để theo định hướng nghề nghiệp cho đời mình”, Nay Djruêng chia sẻ.

Em hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Nay Djruêng năng động, hòa đồng và có năng khiếu văn nghệ nên được các bạn bầu làm lớp trưởng; hăng hái tham gia vào các hoạt động sinh viên tình nguyện, tổ chức đêm Trung thu cho trẻ em nghèo, mồ côi; nấu cháo tình thương cho các bạn khuyết tật ở quận Ngũ Hành Sơn…     

Lúc chia tay, Nay Djruêng khập khiễng tiễn tôi ra sân kí túc xá, em nói với tôi mà như nói với chính mình: “Khi tạo hóa không ban cho mình niềm hạnh phúc có một thân thể vẹn toàn thì vẫn có một thứ có thể cho mình điểm tựa để vươn lên, để sống và để hạnh phúc với những khiếm khuyết. Đó là niềm tin và khát vọng! Có niềm tin và khát vọng thì cuộc sống sẽ có ý nghĩa!”

Thanh Bình

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文