Ngư dân trở thành triệu phú nhờ nỗ lực vươn khơi, bám biển

13:39 14/01/2015
Từ gia cảnh nghèo khó, cuộc sống thiếu trước, hụt sau, nhưng nhờ quyết tâm và nỗ lực bám biển đã giúp nhiều ngư dân ở làng chài Đông Hải, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trở thành triệu phú. Hiện làng chài này đang dẫn đầu toàn huyện Phú Lộc về số lượng tàu cá công suất lớn, cũng như sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm…

Làng chài Đông Hải nằm sát bên mép đầm phá Cầu Hai rộng lớn, với những căn nhà hai tầng khang trang nối liền kề được xây dựng từ lợi nhuận của những chuyến biển dài ngày.

Tranh thủ ngày nghỉ vì biển động, ngư dân Trần Đen (36 tuổi, ở thôn Đông Hải) cùng vợ sắp xếp lại ngư lưới cụ trên tàu rồi tâm sự cùng tôi về nghề đi biển của mình. Anh Đen kể, gia đình vốn có nghề đi biển truyền thống nên từ năm 15 tuổi, anh đã theo cha lên tàu ra khơi đánh bắt cá. “Thời điểm ấy, hải sản trên biển phong phú lắm, nhưng vì tàu có công suất 45CV nên chỉ đánh bắt các loại tôm, cá gần bờ; năng suất lại rất thấp. Năm 2006, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu cho ngư dân đi biển, gia đình quyết định cải hoán, nâng công suất máy lên 90CV, rồi đến 300CV.

Sau nhiều năm đi biển, vợ chồng mình tích cóp được một số vốn kha khá, cộng thêm vay mượn ngân hàng 400 triệu đồng để cuối năm 2014 đóng mới chiếc tàu 700CV vừa phục vụ nghề đánh bắt, vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá”, chỉ cho tôi xem chiếc tàu cá số hiệu TTH-95644 màu sơn xanh thẫm neo đậu trên đầm ngay trước mặt nhà, anh Đen hồ hởi cho biết.

Tàu cá của gia đình anh Đen được xem là chiếc tàu lớn nhất, nhì ở huyện Phú Lộc.

Theo anh Đen, ngoài ngư trường truyền thống ở Thừa Thiên - Huế, tàu cá của gia đình anh và đội tàu đoàn kết của thôn còn tham gia đánh bắt ở các ngư trường Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Cứ mỗi chuyến ra khơi, tàu anh đánh bắt được trên 30 tấn hải sản. Trừ tiền xăng dầu, chi trả tiền nhân công thì mỗi chuyến biển thu lãi “ròng” trên 40 triệu đồng.

Ngư dân Trần Hòa (60 tuổi, ở thôn Đông Hải) cũng được nhiều người biết đến khi từ một hộ dân nghèo khó, ông Hòa đã biết vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú với gia tài hiện có là chiếc tàu cá TTH-95429, có công suất 600CV và góp cổ phần hàng trăm triệu đồng để đóng thêm 2 chiếc tàu cá công suất lớn. Nói về nghề đi biển, ông Hòa cởi mở: “Không những gia đình tui, mà hơn 5 năm qua, kể từ khi xã thành lập Hội Nghề cá thì nhiều ngư dân trong thôn đã có điều kiện được vay vốn ngân hàng, có tiền đóng tàu mới công suất lớn để đi biển... Nhờ thế mà thoát nghèo đấy chú à!”.

Hiện ở thôn Đông Hải có nhiều ngư dân đang là chủ sở hữu của những chiếc tàu lớn, với giá trị ước tính bằng tiền tỷ.

Nhờ lợi nhuận từ nghề đi biển nên không ít ngư dân ở Đông Hải đã xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ngư dân Trần Thoạn (59 tuổi) là một trong số đó, khi gia đình ông có đến 2 chiếc tàu cá là TTH-92026 và TTH-95527 có số vốn đầu tư đóng mới trên 2 tỷ đồng. Hơn 40 năm bám biển mưu sinh, khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió biển, ông Thoạn không thể nào nhớ hết mình đã có bao nhiêu lần ra ngư trường Hoàng Sa để cùng ngư dân tỉnh bạn đánh bắt thủy hải sản.

Chỉ chiếc máy ICom được đặt ở góc tủ giữa nhà, ông Thoạn chia sẻ: “Đi biển, ngư dân không những quyết tâm đánh bắt hải sản để làm giàu mà còn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau lúc gặp hoạn nạn. Vì thế mà chúng tôi luôn xem chiếc Icom này là vật bất ly thân. Bởi nếu có sự cố, mình chỉ cần nhấc máy ICom để gọi các tàu trong đội tàu của xã đang đánh bắt gần đó đến hỗ trợ”.

Nói rồi, ông kể, dịp cuối năm 2014, tàu ngư dân Trần Phước (ở thôn Lê Thái Thiện, xã Lộc Trì) đang đánh bắt cách bờ 70 hải lý thì bị chết máy. Lúc chiếc tàu này đang trôi dạt và có nguy cơ bị sóng biển đánh chìm thì tàu của ông Thoạn nhận được tín hiệu cầu cứu trên ICom nên chạy đến lai dắt chiếc tàu cá này vào bờ an toàn.

Ông Trần Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết thêm: “Hiện toàn xã có 120 tàu cá công suất từ 90 đến 700CV. Trong đó, chỉ tính riêng ở thôn Đông Hải có đến 22 tàu có công suất trên 450CV, với sản lượng đánh bắt đạt trên 1.000 tấn hải sản/1 năm. Nghề đi biển không những giúp ngư dân Đông Hải làm giàu với thu nhập hằng năm từ 300-400 triệu đồng, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế của địa phương”. Mặc dù đã có nhiều ngư dân trở thành triệu phú, song các ngư dân ở làng chài Đông Hải vẫn mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ làm thủ tục, quy trình thế chấp tài sản để vay vốn tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ với hy vọng được đóng thêm nhiều tàu vỏ gỗ công suất lớn, phục vụ việc vươn khơi bám biển và bảo vệ ngư trường.

Anh Khoa

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文