Người cựu chiến binh giàu lòng nhân ái
Trời đứng trưa, nhưng khi tôi đến, ông Đơng vẫn còn gập lưng cuốc đất, nhặt cỏ trong mảnh vườn có nhiều cây trái. Đối với người lành lặn, ở vào tuổi ngoài 70, việc cuốc đất đã rất vất vả, với ông Đơng lại càng vất vả, khó nhọc hơn. Bởi ông chỉ còn một cánh tay trái, tay phải đã bị cụt tới cận khuỷu từ cách đây hơn 20 năm.
Nói chuyện với tôi, ông Đơng tự hào bảo: “Mình tàn nhưng không phế!”. Mà thật vậy, hơn 20 năm qua, ông Đơng chỉ với một cánh tay, đã cùng với người vợ thảo hiền, tần tảo không chỉ làm ra của cải nuôi sống gia đình, mà còn giúp đỡ, cưu mang không ít hoàn cảnh khó khăn, trẻ em không may bị mồ côi trong bản. Những đứa trẻ ấy là Hồ Thị Điu, Hồ Văn Toán…
15 năm trước được vợ chồng ông đưa về nuôi dưỡng, nay đã lớn khôn, được dựng vợ gả chồng, giúp đỡ ra riêng. Không ít gia đình như vợ chồng ông Hồ Xuân, Hồ Mót, Hồ Nởi… không may bị hoạn nạn, nghèo khó do neo đơn bệnh tật, được vợ chồng ông Đơng giúp đỡ khi bao lúa, bao ngô; khi con, cây giống, nay đã vượt qua được khó khăn, ổn định cuộc sống…
Người Pa Cô, Vân Kiều ở thôn Bãi Hà còn trân trọng, nể phục ông Đơng không chỉ vì tính kiên trì, sáng tạo trong lao động sản xuất, mà còn ở nghị lực vượt khó, vượt qua nỗi đau tiếp tục sống, lao động vì nhiều người khác xung quanh.
Cựu chiến binh Hồ Đơng đang chăm sóc mảnh vườn nhà mình. |
Năm 1954, ông và gia đình từ xã miền núi Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị được sơ tán ra Bãi Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) sinh sống. Trong kháng chiến, gia đình ông có 3 cha con đều tham gia cách mạng. Năm 1966, họ được cả chiến khu Vĩnh Linh biết đến, biểu dương bởi thành tích xuất sắc phát hiện và bắt gọn 6 lính biệt kích của địch khi đã vượt sông Gianh (Quảng Bình) vào Nam theo đường rừng…
Năm 1968, khi ông Đơng đang làm nhiệm vụ mở đường, gùi lương tải đạn chi viện cho miền Nam thì nhận tin cha mình (ông Hồ Văn Phơng) đang cùng với đồng đội chiến đấu tiêu diệt máy bay B52 của địch ở vùng trời Cồn Tiên - Dốc Miếu, đã hy sinh anh dũng. Sau khi mất cha không lâu, anh ruột của ông là Hồ Văn Tơng, trong một trận đánh giáp lá cà với địch ở chiến trường miền Tây Gio Linh cũng đã bị thương rất nặng...
Rời quân ngũ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, hai anh em ông Đơng đến vùng đất Linh Thượng lập nghiệp, sinh sống. Năm 1984, ông Tơng, thương binh ¾ bị lâm bệnh nặng rồi qua đời. Mấy tháng sau, khi ông Đơng khai hoang đất không may giẫm phải mìn sót lại sau chiến tranh, bị mất đi cánh tay phải. Vượt qua nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, ông Đơng cùng với vợ quyết tâm thoát khỏi đói nghèo trên vùng đất mà trước đó hai anh em ông đã bỏ ra bao công sức, mồ hôi khai hoang, phục hóa. Ban đầu, hai vợ chồng ông trồng lúa nước, hoa màu, rồi trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày.
Năm 2000, ông là một trong 5 nông dân ở miền Tây Gio Linh vinh dự được cử lên tỉnh báo cáo cách làm ăn kinh tế giỏi. Gần 15 năm nay, ông còn đạt thành tích “khủng” ở xã trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, với đàn bò sinh sản và bò lấy thịt hằng năm lên tới hơn 30 con.
Điều đáng trân trọng ở người cựu chiến binh này, đó là không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà còn luôn sẵn lòng giúp đỡ bằng công sức, hỗ trợ một phần kinh phí, cây và con giống cho bà con dân bản phát triển kinh tế.
Ông Đơng tâm sự: “Mình nhiều tài sản mà những người khác xung quanh mình còn nghèo khó thì mình chưa phải là giàu!”. Ông cũng quan niệm hạnh phúc một cách đơn giản, song chứa đựng đầy tình người: “Với già, hạnh phúc thực sự mà mình có chỉ khi những người khác xung quanh mình cùng vui! Việc cùng nhau chia sẻ những vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống luôn là điều cần thiết, nên làm”.
Trong căn nhà sàn cửa luôn mở và bếp luôn hồng lửa, tôi để ý bà Hồ Thị Nhưn, vợ ông Đơng luôn tươi cười nhìn chồng trò chuyện với khách. Ông cũng thỉnh thoảng nhìn sang vợ với gương mặt đầy tự hào: “Bà nó phúc hậu lắm! Trong bản hay nơi khác có người bị rắn, rít cắn đều được bà ấy chữa lành”…
Ông Hồ Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã Linh Thượng, cho hay: “Hơn 20 năm nay, ông Đơng với vai trò là một già làng, người có uy tín trong thôn, xã, đã có rất nhiều công lao đóng góp cho địa phương. Bên cạnh việc cưu mang, giúp đỡ những hộ nghèo, trẻ em không may bị mồ côi; giúp đỡ và hỗ trợ bà con làm ăn kinh tế, thoát nghèo, ông còn là người tiên phong trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cũng nhờ những lời hay ý đẹp của ông mà không ít thanh thiếu niên hư, gia đình vợ chồng lục đục do rượu chè… bỏ được thói hư tật xấu, tu chí học hành và làm ăn thành đạt”.