Người dân có thể khởi kiện công ty kinh doanh nước sạch
- Gần 1.000 hộ dân đảo lộn sinh hoạt vì vỡ ống nước
- Hà Nội còn mất nước đến bao giờ?
- Giữa thủ đô, dân vật vã, khốn khổ vì mất nước
- Tổng Giám đốc Vinaconex xin lỗi người dân vì sự cố mất nước
- Mất nước sinh hoạt ở Hà Nội: Những chuyện dở khóc dở cười
- Mất nước sinh hoạt, Công ty Nước sạch phải cung cấp nước bằng xe téc cho dân
Thiệt hại với hàng nghìn hộ dân là không hề nhỏ, tuy vậy dường như trách nhiệm này lại chẳng phải của ai, hay đơn vị nào. Trong chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng luật sư Phúc Thọ (Đoàn luật sư Hà Nội) để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này dưới góc độ luật pháp.
PV: Thưa luật sư, câu chuyện về nước sạch đang rất nóng thời gian hiện nay, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán nước, trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước lại rất ít. Theo Luật, có quy định rõ trách nhiệm nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng?
Luật sư Bùi Sinh Quyền: Theo quy định thì hợp đồng mua bán dịch vụ như là dịch vụ cung cấp nước này đều có mẫu. Tuy nhiên, những người làm pháp chế ở trong các cơ quan khi soạn hợp đồng bao giờ cũng phải viết để bảo vệ mình, đẩy cái khó khăn cho người dân. Họ chỉ thảo kỹ quyền và nghĩa vụ của phía khách hàng. Đó là vấn đề chung của các loại hợp đồng, thỏa thuận dân sự hiện nay. Còn đối với các hợp đồng cụ thể, như là hợp đồng mua bán nước sạch thì đều phải thực hiện đầy đủ các đề mục theo quy định, và phải thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hợp đồng, và các cam kết khác. Ví dụ như bất khả kháng là gì thì phải nêu rõ.
PV: Ông nói đến việc “bất khả kháng” trong hợp đồng để bên cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm. Thế trường hợp mất nước do đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ thì thế nào?
Luật sư Bùi Sinh Quyền: Đây không phải là trường hợp bất khả kháng. Đây là vấn đề do yếu tố chủ quan của con người. Bất khả kháng ví dụ như: chiến tranh, động đất... Việc bị vỡ này đã được các cơ quan chức năng kiểm định do đường ống kém chất lượng. Đường ống không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dẫn đến gặp sự cố liên tục. Vì thế việc khởi tố bắt một số người liên quan đến việc này là có căn cứ và đúng theo quy định của pháp luật. Vì thế việc không cung cấp được nước cho người dân do sự cố này, thì không thể xác định là trường hợp bất khả kháng.
Ví dụ trường hợp mất điện mà không bơm nước được cho khách hàng thì mới gọi là bất khả kháng, vì đơn vị cấp nước này không sản xuất ra điện mà phải phụ thuộc. Thế nhưng kể cả trong trường hợp này thì cũng phải xác định là trong vòng bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ. Cái này là phải bồi thường, phải khắc phục hậu quả. Việc này đã được thực hiện là việc công ty cấp nước cho xe téc chở nước đến cho từng khu dân cư.
Luật sư Bùi Sinh Quyền. |
PV: Hợp đồng là câu chuyện rất đáng quan tâm, vì trong các loại hợp đồng hiện nay đều thể hiện trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ rất ít. Dựa vào hợp đồng này có thể khởi kiện được hay không?
Luật sư Bùi Sinh Quyền: Như tôi đã khẳng định là có thể khởi kiện. Việc bắt buộc là anh phải chứng minh được thiệt hại. Nhưng việc chứng minh được thiệt hại này cũng rất phức tạp. Ví dụ như mất nước, anh phải mời người quản lý nước ở khu vực đó đến lập biên bản là mất nước từ giờ nào đến giờ nào. Rồi thống kê thiệt hại.
Tuy vậy, từ trước đến nay cũng chưa thấy ai làm cái việc xác định thiệt hại do mất nước cả. Mỗi hộ thì thiệt ít, nhưng nếu cả tập thể thì thiệt hại là rất lớn. Tuy nhiên tòa án lại không thụ lý vụ việc tập thể kiểu như thế vì quyền lợi, nghĩa vụ mỗi người khác nhau nên phải cá thể hóa ra. Mà cá thể hóa ra thì thiệt hại lại là không đáng kể. Tòa án chỉ có thể thụ lý một vụ việc của một tổ chức, chứ không thụ lý vụ việc của một tập thể.
PV: Gia đình nào mua nước cũng đều phải có hợp đồng mua bán với đơn vị cấp nước. Trong các hợp đồng này có gì bất cập?
Luật sư Bùi Sinh Quyền: Các điều khoản trong hợp đồng liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của các bên, thì bao giờ khách hàng cũng đều là người chịu nhiều trách nhiệm nhất. Tất cả các hợp đồng dịch vụ hiện nay như: điện, nước, viễn thông... đối với hộ gia đình thì trong hợp đồng hiện nay đều không có các điều khoản buộc đơn vị cung cấp phải bồi thường bao nhiêu, nếu có sự cố.
Trong Luật dân sự quy định rất rõ là gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường, và bồi thường như thế nào. Nhưng trong các hợp đồng này thì hầu như không thể hiện điều đó. Thiệt hại gì thì thiệt hại anh cũng phải tính được thành tiền. Còn thiệt hại về tinh thần, thì lại quy định khác. Nói chung tất cả đều đã được quy định rõ trong Bộ Luật dân sự.
Vấn đề hiện nay là phải thể hiện được nghĩa vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ vào trong hợp đồng, phải cụ thể hóa được việc này. Nếu quy định rõ như thế thì người bán hàng sẽ phải trách nhiệm hơn, như việc liên quan đến nước sạch này.
Xếp hàng chờ lấy nước là hình ảnh thường thấy ở Hà Nội trong thời gian qua. |
PV: Thế thì chúng ta đặt ra câu chuyện, một bệnh viện không được cấp nước đầy đủ để phục vụ việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Việc này có thể ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Thế thì trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Bùi Sinh Quyền: Ít ngày qua đã xảy ra việc một số bệnh viện thiếu nước, dẫn đến việc ngưng trệ trong khám chữa bệnh trong thời gian ngắn. Cũng may chưa xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Tuy vậy, trong trường hợp này nếu xảy ra hậu quả xấu, ví như dẫn đến chết người chẳng hạn, thì có thể khởi kiện được đơn vị bán nước.
Đầu tiên là phải chứng minh được thiệt hại. Chẳng hạn, phải chứng minh được rằng nước ở bệnh viện này mất từ mấy giờ đến mấy giờ, đang thực hiện một ca mổ bị mất nước dẫn đến hậu quả. Tuy nhiên nếu đơn vị bán nước có thông báo mất nước, bệnh viện biết trước điều đó, thì lỗi không hoàn toàn thuộc về đơn vị bán nước. Những việc đó phải chứng minh cụ thể.
PV: Theo ông nguyên nhân vì sao mà có các bất cập này?
Luật sư Bùi Sinh Quyền: Tôi cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc độc quyền. Hiện nay điện, nước đang là những mặt hàng độc quyền. Người dân bị phụ thuộc, nếu đơn vị cung cấp dịch vụ này muốn thì họ cấp, không muốn thì họ không cấp cũng chẳng sao. Nếu trong hợp đồng ghi rõ mất nước bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày thì phải bồi thường cho khách hàng bằng nào tiền, thì chắc chắn đơn vị cấp nước đó sẽ có trách nhiệm hơn.
Chính vì thế mà trong hợp đồng, bên bán hàng không dám đưa vào. Mất nước soành soạch kiểu này mà đưa quy định đó vào thì đền bù quá lớn. Nếu có những điều khoản thế trong hợp đồng, thì người dân sẽ tin tưởng hơn, nâng cao trách nhiệm được cả của đơn vị mình, nhưng họ không dám làm.
Vấn đề quan trọng hiện nay là phải yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ phải thể hiện rõ, chi tiết trách nhiệm của mình vào trong hợp đồng. Từ đó sẽ nâng cao được ý thức trách nhiệm ngay từ đội ngũ trong đơn vị đó.
Xin cảm ơn ông!