Người dịch thư Bác Hồ cho đồng bào Tây Nguyên

13:31 01/02/2005
"Dù có cuộc sống vật chất sung sướng nhưng làm tay sai cho giặc thì khổ nhục và hổ thẹn với nhân dân…" - người thanh niên Jơ Rai được học tập ở trường Tây, ra làm việc cho Pháp đã từ bỏ cuộc sống sung túc tìm về với nhân dân.

Rồi anh đến với Đảng, Bác Hồ, Cách mạng như một lẽ tự nhiên theo nhịp thở của cuộc sống. Người thanh niên Jơ Rai ấy mang tên Nay Phin, sinh năm 1918 ở làng Ơi Nu, xã Ia Xiơm, huyện AyunPa, tỉnh Gia Lai.

"Cuộc đời tôi may mắn hơn một số người khác là được học hành. Hơn 4 năm học trường Pháp ở Kon Tum rồi đi Huế học 2 năm, về Quy Nhơn học thêm 3 năm nữa…". Thời Pháp thuộc, thanh niên người Jơ Rai được đi học rất ít, Nay Phin "có chữ" nên được Pháp đưa về làm ở Tòa sứ tỉnh Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai). Nhưng không chịu nổi những điều chướng tai gai mắt, ông đã bỏ việc ở Tòa sứ tỉnh để đi dạy học.

Tưởng rằng đi dạy tiếng Pháp, Nay Phin sẽ thanh thản hơn, nhưng rồi cũng chỉ được vài năm ở trường Pháp thì ông lại thấy chán và bỏ tiếp. Lòng yêu nước thương dân đã thôi thúc ông đi làm cách mạng. Tháng 6/1945, dưới sự dẫn dắt của ông và một số thanh niên, viên chức người dân tộc thiểu số tiến bộ, Đoàn thanh niên huyện Cheo Reo (AyunPa) đã được hình thành và phát triển không ngừng. Ông đã vận động thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ở địa phương học chữ quốc ngữ.

Ông cùng một số người sáng tác và dạy cho thanh niên những bài hát ca ngợi sức mạnh của thanh niên, tình đoàn kết Kinh - Thượng, cùng nhau chống giặc Pháp xâm lược và bè lũ tay sai bán nước… Những việc làm ấy đã thôi thúc thanh niên tưng bừng khí thế tham gia chống giặc cứu nước.

Cùng với lực lượng thanh niên trong tỉnh, ngày 25/8/1945, thanh niên Cheo Reo đã đứng lên vận động quần chúng nhân dân địa phương nổi dậy chiếm đồn Bảo An, bắt tên đồn trưởng và thu giữ nhiều vũ khí quân dụng… Sau đó, lực lượng thanh niên cùng bà con dân làng đi về các thôn, làng hạ uy thế của bọn chủ làng, chánh tổng, những tên tay sai của Nhật, Pháp…

Ngày 19/4/1946, tại Đại hội Đoàn kết dân tộc chống Pháp họp tại Pleiku đã vinh dự được đón thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đồng chí Tố Hữu và Bùi San mang đến. Trong thư Bác dạy:

"…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jơ Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói cùng nhau… Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ quyền tự do, độc lập của chúng ta"…

Đọc thư Bác, các đại biểu dự Đại hội đã vô cùng xúc động và nguyện giữ lời Bác dạy, kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu kích động của kẻ thù nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Để truyền đạt lời Bác dạy đến với nhân dân, ông đã dịch thư sang tiếng Jơ Rai rồi tổ chức các cuộc liên hoan, đoàn kết học tập thư Bác ở các buôn làng. Nhờ đó mà khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và phát triển không ngừng, chung công góp sức đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn…

Là người con Jơ Rai hết lòng yêu nước, thương dân nên ông đã được nhân dân tín nhiệm bầu vào các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Cheo Reo (1945); Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa III; Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Trung ương…

Dù ở cương vị nào, ông vẫn luôn một lòng trung thành với Đảng, cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Ông kể: "Là một thành viên trong Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp, gần 3 năm được làm việc gần gũi với Bác Hồ nên tôi đã học được ở Bác nhiều điều quý báu đã giúp tôi trưởng thành trong cuộc đời làm cách mạng".

Những ngày cuối năm, tôi đến thăm ông tại nhà riêng của ông ở Pleiku. Mấy tháng nay, ông bị trọng bệnh. Sau một thời gian chữa trị ở bệnh viện, nay ông đã về nhà nhưng trong tình trạng sức khỏe vẫn rất yếu. Trước sau ông vẫn luôn chân chất: "Dân mình có ấm no, hạnh phúc thì đất nước mới giàu mạnh, xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh được… Muốn thế thì phải học tập, phải đoàn kết…"

N.Như

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文