Người góp sức xây dựng "xứ đạo, họ đạo ba không"
Một ngày cuối tháng 11/2011, tôi đến Giáo xứ Kim Hòa (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để tìm gặp Linh mục Vũ Đức Hước - Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Vĩnh Thạnh, Chánh xứ Giáo xứ Kim Hòa, người đi đầu trong công tác xây dựng "Xứ đạo, họ đạo 3 không". Và ông cũng là 1 trong 45 người được Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) tổ chức giao lưu, gặp mặt và tôn vinh trong phong trào quần chúng đấu tranh phòng chống tội phạm các tỉnh, thành phía Nam vừa qua.
Trên cơ sở quán triệt tinh thần nội dung quy chế phối hợp giữa Công an huyện Vĩnh Thạnh và Ban đoàn kết công giáo Giáo hạt Vĩnh Thạnh, trong công tác xây dựng "Xứ đạo, họ đạo 3 không" (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm). Trong năm qua, đã tổ chức tuyên truyền được gần 130 cuộc có 10.119 lượt chức sắc, chức việc và bà con giáo dân tham dự. Thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, các vị chức sắc đã tranh thủ phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kêu gọi bà con giáo dân tự giác chấp hành và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia cùng chính quyền đấu tranh phòng chống tội phạm và bài trừ các TNXH.
Qua công tác tuyên truyền, vận động quần chúng giáo dân các xứ đạo, họ đạo tích cực tham gia các hoạt động phòng chống tội phạm. Trong đó từng người, từng hộ gia đình giáo dân nâng cao ý thức tự quản, tự phòng.
Bà con giáo dân đã chủ động cung cấp cho chính quyền 107 nguồn tin có liên quan đến ANTT, giúp cho các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý 141 đối tượng vi phạm về ANTT (cờ bạc, trộm cắp vặt, đánh nhau); vận động 1 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú. Hội đồng mục vụ các xứ đạo, họ đạo tham gia hòa giải 66 vụ mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ giáo dân; giáo dục 235 đối tượng vi phạm ở cơ sở. Do làm tốt các biện pháp nói trên, nên tình hình tội phạm ở các xứ đạo, họ đạo chuyển biến tích cực, phạm pháp hình sự giảm. Đặc biệt, không có án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh không có băng, ổ, nhóm, các tụ điểm phức tạp về TTXH. Qua xét phân loại có 28/28 xứ đạo, 27/27 họ đạo đạt nội dung 3 không.
Linh mục Vũ Đức Hước (bên phải) trao đổi về tình hình ANTT của các xứ đạo với Thượng tá Nguyễn Bảo Lộc - Trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh. |
Theo Linh mục Vũ Đức Hước - Trưởng ban đoàn kết Công giáo huyện Vĩnh Thạnh, Chánh xứ Giáo xứ Kim Hòa, ở giáo xứ Kim Hòa, có 100% nhân khẩu đều là giáo dân. Để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, bổn phận con chiên của Chúa. Ban họ giáo đã kết hợp với lực lượng Công an và chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình bàn bạc, vận động thống nhất với bà con ký cam kết với chính quyền xây dựng nên mô hình "Xứ đạo, họ đạo 3 không". Thành lập nên các tổ tự quản để quản lý giúp đỡ lẫn nhau không để ma túy và TNXH xâm nhập vào địa bàn. Mỗi năm trong xứ đạo có hàng trăm người đi làm ăn xa phát triển kinh tế.
Vào những ngày lễ trọng trong năm, hay nhân dịp ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc họ lại trở về quê hương sum vầy, hội tụ. Dưới mái nhà chung của Chúa, trong cái nồng nàn, ấm áp của men rượu ngày xuân, từ lớn bé, già trẻ, gái trai... tất cả lại được nghe những lời răn của Chúa. Cùng với việc giảng đạo, linh mục xứ cũng thường xuyên giảng dạy, nhắc nhở bà con thực hiện những điều đã cam kết về ANTT, không cho phép bất cứ ai làm những điều trái với quy định, với luân thường đạo lý làm ảnh hưởng đến thanh danh trong họ.
Tiêu biểu như KDC ấp F1, Giáo xứ Châu Long, xã Thạnh An được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng II (9/2009). Khu dân cư ấp thầy Ký, Giáo xứ Thánh Gia, thị trấn Thạnh An được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… Ngoài ra, bà con giáo dân trong Giáo hạt Vĩnh Thạnh đã đóng góp xây dựng gần 10 cây cầu; sửa chữa và làm 42 căn nhà Đại đoàn kết; làm mới 6km đường; tu sửa 21km đường; chăm sóc giúp đỡ 80 cụ già neo đơn; tặng 57 xe lăn cho người khuyết tật và 23 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, trị giá hàng chục tỷ đồng...
Linh mục Vũ Đức Hước, tâm sự: Chúng tôi là người theo đạo Thiên Chúa. Chúng tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để thực hiện tốt nghĩa vụ, đồng thời thể hiện vâng lời Chúa răn, bề trên khuyên bảo. Song để làm được điều đó phải phát huy và khơi dậy tinh thần đoàn kết, đùm bọc yêu thương hỗ trợ lẫn nhau những lúc khó khăn hoạn nạn. Bằng nghĩa cử cao đẹp, tình cảm chân tình bà con giáo dân trong xứ đạo, họ đạo có ý thức, trách nhiệm bảo vệ danh dự, giữ gìn sự đoàn kết lương, giáo, cùng nhau dựng quê hương giàu đẹp".
Chia tay với linh mục Vũ Đức Hước, tôi cảm nhận về một xứ đạo bình yên đang thay da đổi thịt từng ngày. Phải chăng đó chính là cội nguồn tiềm năng tạo nên sức mạnh to lớn góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương