Nguy cơ TNGT từ xe máy cũ, tự chế

16:16 29/06/2012
Anh Tuấn chủ cửa hàng sửa xe (Trung Văn, Từ Liêm) thường nhận gia cố xe của dân thồ hàng cho biết: chỉ cần thay biên, hơi, giảm xóc, hàn lại khung sườn… xe cứ chở vài tạ là bình thường. Tùy theo yêu cầu của khách, trung bình làm lại mỗi chiếc từ 1,5 đến 2 triệu. "Nhưng dù có gia cố chắc đến đâu thì đi các loại xe này cũng rất nguy hiểm", anh Tuấn nói.

Dù có thời gian sử dụng hàng chục năm, nhiều bộ phận đã hỏng nhưng những chiếc xe máy "già nua" vẫn chạy bạt mạng trên khắp các tuyến đường Hà Nội. Bất chấp nguy cơ tai nạn giao thông, chúng vẫn được dùng làm phương tiện để chở người, thồ hàng hóa.

Chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những chợ đầu mối lớn của Thủ đô, hoạt động từ 6h đến 23h. Từ tờ mờ sáng, con đường dẫn vào khu chợ đã nhộn nhịp. Ngày nào cũng vậy, cứ 6h sáng, vợ chồng anh Hưng (một tiểu thương) đã có mặt ở chợ. Hôm nay, anh chở hàng nặng hơn mọi lần, vừa đến cổng chợ, chiếc xe nghiêng ngả rồi đổ nhào, may mắn vợ anh chỉ bị xây xát nhẹ.

Dựng chiếc Honda Cub 70 cà tàng, Hưng kể: Hai vợ chồng buôn rau dưới thị trấn Xuân Mai rồi mang lên đây bán. Làm nghề này cần có một chiếc xe máy thồ hàng tốt. Năm 1992, anh mua lại chiếc xe này từ một người bạn với giá hữu nghị. Mấy chục năm chạy "dã chiến" trên khắp các tuyến đường, bây giờ nó xập xệ quá đát, phần yếm nhựa vỡ hết, dây điện lộ cả ra bên ngoài, đèn trước, đèn sau và xi nhan cũng không còn, còi tậm tịt. Để chở hàng được nhiều hơn, Hưng nhiều lần phải đi "độ" lại xe bằng cách lắp thêm bộ giảm xóc, làm lại hơi.

Nhớ đến những lần bị tai nạn, anh kể: "Có lần đang đi, xe tự dưng chết máy giữa đường, đúng lúc đó người đi sau tông thẳng vào đuôi xe khiến mình bị gãy chân vào viện điều trị cả tháng trời, không làm ăn gì được". Kéo tay áo vẫn còn những vết trầy xước loang lổ, anh Hưng bần thần: "Mấy hôm trước tôi tham chở nặng, loạng quạng mất tay lái lao cả người lẫn xe xuống ruộng, cũng may chỉ bị thương nhẹ chứ không thì đi rồi".

Những chiếc xe máy cũ như thế này cần phải được kiểm định “tuổi thọ”.

Tại đường Đê La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội) nơi tập trung các cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ ngày nào cũng tấp nập các loại xe máy "hom hem" ra vào chở hàng. Chúng tôi thử quan sát, trong 20 phút có đến 18 chiếc xe cũ nát thồ theo một lượng hàng lớn chủ yếu là bàn, kệ, ghế chạy bạt mạng qua đây trong tư thế chao đảo, rung lắc mạnh. Hầu hết các xe này đều quá "già", không yếm, thậm chí không biển, trơ cả bộ khung sắt hoen gỉ.

Theo chân một thanh niên chở một chiếc ghế dài hơn 2m, rộng 50cm, mặc cho đường rất đông các phương tiện giao thông nhưng chiếc xe này vẫn lao đi vun vút. Rẽ vào con hẻm nhỏ, thành ghế đập mạnh vào cạnh tường, chiếc xe nằm chỏng chơ giữa ngõ. Dựng xe, người thanh niên xưng tên Tuấn cho biết làm nghề thồ hàng thuê cho các cửa hàng đồ gỗ đã gần chục năm nay. Tuấn bảo "cái anh Dream" 20 tuổi này tuy "già" nhưng chạy vẫn còn bon chán, thồ hàng vẫn khỏe lắm, hơn đứt mấy anh xe đời mới".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dòng xe mà dân thồ hàng ưa thích là các loại xe Honda Cub từ 50, 70, 82, Honda Dream đời cũ… Theo "dân" trong nghề cho biết, đây là các loại xe "nồi đồng, cối đá" chạy bền, dùng chở hàng rất phù hợp, nhiều chiếc phân khối nhỏ không cần bằng lái, giấy tờ, nếu bị phạt họ sẵn sàng bỏ xe vì giá trị của nó cũng chẳng còn đáng giá, nhưng quan trọng là xe ăn ít xăng. Hiện nay, dòng xe này được dân thồ hàng săn lùng ráo riết. "Tôi cũng biết chạy những loại xe này nguy hiểm lắm chứ, nhưng cũng vì miếng cơm manh áo, buộc nhắm mắt mà chạy liều thôi" - Nguyễn Văn Hiển (Hà Đông, Hà Nội) - một "dân" thồ hàng lâu năm chia sẻ.

Không chỉ dân thồ hàng thuê mà cả chủ các đại lý, cửa hàng tạp hóa, đồ điện tử, nước đá… cũng rất chuộng sử dụng những loại xe này để chở hàng cho khách. Nhiều chủ có hẳn "bộ sưu tập" các đời của dòng Honda Cub. Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), đại lý  L.T chuyên cũng cấp thủy, hải sản cho các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội có một đội 7 xe Honda Cub, chiếc "ít tuổi" nhất cũng 20 năm sử dụng, cái nhiều là 30 năm. Thoáng nhìn cũng biết chúng đều được gia cố lại nên không còn giống hình dáng ban đầu. Để thồ hàng tốt hơn, mỗi chiếc được lắp thêm bộ giá sắt và bộ giảm xóc.

Ông L.T. chủ đại lý cho biết, trước kia cũng sắm xe mới cho nhân viên đi giao hàng, nhưng do chở nặng nên đi được năm rưỡi là cái nào cũng hỏng tả tơi, đã vậy chạy trong đường thành phố rất tốn xăng. Sau đó, ông quyết định thay bằng một dàn xe Honda Cup cũ. "Lúc mua lại mỗi cái chưa đến 4 triệu, bỏ thêm 2 triệu nữa làm lại xe, giờ thồ 2, 3 tạ cứ dễ ợt", ông L.T. nói.

Anh Tuấn chủ cửa hàng sửa xe (Trung Văn, Từ Liêm) thường nhận gia cố xe của dân thồ hàng cho biết: chỉ cần thay biên, hơi, giảm xóc, hàn lại khung sườn… xe cứ chở vài tạ là bình thường. Tùy theo yêu cầu của khách, trung bình làm lại mỗi chiếc từ 1,5 đến 2 triệu. "Nhưng dù có gia cố chắc đến đâu thì đi các loại xe này cũng rất nguy hiểm", anh Tuấn nói.

Cảnh báo về nguy cơ tai nạn giao thông khi đi xe cũ nát, anh Tuấn Hưng, nhân viên kỹ thuật của một đại lý Honda ở quận Đống Đa khuyến cáo: "Xe máy được sử dụng lâu năm khung sườn sẽ xuất hiện rạn nứt, các bộ phận phanh, giảm xóc không còn nhạy như ban đầu, hệ thống điện lâu ngày dễ sinh ra chập, cháy. Xe được thiết kế chỉ có thể chở một khối lượng nhất định, nếu chở nặng vượt quá tải trọng dễ gãy khung gây nguy hiểm cho người điều khiển và các phương tiện tham gia giao thông".

Trước tình trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp xe máy cũ nát không đảm bảo kỹ thuật, thồ hàng cồng kềnh, từ đó giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông

Nguyễn Sáng

Ngày 26/5, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đang phối hợp với Công an thị xã Chơn Thành khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 công nhân tử vong.

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” diễn ra tối 2/6, cùng nhiều hoạt động khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文