Nhà báo Pháp và những kỷ niệm về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

18:34 28/11/2010
Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm cách đây hơn nửa đời người, nhà báo Jean Claude Pomonti xúc động nói: "Ông Ẩn không những là một nhà báo, nhà tình báo giỏi mà còn là một người bạn trung thành, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác...".

Trở lại Việt Nam vào những ngày giá rét cuối tháng 11 để cùng nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet giới thiệu về cuốn sách "Hà Nội", nhà báo Pháp Jean Claude-Pomonti đã dành cho cánh phóng viên chúng tôi chút thời gian để tâm sự về nghề báo - một nghề mà ông đã gắn bó hơn 40 năm, đồng thời hồi tưởng lại những cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng với Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, người mà ông vừa coi là bạn đồng nghiệp, vừa là người thầy của mình.

Trong ánh đèn vàng của sảnh tầng 1, Trung tâm văn hóa Pháp L'Espace ở Hà Nội, giữa tiếng ồn ã của những bước chân và những lời trầm trồ khen ngợi về tập ảnh Hà Nội của nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet cùng lời bình đặc sắc của nhà báo Jean Claude Pomonti, chúng tôi đã được nghe kể câu chuyện về một phóng viên thường trú của báo Pháp Le Monde trong những năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Nụ cười thường  trực trên môi, chất giọng trầm ấm, nhà báo Jean Claude Pomonti đã dẫn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ông nói về Việt Nam, về Thủ đô Hà Nội và đặc biệt là về Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn như thể chính ông là người Việt Nam chứ không phải là một công dân Pháp, sinh ra và trưởng thành ở một quốc gia khác cả về văn hóa và tư tưởng.

Nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti.

Nhà báo Jean Claude Pomonti nói rằng, ông đã chọn Việt Nam và chính đất nước Việt Nam cũng đã chọn ông như một người bạn đồng hành trong suốt một thời gian dài trước và sau chiến tranh. Ông đã đi khắp các nẻo đường của TP HCM, Huế, Hà Nội. Nhưng Hà Nội vẫn là nơi lôi cuốn ông nhiều nhất qua những thú vui tao nhã: nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam qua Đông Kinh Nghĩa Thục, qua Truyện Kiều…

Nhà báo Jean Claude Pomonti tâm sự: "Tôi yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Paris chính hiệu yêu mến Paris… Đối với tôi, Hà Nội là một trong những thành phố hấp dẫn nhất nhưng lại không dễ gì tìm hiểu. Phải dành thật nhiều thời gian, bách bộ nơi hang cùng ngõ hẻm, thăm viếng các đền chùa, tận hưởng hương thơm nồng nàn của hoa sữa, đắm mình trong những giai điệu nhạc về Hà Nội... thì mới cảm nhận được "chất" rất riêng của thành phố 1.000 năm tuổi này".

Bìa cuốn sách "Một người Việt Nam thầm lặng" mà nhà báo Jean Claude Pomonti viết về tướng Phạm Xuân Ẩn.

45 năm trước, khi vừa tròn 25 tuổi, chàng trai Pháp Jean Claude Pomonti tình cờ đến Việt Nam tham gia dạy học tại Trường Trung học Marie Curie trong khuôn khổ một chương trình hợp tác giáo dục. Hai năm sau, ông kết hôn với một cô giáo người Việt Nam và coi đây là quê hương thứ 2 của mình.

Hằng ngày, tận mắt chứng kiến những cảnh khổ cực mà người dân Việt Nam phải chịu đựng và cả tội ác do bè lũ tay sai thực dân cùng chính quyền ngụy Sài Gòn thực hiện, Jean Claude Pomonti không kìm được lòng. Ông đặt quyết tâm phải để cho dân Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung biết sự thật những gì đang diễn ra tại quốc gia Đông Dương này.

Vậy là từ giã nghề giáo viên, năm 1968, ông xin dự tuyển vào nhật báo Le Monde và trở thành đặc phái viên của tờ báo này trong suốt 30 năm sau đó. Những năm đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, Jean Claude Pomonti đã viết hàng trăm bài báo khiến chính quyền ngụy Sài Gòn tức tối, ra lệnh trục xuất ông khỏi miền Nam Việt Nam ít nhất là hai lần (lần thứ nhất vào năm 1973 và lần thứ 2 vào cuối năm 1974).

Song dù bị đe dọa, gây áp lực từ nhiều phía, nhà báo này vẫn không chùn bước. Nhờ sự trợ giúp của bạn bè trong giới làm báo, Jean Claude Pomonti tiếp tục thu thập các tài liệu về chiến tranh Việt Nam và có những bài viết sắc bén, phản ánh quan điểm của Chính phủ Pháp trong thời gian này là không tán thành Mỹ mở rộng hay kéo dài chiến tranh Việt Nam. Chưa hết, ông còn thẳng thắn bình luận về những gì đế quốc Mỹ đang làm và cảnh báo về sự tiêu vong của chế độ chính quyền ngụy Sài Gòn.

Nhà báo Jean Claude Pomonti kể: "Năm 1968, khi vừa được nhận vào làm ở tờ Le Monde, qua một người bạn, tôi đã may mắn được làm quen với ông Ẩn tại khách sạn Continental ở Sài Gòn. Lúc này, ông ấy đang làm phóng viên cho tạp chí Time. Ông Ẩn ở trong một căn phòng tại tầng 1, còn tôi ở phòng tầng 3. Sau cuộc gặp này, chúng tôi thường trao đổi thông tin và nói chuyện với nhau tại nhà hàng Givral ở đối diện".

Ngay từ cuộc gặp đầu tiên, Jean Claude Pomonti đã bị lôi cuốn bởi nhà báo sắc sảo và đầy tài năng Phạm Xuân Ẩn. Ông nói: "Khi đó, tôi có cảm giác ông Ẩn không chỉ là một nhà báo mà còn là một nhà phân tích và dự báo những diễn biến phức tạp của cuộc chiến. Ông Ẩn có một trí nhớ tuyệt vời và là một nhà chiến lược cực kỳ giỏi. Tôi có thể hỏi ông về bất cứ sự kiện nào. Ông thật sự là một nhân vật lạ lùng, kỳ diệu".

Và điều khiến nhà báo Jean Claude Pomonti khâm phục ông Phạm Xuân Ẩn không chỉ bởi kiến thức uyên thâm mà còn bởi tình bạn sâu sắc thủy chung.

Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm cách đây hơn nửa đời người, Jean Claude Pomonti xúc động nói: "Ông Ẩn không những là một nhà báo, nhà tình báo giỏi mà còn là một người bạn trung thành, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác. Khi tôi mới chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, ông Ẩn đã cho tôi những lời khuyên bổ ích, chí tình, khiến tôi không còn cảm thấy bỡ ngỡ".

Trầm ngâm một lúc, nhấp ngụm rượu vang đỏ, phóng mắt nhìn ra xa, giọng của nhà báo Jean Claude Pomonti bỗng chùng xuống. Ông bảo, điều mà ông ân hận nhất là sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất (năm 1975), ông chỉ có dịp trở lại Việt Nam khi đất nước chúng ta bước vào công cuộc đổi mới.

Ông đã có nhiều bài viết khách quan, thiện cảm về nỗ lực vươn lên của Việt Nam và gia nhập cộng đồng quốc tế. Nhưng ông đã bỏ lỡ mất 14 năm (1975-1989) mà Việt Nam gặp khó khăn nhất trong việc khôi phục kinh tế sau chiến tranh. 14 năm đó, do cách trở về địa lý, lại không dễ dàng có các phương tiện thông tin như bây giờ, nên ông đã không gặp được người bạn cũ Phạm Xuân Ẩn.

Và cũng như bao người khác, Jean Claude Pomonti đã thực sự bất ngờ khi biết ông Phạm Xuân Ẩn là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian chiến tranh và sau này được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND với quân hàm cấp Thiếu tướng. Ông kể: "Chúng tôi đã mừng rỡ khi gặp lại nhau vào năm 1989. Kể từ đó, tôi đã may mắn có được nhiều thời gian tiếp xúc với ông Ẩn và nghe kể chuyện về quá trình hoạt động cách mạng của ông".

Thế là, từ những lời tâm sự của người bạn cũ, với tấm lòng khâm phục Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, cộng với tình yêu và sự gắn bó với đất nước Việt Nam, Jean Claude Pomonti đã đi lại như thoi giữa Hà Nội, Paris, Bangkok trong 10 năm để ấp ủ kế hoạch viết cuốn sách về người điệp viên vĩ đại Phạm Xuân Ẩn. Trong suốt tháng 1/2006, ông đã được Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trải lòng về những gì ông phải đối mặt và trải qua trong cuộc đời làm điệp viên.

Đó cũng là lần cuối cùng Jean Claude Pomonti được gặp ông Phạm Xuân Ẩn (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn mất tháng 9/2006, thọ 80 tuổi). Cuối năm đó, với sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Editions des Equateurs, nhà báo Jean Claude Pomonti đã cho ra mắt cuốn sách viết về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn mang tên "Một người Việt thầm lặng". Trong lời tựa đề, Nhà xuất bản Editions des Equateurs đã cho ghi: "Cuốn sách này là câu chuyện về một điệp viên hoàn hảo".

Nói về duyên nợ của mình với Việt Nam, nhà báo Jean Claude Pomonti khẳng định: "Tôi đã từng sống tại Sài Gòn và tôi biết rõ miền Nam Việt Nam. Tôi đã đi rất nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam vào những năm gần đây. Tôi cũng có viết nhiều sách khác về Việt Nam, mà cuốn đầu tiên được xuất bản đầu năm 1970. Riêng Thủ đô Hà Nội, tôi đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp cổ kính và yên bình”. Trước khi xuất bản cuốn "Một người Việt thầm lặng", nhà báo Jean Claude Pomonti đã viết 2 cuốn sách về chiến tranh Việt Nam mang tên "La Rage d'être Vietnamien" (Cuồng nhiệt trở thành người Việt Nam) xuất bản năm 1974 và cuốn "Vietnam, communiste et dragons" (Việt Nam, cộng sản và những con rồng) xuất bản năm 1994.

Ông còn viết chú thích cho cuốn sách ảnh của nhà nhiếp ảnh Pháp Philippe Picquier nhan đề “Vietnam quand l'aube se lève” (Việt Nam lúc rạng đông) xuất bản năm 1997. Hiện nhà báo Jean Claude Pomonti đang sống tại Bangkok (Thái Lan). Ông cùng một nhóm người lập tờ báo mạng Focus Asie du Sud-Est (Tâm điểm về Đông Nam Á), chuyển tải và phân tích những diễn biến mới nhất ở khu vực mà ông đã có dịp khám phá và yêu quý.

PV: Là người đã viết sách về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, ông có nhận xét gì về nhà tình báo, nhà báo này?

Jean Claude Pomonti: Tôi quen biết ông Phạm Xuân Ẩn từ năm 1968 khi mới chân ướt chân ráo tới Sài Gòn nhưng đáng nhớ nhất vẫn là 15 năm cuối đời của ông ấy. Ông Phạm Xuân Ẩn là một người cực kỳ thông minh, trung thực và có khả năng phi thường trong việc chia các lĩnh vực cuộc sống. Ông là một nhà tình báo nhưng không ai biết được điều đó. Ông ấy phân biệt rạch ròi về cuộc sống tình báo và cuộc sống đời thường. Vì thế, dù quen rất nhiều người Mỹ nhưng ông không bao giờ để họ tóm được. Thật là một nhà tình báo hoàn hảo.

PV: Ông ngưỡng mộ điều gì nhất ở Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn?

Jean Claude Pomonti: Tôi khâm phục ông Phạm Xuân Ẩn không chỉ ở khả năng cung cấp thông tin mà còn ở khả năng tổng hợp những thông tin đó. Đặc biệt, tôi ngưỡng mộ khả năng phân tích các sự việc và tình hình lúc bấy giờ của ông Phạm Xuân Ẩn.

PV: Hoàn thành tâm nguyện với cuốn sách về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, ông có ý định viết thêm những cuốn sách nào về Việt Nam nữa không?

Jean Claude Pomonti: Cách đây 5 năm, từ khi nghỉ hưu, tôi quyết định về sống ở Bangkok để có điều kiện thường xuyên đi thăm các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Campuchia, Malaysia và Việt Nam. Sau khi ông Phạm Xuân Ẩn mất, tôi cũng đã trở lại Việt Nam nhiều lần vì tôi có visa Việt kiều 5 năm (cười). Tôi thích được tìm hiểu và khám phá thêm về vẻ đẹp của đất nước các bạn.

Huyền Chi

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Sau gần 10 tháng khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can đối với cựu Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng về hành vi nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文