Nhà giàu cũng xài... bếp than

17:45 04/01/2009
Ở Hà Nội, những người giầu dùng bếp than tổ ong nhiều lắm, nhiều không kể hết. Có khi họ còn dùng than nhiều hơn cả những người nghèo ấy. Bởi bếp than có thể cháy quanh năm suốt tháng không bao giờ tắt mà không tiếc, còn người nghèo, họ chỉ nhóm bếp khi nào cần đun nấu một món gì đấy cần đến nhiều lửa, xong rồi thôi. Những gia đình khá giả mua than tổ ong không hẳn để họ dùng. Thường thì họ mua cho người giúp việc ở nhà ninh hầm một món nào đó mất nhiều thời gian...

Những ngày này, đi trên đường phố Hà Nội, chúng ta vẫn bắt gặp ở đâu đó, ngay cả trong những khu phố cổ đẹp đẽ hình ảnh của những chiếc bếp than tổ ong nghi ngút khói. Cứ tưởng khi đời sống đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, nhiều gia đình sẽ từ bỏ cái bếp than cũ kỹ, ô nhiễm và nồng nặc khói, vậy mà nó vẫn cứ tồn tại, nếu không nói là người dùng bếp than hiện nay vẫn ngày càng nhiều hơn.

Hẳn không ít người khi chứng kiến ở nơi này, nơi kia, người dân Hà Nội thổi lửa nhóm chiếc lò than sẽ nghĩ tới một "nét văn hóa than tổ ong" nho nhỏ nào đó của người Hà Nội.

Còn tôi thì cho rằng, người dân của "thành phố xanh", "thành phố vì hòa bình" dùng bếp than tổ ong cũng chẳng phải vì một nét văn hóa gì cả, mà thực chất, nó xuất phát từ cái đức tiết kiệm, từ một chút ích kỷ, thiếu hiểu biết và một chút tư duy tiểu nông vẫn còn rơi rớt trong suy nghĩ của những người dân đất Hà thành…

Phải thú thực là tôi rất bất ngờ khi nghe được câu nói của anh bán than tổ ong dạo "chuyên nghiệp" ở một quán nước vỉa hè, rằng: Ở Hà Nội hiện giờ 10 gia đình thì có tới 7, 8 gia đình còn đun than tổ ong. Mà không chỉ những gia đình nghèo, không có tiền trả tiền điện, tiền gas hằng tháng mới dùng than tổ ong để tiết kiệm tiền cho gia đình đâu nhé. Ngay cả những gia đình thuộc hàng giầu có, đi xe ôtô sáng bóng, ở nhà lầu lát đá hoa sạch bong, nhưng trong nhà bếp, cái bếp than tổ ong vẫn không bao giờ tắt lửa.

Những người bán than như thế này chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp ở bất cứ đâu trong lòng Hà Nội.

Tôi đã không tin cái lẽ nghe có vẻ rất phi lý và khôi hài ấy, nhưng rồi cùng người bán than đi dạo bát phố, vào từng gia đình đun bếp than thì tôi đã tin cái sự thực vô cùng kỳ lạ ấy là có thật.

Vào lúc 2h chiều một ngày cuối tháng 11 se lạnh, chiếc xe chở than của anh Nguyễn Công Phúc, chàng trai đã đi bán than dạo ở Hà Nội 11 năm, quê ở Hưng Yên đã vượt qua quãng đường 4,5 cây số từ chân cầu vượt Vĩnh Tuy tiến về phố Lò Đúc, rồi rẽ qua phố Hàng Chuối.

Buổi sáng, Phúc cũng đã bán hết một chuyến hơn 300 viên than trên mạn khu vực cầu Long Biên. Nhìn Phúc đẩy chiếc xe bò không càng nặng nhọc đi trên phố nườm nượp người xe cứ khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh anh cu Tràng trong truyện ngắn Vợ Nhặt của cố nhà văn Kim Lân.

Phúc bảo anh đã có vợ ở quê và tôi cứ tin anh không thể cưới cô vợ của mình trong tình huống giống như tình huống của Tràng trong truyện ngắn Vợ Nhặt được. Bởi đi bán than, mỗi ngày kiếm được cả trăm ngàn thật đấy, nhưng cái công việc nhếch nhác, bẩn thỉu và lang bạt kỳ hồ của người bán than như anh thì không phải ai cũng thích, không phải ai cũng sẵn sàng đồng ý về làm vợ được...

Sau hàng giờ đồng hồ lẽo đẽo đi theo sau chiếc xe chở than của Phúc từ con phố này sang con phố khác, vừa quan sát vừa ngắm nhìn cái công việc có vẻ rất đơn điệu của Phúc là bốc than ra rồi lại xách than đi. Cứ đều đều, đi được khoảng từ 15 đến 20 mét, anh lại dừng bảo tôi trông xe còn anh thì xách những bao tải than biến mất vào những con ngõ sâu hun hút. Khoảng 5 phút sau anh lại xuất hiện, khi thì với khuôn mặt rạng ngời, lúc thì mặt mày tím tái.

Mãi sau đó anh mới giải thích rằng, vào nhà nào bán than rồi đòi được tiền nợ thì vui cười, còn không, nếu chủ nhà khó quá cứ khất lần nhiều thì không vui được. Rồi anh kể, mấy năm đầu mới vào nghề, năm nào cũng mất 2,3 triệu do gặp khách khó đòi hoặc vì… quên địa chỉ mà không đòi được nợ. Sau này có kinh nghiệm thì mỗi năm chỉ mất vài ba trăm nghìn, chủ yếu do những người già lẫn cẫn, nợ thì vẫn còn đó nhưng nhất định bảo đã trả rồi. Vậy là đành chịu mất, không cãi lại những cụ già được.

Lẽo đẽo đi theo Phúc cả mấy con phố, tôi chỉ được đứng ngoài vì Phúc sợ tôi đi theo vướng chân. Vậy là chờ Phúc đi khuất, tôi lẽo đẽo theo sau, như để khám phá cái bí mật của thành phố hoa lệ mà chỉ những người bán than dạo mới biết tường tận này.

Vừa đi được một đoạn, thấy anh dừng lại trao đổi gì đó với một phụ nữ khoảng 60 tuổi đi xe đạp như đi chợ. Người phụ nữ trao cho Phúc chùm chìa khóa sáng bóng có vẻ tin tưởng lắm rồi lại đạp xe đi tiếp. Cầm chìa khóa, Phúc tiếp tục đi vào, mở cổng, xếp than vào cái thùng xốp trong bếp rồi đi ra. Khi đã xếp đủ mấy chục viên than cũng là lúc người phụ nữ đi chợ về, trả Phúc tiền rồi hẹn một ngày nào đó lại quay trở lại.

Tôi thấy lạ trước việc bà chủ nhà trao cho Phúc chùm chìa khóa nhà với cả gia tài của mình, thì anh giải thích: nhiều khách hàng đã lấy than của anh cả chục năm rồi, họ tin tưởng lắm. Khi nào bận, họ trao cho cả chìa khóa, cứ xếp cho họ đủ than, rồi về thì họ trả tiền. Chả sợ mất mát gì cả.

Đến đầu phố Hàng Chuối, Phúc lại cho xe dừng và xếp than vào chiếc bao tải. Lần này anh chuyển than vào một ngôi nhà hai tầng cổ kính, trông rất đẹp. Trong nhà chỉ còn bà cụ già, lưng đã còng, nhưng đôi mắt thì rất tinh tường. Cụ đưa Phúc vào một góc khuất xếp than vào đó rồi lại đi ra ngồi ngoài hiên nhìn lên phía tường rào như đếm từng tia nắng.

Tôi ngạc nhiên quá vì chủ nhân của ngôi nhà này hẳn không thiếu gì tiền lại đi đun bếp than tổ ong thì Phúc giải thích: Ở Hà Nội này, những người giầu dùng bếp than tổ ong nhiều lắm, nhiều không kể hết. Có khi họ còn dùng than nhiều hơn cả những người nghèo ấy chứ. Bởi bếp than của họ có thể cháy quanh năm suốt tháng không bao giờ tắt mà không tiếc, còn người nghèo, họ chỉ nhóm bếp khi nào cần đun nấu một món gì đấy cần đến nhiều lửa, xong rồi thôi.

Tuy nhiên, những gia đình khá giả họ mua than tổ ong không hẳn để họ dùng. Thường thì họ mua cho người giúp việc ở nhà ninh hầm một món nào đó mất nhiều thời gian. Cũng có thể họ mua để cho bố mẹ già ở nhà sử dụng, bởi những người già thường thấy đun bếp than là an toàn nhất, chứ không phức tạp và nguy hiểm như cái anh bếp gas hay bếp điện, sơ sẩy một cái là xảy ra hỏa hoạn hoặc điện giật chết người…

Chỉ sau một thời gian ngắn lang thang trên phố với chiếc xe chở than, tôi đã bắt gặp cả chục xe than của những người bán than dạo khác: Người thì đi ngược, người đi xuôi, ai cũng có những khách quen của riêng mình. Có lẽ Hà Nội còn quá nhiều người dùng bếp than tổ ong nên mới có nhiều lao động ngoại tỉnh mưu sinh bằng nghề bán than tổ ong đến vậy.

Đúng là trong cuộc sống tràn đầy vật chất và tiện nghi ở thành phố, việc chứng kiến những chiếc bếp than cũ kỹ, dù mang đầy ô nhiễm xuất hiện trong lòng Thủ đô, hẳn vẫn khiến nhiều người thích hoài niệm nghĩ đến những hình ảnh thật đẹp. Nhất là khi những cơn gió heo may đầu tiên tràn về, hình ảnh những bếp than, rồi khói tràn ngập những con phố có điểm gì đó thật gần với những hình ảnh khói lam chiều của một vùng quê thanh bình nào đó.

Thế nhưng, hẳn ai đó sẽ lại rùng mình nếu biết rằng, cái bếp than tổ ong ấy có thể khiến môi trường không khí trong gia đình bị ô nhiễm cao hơn gấp 300 đến 400 lần mức ô nhiễm bên ngoài!

Vậy mà cách đây không lâu khi vào Bệnh viện K Hà Nội, nghe một bác sỹ nói rằng, nếu tính tỷ lệ phần trăm bệnh nhân ung thư trên đầu người, thì Hà Nội là địa phương có tỷ lệ bệnh nhân ung thư cao nhất nước, chứ không phải là Thạch Sơn (Phú Thọ), hay Minh Đức (Hải Phòng) như báo chí vẫn nêu, tôi đã không tin hoặc tin một cách đầy ngờ hoặc.

Hóa ra cái khí than tổ ong mà người dân Hà Nội, từ người giầu cho tới người nghèo vẫn cứ hay dùng lại là nguyên nhân của hàng chục căn bệnh ung thư. Hẳn đại đa số những người đang dùng bếp than tổ ong ở Thủ đô không hay biết, bởi nếu biết họ đã không tự đầu độc mình và đầu độc những người thân trong gia đình. Vì vậy, với họ, cái bếp than tổ ong vẫn là một cái gì đấy thật hữu dụng, mà trông lại có vẻ rất thơ mộng và quê các nữa.

Cuối giờ chiều, chiếc xe đẩy chở hơn 300 viên than nữa của người đàn ông 11 năm bán than dạo lại hết veo. Anh lại kéo cái xe không trở về xưởng than dưới gầm cầu vượt Vĩnh Tuy với gương mặt đen nhẻm và quần áo thì thâm xì bởi bùn than. Tôi chào anh rồi trở ra phố Nguyễn Công Trứ lấy xe tôi đã gửi trước đó.

Một người dân trên phố lúc này đang mang bếp lò ra rìa đường quạt lửa. Khói từ chiếc bếp than bay lên, luồn vào những tán cây trên vỉa hè trông thật đẹp, đẹp như khói từ những trái bếp mà người dân quê tôi đun rạ vẫn tỏa ra vào mỗi cuối buổi chiều. Bất chợt một cơn gió nhẹ từ đâu thổi tới khiến cột khói bay tứ tung và một cái mùi cay cay, nồng nồng rất khó chịu xộc thẳng vào mũi. Tôi vội ôm mặt chạy thoát khỏi những tia khói.

Ở phía sau tôi, một chiếc xe máy cũng rú ga vọt lên. Và, có lẽ cũng vì khói quá nên anh chàng lái xe đã đâm ngay vào một người phụ nữ đi đối diện. Một cảnh nhốn nháo, hỗn loạn bắt đầu diễn ra trên phố. Ai cũng đổ lỗi tai nạn cho người kia, trong khi đó, chiếc bếp than - thủ phạm chính vẫn lặng lẽ cháy bên vỉa hè mà không ai để ý

Trọng Tuyến

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, chiều 25/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, Luật Quảng cáo 2012 cũng như dự thảo luật chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống trên báo chí, truyền hình mà chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến hiện đại, như quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Tik Tok..., khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong xử lý vi phạm.

Ngày 25/11, tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội phối hợp với Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT); Công an và chính quyền quận Hoàn Kiếm ra quân kiểm tra, chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông đường sắt (TTATGTĐS) tại khu vực “phố cafe đường tàu” đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng.

Đến 17h chiều nay 25/11, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn có mưa to, có nơi mưa rất to. Hai hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền và hồ chứa Tả Trạch vẫn đang cấp tập điều tiết xả lũ khiến nhiều vùng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngập lụt.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Ngày 25/11, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh, Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Ngoài hệ thống kế toán thuế công khai để nộp ngân sách, ba công ty trên còn lập hệ thống nội bộ, theo dõi thu, chi thực tế; mua bán hóa đơn, làm giảm tiền thuế phải nộp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 743 tỷ đồng.

Ngày 25/11, tại Công an tỉnh Bình Thuận, Cụm thi đua số 8 - Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2024. Đại tá Lê Quang Nhân - Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận và Thượng tá Lương Đức Minh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì Hội nghị.

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cảnh báo tới người dân.

Sau một tuần miệt mài tăng giá, kim loại quý bất ngờ quay đầu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới, mất tới 50 USD/ounce.

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文