Những câu chuyện cảm động từ quê hương cố Thủ tướng Phan Văn Khải

14:20 21/03/2018
Từ ba tháng nay, những buổi trà sáng ở đình làng Tân Thông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh nhưng trở nên trầm lắng bởi thiếu vắng tiếng cười nói hồn hậu của ông Hai Khải (tên thân mật của người dân làng Tân Thông Hội dành cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải).


Biết tin sức khỏe ông ngày càng xấu đi, người dân trong làng không ai không khỏi lo lắng, rồi không ai nghĩ đến cái ngày ông bỏ họ đi mãi mãi…

Dòng người lặng lẽ đến nhà riêng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, để thắp cho ông nén nhang, tưởng nhớ lại những kỷ niệm, những việc ông làm cho đất nước mà lặng lẽ quệt đi dòng nước mắt.

Suốt một đời cống hiến cho đất nước, khi trở lại quê nhà, ông vẫn luôn nhớ mình là một người con của Củ Chi, giữ cho mình một lối sống giản dị, gần gũi và chan hòa với bà con.

Người dân đến viếng cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại nhà riêng của ông.

Thẫn thờ, ông Nguyễn Văn Hưng (75 tuổi), người giữ đình làng Tân Thông Hội chỉ bức bình phong treo trên tường cho biết, đây là hai câu thơ do chính tay cố Thủ tướng Phan Văn Khải, viết: "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi - Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già".

Câu thơ gửi gắm tâm nguyện cả đời của ông. Ông Hưng bồi hồi kể lại, khi mới về đây, nhìn thấy cảnh đình làng hoang phế, đìu hiu sau nhiều phen bom đạn, cố Thủ tướng Phan Văn Khải tự nhủ phải phục dựng lại đình làng để người dân trong xóm còn có nơi sinh hoạt cộng đồng và chiêm bái thần linh.

Ông âm thầm lên Tây Ninh mang về những cây sao dầu trồng xung quanh đình cho người dân có bóng mát nghỉ ngơi. Có nơi nghỉ chân, đình làng dần dần trở lại là nơi sinh hoạt của dân làng. Thấy mái đình hư dột, cột kèo xiêu vẹo, ông ủng hộ tiền để xây dựng lại ngôi đình khang trang.

Người dân làng từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh, cứ sáng sáng, vị cựu nguyên thủ, người từng ở vị trí cao nhất của Chính phủ, lại giản dị đạp xe điện đến đình làng uống trà cùng các vị cao niên trong làng, hỏi thăm những chuyện sinh hoạt, công ăn việc làm, việc học hành một cách bình dị, gần gũi…

Bà Mai Thị Bé (61 tuổi, xã Tân Thông Hội) quệt dòng nước mắt, 15 năm về sống hòa mình với bà con làng quê Tân Thông Hội, ông Hai Khải đã làm biết bao nhiêu việc để đời sống người dân vùng quê nghèo trở nên đỡ cực hơn.

Như con đường này, trước đây là đường đất đỏ, mỗi khi mưa xuống là lầy lội bẩn thỉu, trẻ con đi học, người lớn đi làm khó khăn, vất vả vô cùng. Thấy thế, ông đứng ra vận động và bỏ tiền tráng nhựa nhiều con đường trong xã để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Ngày con đường khánh thành, nhiều người dân còn ngỡ ngàng như trong mơ, không tin rằng xã mình giờ đã có đường rải nhựa. Không chỉ làm đường, cách đây 4 năm, ông Hai Khải còn kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cho xã một trường tiểu học.

Từ đó đến nay, hàng trăm học sinh của xã đã có nơi học hành khang trang, không phải đi học xa nữa. Ông Hai Khải luôn khuyến khích con em của các hộ dân trong làng cố gắng học hành.

Con em trong làng học giỏi nhưng chưa có việc làm, ông tìm cách giúp đỡ tìm việc. Gia đình em nào hoàn cảnh khó khăn, ông động viên bằng những học bổng hỗ trợ suốt thời gian theo học.

Anh Nguyễn Văn Trung (49 tuổi, ngụ xã Tân Thông, Củ Chi), kể lại, ông có đứa con gái đậu đại học. Mừng quá, lúc uống trà ông khoe với ông Hai Khải. Thế nhưng khi trường thông báo học phí, nhắm sức mình không lo nổi, ông đành cho con nghỉ học.

Biết chuyện, ông Hai Khải đề nghị hỗ trợ tiền cho con ông Trung trong suốt bốn năm. Không chỉ giúp quê hương mình bớt phần cơ cực, những gì trong sức mình có thể làm để giúp mọi người là ông Hai sẵn lòng.

Bà Bé kể, ngay cả vợ chồng bà cũng nhiều lần được ông Hai Khải giúp mới có thể vượt qua những túng thiếu ngặt nghèo. “Bà con ở đây không ai không biết về bác Khải, mọi người khi nhắc đều cảm phục, biết ơn cố Thủ tướng nhiều lắm!" – bà Bé nói.

Điều đáng quý nhất đối với người dân Củ Chi là vị nguyên thủ luôn quan tâm sâu sắc với mọi người xung quanh. Với người dân làng Tân Thông, ông còn là một vị ân nhân giúp đỡ biết bao nhiêu hoàn cảnh cơ cực.

Ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi) bạn học thuở thiếu thời với ông Hai Khải kể, hồi nhỏ ông Khải sống với ông ngoại tuổi thơ cơ cực, ông Hai Khải theo chân ngoại cắt cỏ, chăn trâu, bắt cá…

Cùng ông ngoại làm đủ nghề để kiếm đủ cái ăn và được cắp sách đến trường. Lớn lên thấu hiểu nỗi đau đất nước chia cách, ông Hai Khải giác ngộ và đi theo cách mạng. Cả đời lo cho đất nước, về hưu, về lại quê hương, ông Hai Khải không quên được cái chất nông dân của mình, ông sống hòa mình với bà con chòm xóm.

Dường như không có khoảng cách giữa một vị nguyên thủ và người dân. Sống giản dị với quê nghèo, làm vườn nhổ cỏ, chăm sóc cây ăn trái. Cây trái xum xuê trúng mùa, chẳng nề hà chuyện mình từng là Thủ tướng, ông hái, gói ghém cẩn thận đem biếu bà con gần nhà, hưởng trái ngon đầu mùa lấy thảo.

Trong xóm, trong làng, người bệnh tật, đau ốm, tang gia, ông đều  thăm lo cho mọi người. Nhà có tiệc, bà con trong làng, trong xóm cũng được mời đến. Cốt cách một vị Thủ tướng thân tình, giản dị.

Bởi vậy, trong dòng người viếng đám tang ấy có nhiều người áo sờn vai, đậm chất nông dân cọc cạch đạp xe đến chỉ mong được thắp cho ông nén nhang tiễn biệt.

Dòng người vẫn đổ về nhà riêng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, trong đó có rất nhiều người mái tóc đã bạc phơ, miệng móm mém và đôi mắt đẫm lệ thắp nén nhang tiễn biệt một nguyên thủ quốc gia, một người bạn, người anh, người ông… đầy ắp nhân nghĩa với nhân dân…                 

Những người từng làm việc trực tiếp với ông nhìn nhận nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người hết lòng vì dân, vì nước, thực hiện tốt các ý tưởng cải cách, tạo thành chính sách để thúc đẩy kinh tế trong khi những người dân quê nhà cho biết, nguyên Thủ tướng sống chan hòa, gần gũi với bà con làng xóm. 

Là người có thời gian làm việc lâu năm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong vai trò Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Nguyên đánh giá, cố Thủ tướng là người “không ham mê quyền lực” và “lúc nào trong đầu óc cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân”.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và kiên quyết xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế. Dưới thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, những luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Khi tôi làm công tác Mặt trận Tổ quốc cũng có nhiều kỷ niệm với ông Sáu Khải. Vào năm 2000, chúng tôi phát động Ngày vì người nghèo. Ông Trần Đức Lương lúc đó là Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi, còn tôi phát động. Chính phủ và các bộ, ngành hưởng ứng thúc đẩy. 

Ông Sáu Khải rất hoan nghênh công việc của Mặt trận Tổ quốc. Các chương trình như xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh vách đất, làm nhà đại đoàn kết đều được ông hết sức ủng hộ. Có những lúc, ông đích thân phát biểu rồi thu băng để phát trên màn hình lúc giao lưu tổng kết chương trình, chính vì thế chương trình có sức nặng lớn. (PV)

M.Đức

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文