Những "điểm" sắp sụt lún tại TP HCM

17:36 23/10/2007
Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đang nằm ở mức báo động đỏ về nguy cơ sạt lở, nay lại thêm khu vực kênh Ba Bò (Thủ Đức) đối mặt với nguy cơ nhà cửa sẽ bị lôi xuống kênh khi mưa lớn. Rồi các công trình thi công làm lún sụt, nứt toác nhà cửa, tường rào ở quận 2 đang làm người dân lo lắng khi sống ở trong nhà mà không biết sụp đổ lúc nào…

Sáng 16/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo tìm giải pháp phòng, chống sạt lở khẩn cấp khu vực kênh Thanh Đa quận Bình Thạnh. UBND quận Bình Thạnh và Sở Xây dựng chịu trách nhiệm lên kế hoạch, xác nhận số hộ dân cần phải di dời khẩn cấp.

Quay về nhà cũ, tiếp tục buôn bán

Hai đoạn sông phải di dời là khu vực bờ sông thuộc khu vực phường 25 và 26, hành lang di dời là 7,5m tính từ bờ sông vào.

Quay lại khu vực bờ sông trên bán đảo Thanh Đa thuộc phường 25 và phường 26, ngày 18/10, chúng tôi thấy tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Dòng chảy của dòng sông Sài Gòn đã đâm thẳng vào nền đất mé bờ sông là tác nhân gây sạt lở; đất nền của các ngôi nhà ven sông đều bị nước xâm thực tạo ra nhiều lổ hổng như hàm ếch dưới đáy.

Dù đã được cảnh báo phía phường 25, nhiều hộ dân vẫn còn sống, sinh hoạt trên những ngôi nhà nghiêng lún ở sát mé kênh. Gần khu vực doanh trại quân đội, một số hộ dân ở mướn trong dãy nhà thuê làm nghề buôn bán hàng rong vẫn vô tư ở và chất hàng hóa đầy các căn nhà.

Khu vực này theo UBND phường 25 thì có đến 118 hộ cần phải di dời. Nhưng khi hỏi các hộ dân này về việc di dời, họ cho biết: "Chưa nghe phổ biến, chỉ mới nhận được giấy mời của khu đường sông đi họp vào sáng thứ 7 (ngày 20/10). Nhưng di dời đi chúng tôi làm cái gì để sống đây?".

Câu hỏi này của người dân cũng được chứng minh tại khu vực đường Tầm Vu  (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), phường 26. Tại khu vực xảy ra vụ sạt lở làm sập phần sau của 15 căn nhà cách đây hơn 3 tháng chúng tôi thấy một vài hộ vẫn sống trong các ngôi nhà này buôn bán.

Tại căn nhà số 801/70, chị Tạ Kim Hoàn vẫn loay hoay với quán cơm của mình. Toàn bộ vật dụng như tủ, bàn ghế vẫn được xếp trong nhà mặc dù phía sau nhà chị, một lổ hổng rộng gần 2m nước vỗ ì ọp và đằng trước, một vết nứt toác kéo dọc con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày một mở rộng miệng.

Chị Hoàn cho biết: "Về giữ đồ chứ để không ăn trộm ghé vô hoài. Tôi chỉ buôn bán vào buổi sáng thôi rồi tối về nhà ngoại ở. Ở khu tái định cư nhà nước cấp chẳng làm gì ra cái ăn cả. Tôi còn hai đứa con cần phải đi học!".

Ở phường 26 này có 108 căn nằm trong diện di dời vì  nằm trong vùng sạt lở. Nhưng người dân nơi này vẫn không lo lắng về việc bị sụt lún mà chỉ lo khi đến chỗ ở mới, liệu họ có thể sinh sống bằng nghề gì?

Thủ Đức, quận 2: Nhà rớt kênh, nền sập do công trình

Cống Ba Bò (kênh Thúi) nổi tiếng trên tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức nổi tiếng về mức độ ô nhiễm. Sau đợt mưa kéo dài thời gian qua, nước từ cống Ba Bò dâng cao, tràn ngập vào các nhà dân ven kênh làm một căn phòng trọ nhà bà Lâm Thị Chấm sập xuống lòng kênh. Ngoài ra, 5 phòng trọ kế tiếp có nguy cơ "rơi" xuống kênh khi tất cả các phòng này chân móng lòi hết ra ngoài.

Do tác động của mưa lớn, triều cường dâng cao đột ngột trong vài ngày tới, người dân nơi kênh thúi này phải đối mặt với nước và tìm cách chống dỡ nhà cửa. Nước mưa cộng với những đợt nước từ các khu công nghiệp tràn về gây ra sức công phá rất lớn làm người dân đang lo lắng, bất an điều dễ nhìn thấy là tại miệng cống Ba Bò, nước tràn tỉnh lộ 43 làm sập luôn miệng cống.

Vài tháng nay, người dân ở phường Thủ Thiêm, quận 2 liên tục kêu cứu khi nhà của họ bị lún nền, nứt tường chỉ bởi một nguyên nhân. Đó là việc thi công công trình hầm ngầm Thủ Thiêm (gói thầu 2 thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây ) đã gây chấn động, ảnh hưởng đến kết cấu các ngôi nhà quanh công trình. Ngoài ra, đơn vị thi công còn san lấp và ngăn dòng chảy rạch Cá Trê Lớn làm thay đổi dòng chảy.

Khi chúng tôi có mặt tại khu vực này, con đập ngăn dòng chảy đang được các công nhân tháo dỡ nhưng tình trạng lún sụt tại các nhà dân vẫn còn. Các nhà ở khu vực tổ 18, ấp cây bàng 1, tường nhà bị xé toạc được dặm vá sơ sài bằng xi măng. Nhiều căn nhà nghiêng rất rõ nhưng người dân vẫn sinh hoạt bên trong.

Người dân xung quanh nhà anh Nguyễn Đình Thới (ngụ số 14/9, ấp Cây Bàng 2) bị sập ngày 30/9 kể lại: "Căn nhà ông Thới sập xuống đè lên căn nhà kế bên làm sập luôn nhà bên. Quá may là không có người nào bên trong, chứ không…".

Đề cập đến chuyện đền bù, nhiều người dân than vãn: "Có đáng gì đâu! Nhà nào bị ảnh hưởng nặng thì chỉ được hỗ trợ 2-3 triệu đồng. Nhà nào nứt nhẹ thì được bôi bôi, trét trét chút xi măng là xong!".

Trong khi chờ giải tỏa trắng khu vực này, người dân nơi đây vẫn phải sống trong cảnh "đùa giỡn với tính mạng". Lại xuất hiện thêm nhiều căn nhà bị lún nứt, xé tường nhưng người dân cho biết họ chẳng biết đi đâu vì đã sống ở đây hàng chục năm, làm ăn buôn bán quen chỗ, đi chỗ khác coi như chết đói.

Vẫn còn nhiều điểm đen báo động nguy cơ sạt lở, đổ sập ở các quận 12, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh mà người chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là những người cư ngụ ở đây. Điều đáng nói là người dân dường như quen dần với mối nguy hiểm này và phó mặc sinh mạng của mình đến đâu hay đến đó. Đó là người dân, còn trách nhiệm của chính quyền thì sao?

Nghinh Phong

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文