Những người "câu xác" trên sông

15:51 05/07/2009
Cách thị xã Sơn Tây chừng 20km có một ngôi làng cổ nằm nép mình bên cạnh dòng sông Hồng, nơi đây không chỉ sản sinh ra những người nông dân yêu đời, đam mê nghệ thuật, cứ buông tay cày tay cuốc là cầm cọ vẽ tranh. Ngôi làng còn sinh ra những người dân tốt bụng, hiệp nghĩa, quanh năm làm việc cứu người trên sông khi họ chẳng may gặp nạn. Nhiều người biết tên làng là Cổ Đô, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.

Phận người sông nước

"Bác cho tôi hỏi đường đến xóm Vạn". "Đi ra đê, xuôi xuống chừng vài trăm mét là nhìn thấy. Đi đâu, tìm xác người hả?". "Không, tôi đi…". "Đúng rồi, phải mất tiền đấy. Mấy hôm trước, mấy tay thợ lặn vớt được một cái xác, gia chủ phải trả 20 triệu đồng".

Tôi cảm ơn, tiếp tục đi. Những lời về Cổ Đô nhiều quá, không biết thật giả thế nào. Tôi tìm đến nhà một lão ngư, bao năm dạn dày nắng gió sông nước. Da dẻ ông đỏ au, cơ bắp gân guốc, chòm râu phơ phất bạc. Đôi mắt ông là đôi mắt của người đã trải nhiều can qua. Ngôi nhà của ông bề bộn những tấm lưới cũ, mới, là vật để kiếm cơm cho gia đình trong những ngày tháng tất tả mưu sinh này.

Ông là Lê Văn Đức, 74 tuổi, khi sinh ra đã ở trên thuyền, năm 10 tuổi biết kiếm những con tôm con cá đầu tiên. Ngồi nói chuyện với ông, khi ông chưa pha xong ấm trà thì những lão ngư hàng xóm chạy sang góp chuyện. Chỉ có những người già, giàu kinh nghiệm mới hiểu hết những thăng trầm của xóm mình, đời mình, đời con cái mình.

Phần lớn những phóng viên đến với Cổ Đô đều nói sai về làng. Đây không phải là một ngôi làng nhỏ và tất cả dân làng đều vớt xác. Qua tìm hiểu, tôi được biết Cổ Đô là ngôi làng đông dân, trong đó có một xóm vạn chài, vẫn được người dân gọi là xóm Vạn, gồm gần 100 hộ dân sống bằng nghề chài lưới và đánh cá trên sông Hồng, đoạn chảy qua xã Cổ Đô.

Ngay cả những người cao tuổi nhất của xóm Vạn cũng không rõ nghề chài lưới trên sông có từ bao giờ. Ông Lê Văn Đức cho biết, thời cụ thân sinh ra ông còn sống nói lại rằng, nghề chài lưới đã có từ nhiều đời trước. Họ sống lênh đênh sông nước trên những chiếc thuyền nhỏ, đánh được cá thì mang lên bờ bán rồi lại xuống thuyền, mọi sinh hoạt đều diễn ra ở đó.

Họ không có đất nông nghiệp để trồng cây, cấy lúa. Cuộc sống phụ thuộc vào sông nước và thời tiết. Nhưng người dân vẫn cần mẫn làm việc, tích cóp để mua lấy một tấc đất trên bờ, để khi về già, không đi sông được nữa thì có chốn mà sinh sống.

Ông Lê Văn Đức nói:"Trước đây tôi mua đất ở tận xã dưới để dựng tạm căn nhà tránh mưa tránh bão. Nhưng hẹp quá, lại phải dành thêm tiền về Cổ Đô mua đất làm nhà rộng hơn. Tôi có 5 đứa con, đứa nào cũng làm nghề đánh cá trên sông cả. Chúng nó cũng tính mua đất để làm nhà trên bờ từ lâu. Gia đình nào nghèo nhất cũng phải cố gắng có một tí".

Sống trên thuyền, mọi sinh hoạt đều khó khăn vất vả. Thế nhưng, những người dân vẫn sống và sinh con đẻ cái từ đời này qua đời khác. Họ đã "tân tiến" hơn là nghĩ cách làm sao phải có nhà trên đất liền. Dòng sông Mẹ dường như cũng ủng hộ họ, để họ làm và có của ăn, của để, sống lương thiện và tin tưởng vào lớp con cháu sau này sẽ khác.

Những người tình nguyện vớt xác

Đối với những người chài lưới xóm Vạn, việc thấy người chết đuối trên sông chẳng bao giờ là lạ lùng. Là đàn ông, ai đã từng làm nghề thì đều thấy người chết đuối và ra tay cứu giúp. Xóm Vạn là dân theo đạo Công giáo, nên họ lấy việc cứu giúp người làm phúc, để sau này được hưởng niềm vui ở nước Thiên Đàng.

Dòng sông có lúc hiền hòa, êm đềm, nhưng nguy hiểm lúc nào cũng rình rập. Khi tôi ngỏ ý muốn hỏi rằng, tại sao một số người dân lại gọi xóm Vạn là xóm "câu xác người", và ở đây đã hình thành "nghề câu xác như thế nào?".

Cuộc sống thường ngày của dân xóm Vạn.

Ông Đức lắc đầu bảo: "Câu xác người hay vớt xác người là có. Dân chúng tôi thường xuyên gặp những người bị nạn trên sông. Họ có thể chưa chết và chúng tôi cố gắng cứu được, giành giật với Hà bá. Những người đã chết, chìm dưới nước thì chúng tôi làm phúc vớt họ lên, trao cho gia chủ. Còn đã hình thành một nghề là không có. Khi vớt, chúng tôi không nghĩ đến việc người ta trả công thế nào. Có người cảm ơn bằng một bữa chén, có người chẳng được lời cảm ơn. Ròng rã nhiều năm, dân chúng tôi cứu được người sống, họ đi lại, thành thân thiết. Nhiều người có thêm con nuôi, đi lại với nhau, vui vẻ lắm…".

Ông Đức say sưa nói, với một sự mộc mạc hiếm thấy. Bà Nghiệp vợ ông ngồi bên cạnh, thi thoảng lại nhắc thêm những chuyện ông đã quên. Ông Đức không nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người thoát chết, vớt bao nhiêu người chết chìm dưới sông, bao nhiêu người mà ông buồn bã vì không tìm thấy xác.

Nhưng ông khẳng định nếu còn sông nước thì sẽ không bao giờ hết những người xấu số, bị Hà bá rút chân làm mồi. Cụ thân sinh ông cũng đã cả đời cần mẫn như vậy, cứu giúp người bị nạn, trước khi mất cũng trăng trối cho con phải vì người mà không nề hà. Và như thế, ông không bao giờ "hốt"(sợ), thấy người nạn là nhanh chóng lao ra.

Tôi thắc mắc, có nhà báo nói người dân ở xóm Vạn chài mỗi năm vớt được cả trăm cái xác, xác người ở đâu mà nhiều vậy? Tôi cũng bạo dạn hỏi về cái "nguồn", tức là người dân đã làm gì, như thế nào để đến nỗi phải gặp nạn trên sông?

Những người có mặt trong nhà ông Đức nói: "Ở đâu mà nhiều thế, thế thì dân ta toi cả à. Năm nào nhiều lũ thì chỉ vài chục người. Còn ở những tỉnh xa khác thì ai thống kê làm gì. Nói gì cũng phải đúng sự thật" (Tôi lại nhớ đến bài viết của một phóng viên nọ, đã nói quá con số người chết, có thể để cho bài viết hấp dẫn hơn, nhưng không đúng với những thông tin người dân cung cấp).

Bà Nghiệp vợ ông Đức nói thêm: "Người bị nạn là những em học sinh nghỉ hè ra sông tắm, những đôi lứa yêu đương rủ nhau ra bãi cát rồi bị sụt, những người dân sang bãi giữa sông làm ruộng, chở ngô bị đắm, những con thuyền chở khách quá tải… Có những người dân chúng tôi cứu sống được, có người không may mắn, chúng tôi chịu bó tay. Ông nhà tôi cứu được nhiều người, có hai người vẫn thường xuyên đi lại, tình cảm lắm…".

Ông Đức dẫn tôi đến nhà ông Lê Văn Hà, ông Hà có vẻ giống một thầy giáo làng hơn là một lão ngư, vì ông sạch sẽ, trí thức. Nhưng không, ông cùng với bạn mình là ông Đức đã sống gần như cả đời trên sông nước. Có những đứa con sinh ở trên thuyền và chỉ nhờ hàng xóm giúp đỡ. Ông  Hà cũng là một trong số những lão ngư đức độ, sống không vị tiền, thấy người gặp nạn là cứu. Ông kể rằng, đời ông gặp rất nhiều người kém may mắn mắc nạn, bắt gặp nhiều cái chết thương tâm, không cầm được nước mắt.

Chỉ về phía dòng sông, ông Hà nói: "Không biết thì thôi, chứ chúng tôi biết gặp nạn là cứu. Thế mà có những người buôn bán, thấy chúng tôi gặp nạn đã làm ngơ. Ngày đó thuyền tôi bị vỡ, nếu họ cứu giúp thì đã chẳng mất bao nhiêu tấm lưới, là tài sản kiếm cơm của cả gia đình…".

Ông Hà kể, những lão ngư kỳ cựu như ông Thống, ông Lại, ông Thanh, đều là những người đạo đức, hiệp nghĩa, cứ thấy người gặp nạn là chẳng nề hà, lao xuống sông, dùng hết sức mà cứu giúp. Có người có thể ngụp lặn dưới nước hàng giờ đồng hồ để mò xác, hoặc dùng những mạng lưới lưỡi câu để quét ngầm dưới sông. Vật dụng chuyên dùng để đánh cá, khi có người chết chìm, nó được dùng để tìm xác. Vào mùa nước lên, nhiều người đuối, nhưng lại khó tìm.

Vào thời gian hiếm con cá, cái tôm, người dân sống đói nghèo, có người bỏ đi làm ăn xa, có người ngược lên sông Đà, sông Lô kiếm sống. Các lão ngư xóm Vạn nói rằng, mình chẳng bao giờ mong người ta gặp nạn, để cứu giúp và chờ trả ơn. Nhưng cuộc sống cứ tiếp diễn, những người dân kia vẫn phải tiếp xúc với sông và họ sẽ không gặp may. Những lão ngư lại bất đắc dĩ làm cái việc vớt xác, cứu người, song hành với việc chài lưới trên sông.

Đoạn sông chảy qua xã Cổ Đô, Phú Cường và vài xã lân cận có nhiều vụ đắm thuyền dẫn đến chết đuối, nhưng vụ đắm chiếc thuyền chở 120 người, chết 20 người và một thai nhi là 21, trong đó 4 người không tìm thấy xác là khủng khiếp nhất.

Vụ đó huy động gần như hơn nửa số đàn ông xóm Vạn, tích cực tìm kiếm nhưng vô vọng. Rồi vụ đắm đò Tản Hồng vào năm 1986 làm 7 người chết, trong đó có 4 người đàn ông và 3 người phụ nữ. Những người dân xóm Vạn không ai bảo ai đều hối hả lặn sông tìm xác.

Một số người nghĩ quẩn tự tử hoặc bị lũ bất ngờ cuốn trôi cũng xuôi dòng tới làng Cổ Đô. Nhiều cái xác đã bốc mùi, xác người nghiện… không ai dám động vào thì người dân xóm Vạn vẫn xắn tay làm phúc, như một cử chỉ đẹp an ủi người xấu số.

Phúc ở sông, họa cũng ở sông

Xóm Vạn, nhà nào cũng có một bộ đồ câu cá. Đó là một cuộn lưới quét dài 200m, được đính hàng trăm lưỡi câu cứng và sắc. Mỗi lưỡi câu thép dài khoảng 5cm, hai ngạnh chĩa ra. Khi dùng loại lưới này quét dưới lòng sông tìm xác, nếu chạm phải người là lưỡi câu mắc vào áo, vào thịt, cứ thế mà kéo lên.

Tôi thắc mắc với các lão ngư rằng, tại sao đi đến đầu làng đã có người nói về chuyện gia chủ mất tiền để thuê vớt xác. Các lão ngư nói rằng, hai năm nay, một số người dân xung quanh (không phải là dân làng Cổ Đô) đã sắm được bộ đồ lặn.

Trước khi được nhờ lặn xuống nước, họ mặc cả với gia đình người xấu số rằng họ sẽ lặn và cố gắng tìm, nếu không tìm thấy thì gia chủ trả 5 triệu, còn tìm thấy thì trả 20. Gia chủ không muốn cũng phải đồng ý, vì lúc này là chuyện bắt buộc.

"Như vậy, họ đã coi vớt xác là một nghề rồi, thưa ông?". - Tôi nói. Ông Hà bảo: "Thực ra người ta cũng ghê lắm. Lặn mò tìm dưới nước, lúc nào cũng có cái cảm giác sợ. Khi tìm được xác người là người lặn nhận tiền, đi ngay không dám ngoái lại vì sợ".

Đứng trước con sông, tôi đồng ý với những lão ngư của xóm Vạn rằng, sông đem lại phúc, mà cũng gây ra những tai họa. Đúng như lời một người phụ nữ của xóm: "Chúng em sống bằng cá tôm do sông cung cấp, nhiều người vì sông mà lại phải chết. Nhưng đó là chuyện của trời, dân chúng em chỉ biết sống thôi…".

Phải, con người đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để trị thuỷ, nhưng có những lúc con người bất lực trước thiên nhiên, sông nước. Những người xóm Vạn dù không muốn một ai phải chết, nhưng họ cũng chẳng thể có cách nào để đừng ai phải chết đuối.

Và họ vẫn một lòng tâm niệm: "Phải đưa tay ra với những người xấu số". Một nghĩa cử đẹp mà tôi thấy đáng học tập. Tạm biệt xóm Vạn Cổ Đô, những con thuyền nhỏ lênh đênh trên dòng sông đỏ, những đứa trẻ nghỉ hè í ới gọi nhau, như sự bình yên đã ngự trị ở chốn sông nước này 

Hải Miên

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文