Niềm vui của vùng đất nhiều... không

09:41 18/09/2015
“Dù chỉ mới nghe nhưng tôi thấy phấn chấn hẳn. Vui lắm! Nếu mọi điều kiện tiến triển tốt, trong năm 2016, hệ thống điện lưới quốc gia sẽ được kéo về nơi đây”, ông Trần Hữu Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh vui mừng thông tin.

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi về với những vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ở nơi được mệnh danh là “cổng trời”. Từ các làng Hà Giao, Kon Lót (huyện Vân Canh – Bình Định), chúng tôi bắt đầu luồn sâu vào những con đường hun hút, vắng hoe người qua lại, hướng về phía làng Chồm, làng Cát, làng Canh Tiến. “Làm khó” cuộc hành trình của chúng tôi là vô số đá, sỏi và cả đèo dốc cao, trơn trượt. Phải mất gần một giờ đồng hồ vượt đoạn đường 11km, chúng tôi đặt chân đến làng Chồm.

Nằm giữa rừng keo, làng Chồm yên ắng, tĩnh lặng. Bất giác, chúng tôi có cảm giác, tiếng nổ phát ra từ xe máy của mình trở nên quá ồn ào với nơi này. Bên khung cửa nhà sàn, một vài người dân đưa mắt nhìn chăm chú những người mới xuất hiện. Bà Đinh Thị Bích Liên (59 tuổi) lý giải: “Ngày thường, ngoài thầy cô giáo, chẳng có mấy người ghé làng. Vậy nên, thấy người lạ đến, bà con tò mò, quan tâm”.

Theo lời bà Liên, người lớn tuổi ở làng muốn về xã đều phải nhờ con cháu chở đi hoặc đi bộ. Nếu đi bộ, họ phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ - tất nhiên, ấy là chuyện của mùa nắng. Vào mùa mưa, chẳng ai muốn lội sình, nếu đó không phải là việc hệ trọng. Không chỉ ở làng Chồm, người dân làng Cát, Canh Tiến cũng chịu cảnh khó khăn tương tự. 

Đinh Thị Hép (24 tuổi, ở làng Hà Giao), cô giáo được phân công phụ trách lớp mầm non làng Cát khóa 2014 - 2015 vẫn chưa thể quên hình ảnh mình cùng đồng nghiệp vượt qua sình lầy để đến trường với học trò: “5 giờ 30 phút xuất phát, nhưng phải đến tận 7 giờ 30 phút, chúng tôi mới tới được trường trong bộ dạng dính đầy bùn đất”, cô Hép kể.

Chưa có điện, tivi chỉ  để “trưng bày”.

“Mong ước trước hết của người dân các làng còn lại là có đường bê tông để việc đi gieo con chữ của các thầy, cô giáo bớt cực, để lúc đau ốm nặng có thể đưa người bệnh đến trạm y tế bằng xe máy thay vì khiêng đi... Một con đường đẹp đẽ như con đường từ huyện dẫn về xã, từ xã về làng Kà Nâu, Kà Bưng. Dân làng vẫn đang chờ đợi...”, ông Đinh Văn Num (63 tuổi, làng Chồm) hướng mắt về con đường đất đỏ lẩn khuất giữa màu xanh, tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Canh Liên Đinh Văn Diễn cho biết, khó khăn về đường đi ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước của địa phương. Công văn, thông báo, giấy mời công vụ... bao giờ cũng đến tay người dân “trễ hẹn” hơn so với các nơi khác.

Bao năm nay, sóng điện thoại vẫn là điều gì đó xa xỉ với người dân ở 4 làng. Ở điểm trường thuộc làng Kà Bông, đưa mắt về phía ngọn đồi xa xa là có thể nhìn thấy trạm thu phát sóng điện thoại. Ở đây, người ta sắm điện thoại để đến các làng khác hoặc trung tâm xã - nơi có sóng - để liên lạc. Phụ huynh muốn liên lạc với con đang học xa nhà, đều phải tranh thủ gọi điện thoại khi đi ngang qua vùng có sóng. Giáo viên muốn biết thông báo của ban giám hiệu đều phải tranh thủ ghé qua bảng thông báo ở điểm trường chính mỗi chiều chạy về nhà. Lãnh đạo xã muốn liên lạc với người uy tín của làng phải nhờ người đưa tin...

3 tháng nay, thung lũng sâu thẳm dẫn về làng Chồm bỗng trở nên rộn vang bởi âm thành của máy ủi, máy đào đang ngày đêm “mở đường”. Đường từ dốc Nhớt làng Kon Lót đến giáp đường bê tông xi măng giai đoạn 2 dốc Chăm Chi (chiều dài 1.790m; tổng kinh phí đầu tư khoảng 8,3 tỉ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 30a) và đoạn từ dốc Chăm Chi đến làng Chồm (dài 1,2km với kinh phí khoảng 6,8 tỉ đồng, vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a) đã được triển khai. Dẫu con đường mới dừng lại ở tiến độ thi công hạ nền đường nhưng đây là một “dấu mốc” khởi đầu cho ước vọng vươn mình của bà con đồng bào Bana nơi đây.

Có mặt ở tuyến đường đầy khó khăn này, cán bộ, công nhân của các đơn vị thi công mới hiểu hết nỗi khó khăn mà đồng bào địa phương đang trải qua.

Đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối 4 làng còn lại lên hàng đầu, huyện Vân Canh đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư. Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Trần Hữu Biên, trăn trở: “Do địa hình phức tạp, bình quân mỗi km đường ở vùng cao này đòi hỏi mức đầu tư khoảng 10 tỉ đồng. Vì nguồn lực đầu tư quá lớn, địa phương không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn. Khâu xây dựng chấp nhận làm theo kiểu cuốn chiếu, đoạn nào khó thì làm trước”.

Thêm tin vui cho người dân ở làng Chồm, làng Cát, làng Kà Bông và làng Canh Tiến, tháng 4/2015, một đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc điện lực Đà Nẵng bất ngờ “đặt chân” xuống mảnh đất nơi đây để tiến hành khảo sát, lập kế hoạch đầu tư lưới điện quốc gia. “Dù chỉ mới nghe nhưng tôi thấy phấn chấn hẳn. Vui lắm! Nếu mọi điều kiện tiến triển tốt, trong năm 2016, hệ thống điện lưới quốc gia sẽ được kéo về nơi đây”, ông Trần Hữu Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh vui mừng thông tin.

Hoàng Nguyên

Ngày 21/4, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2025); Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2025 và sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí.

Liên quan đến vấn đề xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật hiện nay, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSND Xuân Bắc và Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do đã có những trao đổi cụ thể trong buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2025 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào chiều 21/4, tại Hà Nội.

Sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, sáng 21/4, HĐXX phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên giảm mức án cho bị cáo Trương Mỹ Lan từ chung thân xuống 30 năm tù, giữ nguyên  hình phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Chiều 21/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa khởi tố các bị can: Huỳnh Bá Phúc (SN 1961); Ngũ Thế Nghĩa (SN 1984, cùng ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ); Nguyễn Hữu Khoa (SN 1977, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sáng 21/4, tại TP Hạ Long, Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động phong trào thi đua học tập tấm gương dũng cảm hy sinh “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Liệt sĩ, Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, cán bộ Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh. Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì lễ phát động.

Trong vai trò là thành viên Tiểu ban An ninh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã sớm xây dựng kế hoạch, phân công Phòng Cảnh vệ miền Nam - cơ quan thường trực tại TP Hồ Chí Minh - chủ trì xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các hoạt động kỷ niệm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.