Ô nhiễm nước ở Nước Ngọt

15:26 23/09/2008
Từ đầu đến cuối thôn Phú Cường (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nơi nào các giếng nước cũng có màu đỏ gạch, có mùi hôi rất tanh. Chúng tôi nhúng tay vào thau nước đỏ gạch mà một người dân vừa mới bơm lên, trên bàn tay xuất hiện những nốt li ti mẩn đỏ và bắt đầu thấy ngứa.

Nước Ngọt - tên gọi thân thương từ bao đời nay về xã Lộc Thuỷ hiền hoà dưới chân đèo Phước Tượng, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Người dân nơi đây tự hào nhờ nguồn nước ngọt thơm cùng với đặc sản dầu tràm. Nhờ nguồn nước ngọt mà cây lúa tốt tươi, hạt gạo Nước Ngọt thơm ngon có tiếng và nhiều loại cây trái ngọt thơm…

Thế nhưng từ hơn hai năm nay, nguồn nước đột nhiên chuyển sang màu đỏ gạch, ruộng vườn thu hoạch giảm hẳn và chưa đầy 2 năm qua, hơn 10 người đang khoẻ mạnh bỗng đổ bệnh hiểm nghèo, nhiều người đã chết và nhiều người khác đang mang trong mình mầm bệnh…

Bệnh tật vì phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm

"Tự nhiên hai năm nay tất cả các giếng nước từ trong veo chuyển sang màu đỏ gạch. Trước đây, có mấy khi bị bệnh, mà từ hai năm nay nhiều người bị bệnh và chết vì ung thư…" - anh Huỳnh Ngọc Yên ở thôn Phú Cường (thôn trung tâm của xã Lộc Thuỷ) kể. Bố của anh Yên là ông Huỳnh Ngọc Giác đã mất vì bệnh ung thư, còn đứa con gái của anh mới chỉ lên 4 đã dính ngay một hạch độc và vừa mới mất.

Anh Yên dẫn tôi đi từ đầu đến cuối thôn Phú Cường, nơi nào các giếng nước cũng có màu đỏ gạch, có mùi hôi rất tanh, mà theo lời các hộ dân: "Trước đây giếng nào nước cũng trong veo, rất ngọt đúng như cái tên làng ở đây: Nước Ngọt!". Và chúng tôi nhúng tay vào thau nước đỏ gạch mà anh Yên vừa mới bơm lên, bàn tay li ti mẩn đỏ và bắt đầu thấy ngứa.

Từ khi các giếng nước nhiễm bẩn, các hộ dân đã xây bể lọc nước, nhưng lọc bao nhiêu lần nước cũng không thể trong được, và vẫn phải sử dụng để ăn, rửa, tắm giặt mỗi ngày. Không chỉ có nước giếng, mà nước từ con sông chảy qua làng, đổ vào đồng ruộng cũng đột nhiên đỏ gạch.

Anh Yên cho biết: "Đi làm đồng vừa bước xuống ruộng đã thấy nổi mẩn ngứa đỏ cả chân, về lấy muối xát 2 ngày vẫn chưa hết...".

Người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước đỏ gạch.

Bắt đầu từ đầu năm 2007 đến nay, toàn thôn Phú Cường đã có 10 người khỏe mạnh tự dưng bị bệnh hiểm nghèo. Ngoài ông Huỳnh Ngọc Giác đã chết vì bệnh ung thư, còn có ông Nguyễn Như Thứ bị ung thư gan, bà Nguyễn Chót, Huỳnh Giảng đã chết vì ung thư.

Hai ông Lê Văn Câu, ông Trần Kem ung thư dạ dày, cũng may con cháu có tiền đưa lên Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược Huế điều trị phẫu thuật bằng dao gamma (tia) và còn sống đến giờ. Bà Mộng bị ung thư dạ dày, nhưng do nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên đành phải nằm ở nhà héo hon chờ ngày trở về với cát bụi…

Theo thống kê của trạm y tế xã, hiện tỉ lệ người dân bị mắc bệnh đường ruột ở xã Lộc Thuỷ là 51%, bệnh về mắt 60%, bệnh về da 55% và 65% phụ nữ bị bệnh phụ khoa. Hầu hết người dân nơi đây đều rất sợ và nghi ngờ những căn bệnh bắt nguồn từ nước giếng.

Bà Trương Thị Niêm, mẹ của anh Yên bức xúc: "Gia đình tôi đã mất đi 2 người trong vòng hơn 2 tháng vì bị ung thư gan và hạch độc, những đứa con còn sống thì cũng bị bệnh này bệnh nọ chỉ vì nước sạch không về đến nơi, phải dùng nước phèn, nước bẩn...".

Còn ông Nguyễn Đặng Trạm, Trưởng trạm Y tế xã thì nhận xét: "Nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn quá nặng, thậm chí bị nhiễm cả lưu huỳnh, rất dễ ngộ độc và gây ra một số bệnh nguy hiểm trong đó rất có khả năng gây bệnh ung thư!".

Danh sách bệnh tật sẽ còn dài…

Đóng tiền, triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho dân từ năm 2006, nhưng trong đầu tháng 9/2008, người dân thôn Phú Cường mới được dùng nước "sạch" dù nước chỉ chảy được 30 phút buổi sáng và 30 phút buổi chiều, mỗi nhà đủ hứng đầy 2 xô lớn. Nói là nước "sạch" vì nước được lấy từ Suối Tiên, tự chảy theo ống về bể xử lý đặt tại UBND xã Lộc Thuỷ, rồi từ đó bơm vào đường ống cho các hộ dân dùng.

Nước "sạch" hay nước suối này (vì được lấy tự nhiên nên có tích tụ nhiều rác bẩn) dù sao vẫn hơn nước giếng đỏ gạch, nên được ưu tiên chỉ dùng để ăn, uống (và hễ cứ mưa xuống là đem hết xô chậu đi hứng nước), còn tắm, giặt vẫn múc nước giếng.

Được biết, UBND xã Lộc Thuỷ đã kiến nghị lên cấp trên và có dự án đưa nước từ Chân Mây về cho bà con. Tuy nhiên để làm được việc này là rất khó, vì cần có nguồn kinh phí lớn nên cho đến bây giờ dự án vẫn bỏ ngỏ.

Nước sông bị nhiễm bẩn, nước giếng cũng bị nhiễm bẩn, người dân Lộc Thuỷ càng hoảng sợ cho rằng danh sách người bệnh, nhất là bệnh ung thư sẽ dài ra nữa khi mà ở đây đang rầm rộ thi công bãi chứa và nhà máy xử lý rác thải lớn. Từ bao đời nay, nguồn nước chính cung cấp cho nông nghiệp ở Lộc Thủy chủ yếu là do 2 con sông Bù Lu và Nước Ngọt cung cấp.

Người dân sợ rằng chất độc từ rác thải sẽ theo hai con sông này chảy vào ruộng nương nhà mình làm nhiễm độc, đe dọa cây lúa, hoa màu và còn theo vào trong người… Vấn đề nước cho nông nghiệp và nước sạch cho người dân sử dụng rất mong được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế!

Viết Nam

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文