Phá rừng đặc dụng để... lập làng
Điều lo ngại của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng cũng thành hiện thực, khi hàng trăm hộ dân từ xã Đắk Plao (huyện Đắk G'long, Đắk Nông) ồ ạt "tấn công" rừng đặc dụng để lấy đất canh tác, làm nhà ở.
Những người đi phá rừng lại có một cái lý rất khó chấp nhận: Khu tái định cư dự án thuỷ điện Đồng Nai 3 xây dựng quá chậm chạp, không phù hợp với tập quán sinh sống của người dân; đất quá dốc, quá xấu nên dân không thể sản xuất gì được.
Khu bảo tồn Tà Đùng kêu cứu
Được biết, từ tháng 5 đến nay, hàng trăm hộ dân xã Đắk Plao đã liên tiếp mở những đợt "tấn công" với quy mô lớn vào Khu BTTN Tà Đùng.
Vụ phá rừng đặc dụng đầu tiên xảy ra vào sáng sớm ngày 2/5, tại tiểu khu 1803, phân khu phục hồi sinh thái. Mặc dù kiểm lâm khu bảo tồn đã kịp thời phát hiện, bám sát người dân ngay từ đầu nhưng do lực lượng quá mỏng, tính chất vụ việc phức tạp nên không thể ngăn chặn được.
Hậu quả là 2,8ha rừng đặc dụng đã bị khoảng 60 người dân thôn 1 (xã Đắk Plao) chặt trụi. Đến trưa cùng ngày, lãnh đạo Khu BTTN Tà Đùng và Công an xã vận động, người dân mới chịu ra khỏi hiện trường.
Trước nguy cơ người dân ồ ạt tấn công rừng đặc dụng, ngày 8/5, UBND huyện Đắk G'long đã quyết định thành lập tổ chốt chặn liên ngành của huyện, nhằm hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng. Khi tổ chốt chặn vào hiện trường thì toàn bộ diện tích rừng bị chặt trước đó đã được người dân đốt dọn sạch sẽ, chuẩn bị… làm nhà ở.
Khu BTTN Tà Đùng đang bị đe dọa từng ngày.
Tại đây, do có một số hộ vào sau nên diện tích rừng bị phá đã mở rộng thêm 0,4ha. Trong khi đó, qua công tác tuần tra, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng lại phát hiện có nhiều vị trí bị người dân cắm mốc, chia lô, phát luồng.
Đó là khu vực chuẩn bị thi công QL 28 xuyên qua vùng lõi khu bảo tồn, đoạn tránh ngập lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai 3. Mới đây nhất, trong các ngày 12 và 14/9, Trạm Kiểm lâm số 2 tiếp tục phát hiện thêm hai điểm phá rừng mới tại lô 9, tiểu khu 1814 với diện tích 1,5ha. Các vụ phá rừng này đều do tập thể người dân xã Đắk Plao thực hiện.
Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng lo âu cho biết: "Ngoài diện tích đã bị chặt phá thì việc chia lô, phát luồng chính là dấu hiệu cho thấy người dân sẽ ồ ạt vào rừng chặt, đốt khi mùa khô đến gần. Nếu nắm bắt thông tin chậm, bà con đi cả làng, phá một ngày thì không biết bao nhiêu hécta rừng sẽ ngã xuống.
Bởi vậy, chúng tôi phải cử một số anh em nắm bắt tâm tư của bà con, số khác tổ chức chốt chặn cả ngày lẫn đêm trong rừng. Tuy vậy, nếu xảy ra những vụ phá rừng với quy mô, tính chất như vừa rồi thì chắc chắn lực lượng của khu bảo tồn không thể ngăn chặn nổi. Chúng tôi cùng lắm chỉ dám vận động, tuyên truyền". Nạn tấn công rừng đặc dụng với mục đất lấy đất canh tác, làm nhà ở đã manh nha từ trước đó khá lâu...
Người dân chịu nhiều thiệt thòi suốt 20 năm qua
Thật bất ngờ là khi làm việc với Khu BTTN Tà Đùng và UBND xã Đắk Plao, ông Lương Văn Khì, thôn trưởng thôn 1 đã viết thẳng vào biên bản: "Do người dân không đồng ý về khu tái định cư được quy hoạch tại xã Quảng Khê (đất quá dốc và xấu, không phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương) nên tổ chức lên đây phá rừng để lấy đất sản xuất và dựng nhà ở".
"Bà con đều nhận thức rõ việc phá rừng là vi phạm pháp luật, nhưng do bức xúc về tái định cư, tái định canh nên mới đi phá rừng. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm đền bù, giải quyết dứt điểm vấn đề đất ở, đất sản xuất để dân ổn định cuộc sống".
Chờ tái định cư, dân Đắk Plao phải sống tạm bợ trong vùng quy hoạch lòng hồ gần 20 năm. |
Còn già làng K'Kê ở thôn 1 khẳng định: Nguyện vọng của người dân Đắk Plao là được tái định cư ngay trong … vùng lõi khu bảo tồn: "Dân mong muốn được tái định cư, định canh dọc tuyến QL 28 sau này sẽ đi qua". Bởi theo bà con, dù trong rừng đặc dụng không có điện - đường - trường - trạm nhưng đất ở đó rất tốt và bằng phẳng, nhiều chỗ có thể làm ruộng nước nuôi sống bà con.
Trước thực trạng dở khóc dở cười như vậy, lãnh đạo Khu BTTN Tà Đùng chỉ còn biết đề nghị UBND huyện Đắk G'long và chủ đầu tư công trình thuỷ điện Đồng Nai 3 sớm hoàn thành khu tái định cư - tái định canh để di dời và ổn định đời sống người dân, từ đó giảm nguy cơ cho rừng đặc dụng.
Trên thực tế, những lo lắng của bà con về đền bù, tái định cư - tái định canh là hoàn toàn có cơ sở. Đắk Plao có 432 hộ dân, hơn 5.000 khẩu thuộc 5/6 thôn phải di dời. Quy hoạch lòng hồ đã được công bố từ năm 1991. Đất đai, cây trồng, vật kiến trúc của bà con đã được kiểm kê lần đầu vào năm 1998. Nghĩa là từ đó đến nay, người dân không được xây mới nhà cửa, trồng cây lâu năm, không được cấp "sổ đỏ", kiểu như quy hoạch "treo".
Chủ tịch xã K'Lớ cho biết, xã mới thành lập được 6 năm thì đã có chủ trương di dời. Nghĩa là không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không được hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia. Hơn 15km QL 28, đoạn qua xã Đắk Plao cũng vẫn là đường đất. Mưa xuống là sạt lở, lầy lội, nước ngập mênh mông.
Tái định cư - còn nhiều bất cập
Người dân sống trong vùng quy hoạch lòng hồ đã vậy, còn khu tái định cư - tái định canh thì như câu chuyện dài kỳ, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Nó được khởi động lần đầu năm 2003 do UBND huyện Đắk Nông cũ làm chủ đầu tư, rồi khởi động lại vào năm 2005 do BQLDATĐ6 làm chủ đầu tư.
Tháng 11/2005, Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 đã hoàn tất việc khảo sát tại khu vực buôn Phăng Rá (cũ), chỉ còn chờ EVN phê duyệt là đấu thầu thi công. Bất ngờ, ngày 4/5/2006, UBND tỉnh Đắk Nông có Văn bản số 836/UBND - CN yêu cầu chủ đầu tư và huyện Đắk G'long thay đổi địa điểm, do vị trí này đồi dốc hiểm trở, không thuận lợi để phát triển một đơn vị hành chính cấp xã. Vậy là BQLDATĐ6 phải mất thêm một năm nữa để thuê tư vấn khảo sát, thiết kế lại từ đầu ở khu vực thôn 6, xã Quảng Khê.
Các bên liên quan đều phải chấp nhận một thực tế là tất cả các hạng mục đều chậm tiến độ, song phải ưu tiên đất canh tác, để bà con ổn định sản xuất trước.
Giữa tháng 3/2009, huyện chia đất đợt đầu cho 200 hộ, bà con lên xem rồi lắc đầu bỏ về. Bởi 650ha đất sản xuất vừa khai hoang đều nằm trên những quả đồi bát úp, địa thế hiểm trở, tầng canh tác rất mỏng. Phần lớn diện tích này chỉ có thể… trồng rừng. Còn khu tái định cư, bà con có nguyện vọng được ở trong những ngôi nhà xen giữa khu sản xuất, có đất đai rộng rãi để tiện trồng trọt, chăn nuôi.
Trong khi đó, chủ đầu tư lại bố trí nhà ở như… phố, không phù hợp với tập quán của bà con. BQLDATĐ6 lại cho rằng, dân không chịu về là do chưa hiểu rõ quy hoạch, thiết kế của khu tái định cư; cần tiếp tục tuyên truyền, vận động.
Còn đất sản xuất, chủ đầu tư khai hoang thêm 260ha gần đó để bù vào những chỗ quá dốc. UBDN tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra lại chất đất, thổ nhưỡng, khả năng canh tác… Tuy nhiên, chưa thể biết kết quả "chữa cháy" rồi sẽ ra sao