Phập phồng lo nước cuốn nhà

15:40 15/10/2010
Xã Phong Vân, huyện Ba Vì (Hà Nội) nằm dọc ven ngã ba, nơi 2 con sông Đà, sông Thao hợp lưu chảy vào sông Hồng. Nhiều năm nay, sự xáo trộn dòng chảy của hai con sông khi đổ vào ngã ba này đã trở thành mối đe dọa đến tài sản và tính mạng của gần 200 người dân trong xã.

Hố "tử thần" giăng khắp chốn

Dẫn chúng tôi đến những hộ gia đình vừa phải di dời sau cơn bão số 3 cuối tháng 8 vừa qua tại khu vực Bãi Đồng Quan, Chủ tịch UBND xã Phong Vân, ông Lưu Đình Hạnh vẫn chưa hết lo lắng. Vừa đi vừa chỉ cho chúng tôi những chiếc hố đen ngòm không nhìn rõ đáy, xuất hiện rải rác khắp nơi, ông Hạnh cho biết, đến giờ, chưa ai xác định được nguyên nhân sự xuất hiện của những chiếc hố "tử thần" này.

9 hộ gia đình đang sinh sống tại xóm Nội từ vài năm nay đã thấy xuất hiện những chiếc hố này, nhưng chỉ sau đợt mưa to do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, hàng chục, hàng trăm chiếc hố lớn, nhỏ thi nhau xuất hiện. Trong vườn nhà chị Nguyễn Thị Tình, chỉ cần gạt nhẹ lớp lá bạch đàn, hàng loạt chiếc hố sâu hoắm, lớn nhỏ hiện ra trước mắt chúng tôi. Những chiếc hố, sâu khoảng gần 1m rồi xiên ngang không rõ điểm cuối, như những chiếc "bẫy", chỉ cần vô ý giẫm phải sẽ kéo tụt cả người xuống.

Theo ông Hạnh, hố sụt lớn nhất có đường kính 1m, còn lại là các hố có đường kính vài chục centimét. Nguy hiểm nhất là những chiếc hố này xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu nhận biết và xuất hiện khắp nơi, từ trong nhà, ngoài sân, vườn của các hộ dân. Chị Tình kể, năm ngoái, năm kia, vợ chồng chị cũng thấy lạ, khi cạnh giếng nước bỗng nhiên xuất hiện một lỗ sâu hoắm, sâu khoảng gần 1m thì bắt đầu xiên ngang. Chị lấy thử chiếc sào chọc xuống theo ngách ngang của chiếc hố này nhưng lút cả cán sào vẫn chưa thấy chạm đáy. Đến năm nay, chỉ mới qua một đợt mưa lớn cuối tháng 8, hàng chục chiếc hố tương tự bỗng nhiên xuất hiện khắp nơi khiến gia đình chị, nhất là các cháu nhỏ hoảng sợ. Cùng xóm với chị Tình là gia đình ông Vũ Văn Hoay, một trong những hộ bị sạt lở và nhiều hố sụt lớn. Nhà bị đất sụt lún kéo nứt, bếp đã sạt lở hoàn toàn và cả gia đình ông hiện đã phải di dời đi ở nhờ. Trước mặt chúng tôi, một ngôi nhà ngói nhỏ hiện ra ngay sát mép sông. Đây cũng là một trong các hộ dân đã phải di dời khẩn cấp trong đêm cuối tháng 9. Nhà vẫn còn, nhưng đường vào nhà và cổng đã trôi xuống lòng sông từ bao giờ...   

Những chiếc hố lạ xuất hiện khắp nơi, từ vườn, sân đến ngõ.

Cần gấp một nơi tái định cư an toàn

Chuyện người dân sống ven sông Hồng đoạn qua các huyện Phúc Thọ, Ba Vì thường xuyên phải chịu sạt lở, mất ruộng vườn, nhà cửa vẫn thường xuyên xảy ra khi mỗi mùa mưa lũ. Chính trên địa bàn xã Phong Vân, năm 2003 cũng đã có hiện tượng sạt lở, đe dọa vỡ đê ngay trong mùa khô. Cả khúc đê gần 1km có nguy cơ bị dòng sông "nuốt". Thời điểm ấy, chân đê có đoạn bị lở thẳng đứng sâu 5m, với chân hố xói sâu 8 - 10m kể từ mặt nước trở xuống. Mép cùng sạt cách chân đê 20m, phía trong sạt xuất hiện nhiều vết nứt dọc dài 5 - 20m, kẽ nứt rộng 3-5cm cách chân đê chỗ gần nhất là 10m.

UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và Bộ NN&PTNT đã phải báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý khẩn cấp bởi đây là đoạn đê xung yếu quan trọng trong việc bảo vệ Hà Nội. Nếu đoạn đê này vỡ, nước sẽ nhấn chìm cả vùng hạ lưu rộng lớn của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng phía Nam. Gần 40 tỷ đồng đã được chi để làm kè kiên cố bảo vệ đoạn đê này. Nhưng, sau khi kè, nước sông lại xoáy sâu các đoạn khác chưa được kè gia cố. Chính vì vậy, cho đến thời điểm này, sông Hồng vẫn là mối đe dọa với người dân sinh sống ven bãi.

Sau một con nước, đường đã bị sông "ngoạm" gần hết.

Sau cơn bão số 3 cuối tháng 8, khi mưa lớn đổ về làm mực nước sông dâng lên đe dọa an toàn của các hộ dân, chính quyền xã Phong Vân đã nhanh chóng sơ tán các hộ dân vào phía trong đê. Sáng 29/8, 15/50 hộ dân trong diện nguy hiểm đã được di dời lên khu đất trống phía trong đê, dựng lán lều ở tạm. Mỗi hộ được UBND xã cấp phát 30m vải bạt và huy động người giúp dựng lều ở tạm. Nhưng khi nước rút, nhiều hộ dân đã tự ý quay trở về nhà, bởi không thể sống mãi trong các căn lều tạm.

Được biết, UBND xã đã tìm được 2 khu đất để có thể tái định cư cho các hộ dân này với tổng diện tích 29.000m2. Người dân xã Phong Vân đang ngày đêm mong chờ UBND TP Hà Nội nhanh chóng có đề án xây khu tái định cư để không còn phải thấp thỏm mỗi mùa nước lên.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng cũng vừa hoàn tất đợt kiểm tra các công trình đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch đã chỉ đạo: Để phòng chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo an toàn đê điều, UBND TP giao Sở NN&PTNT khẩn trương tổ chức thực hiện việc lát đá bảo vệ mái, hoàn chỉnh kè Phong Vân; UBND huyện Ba Vì khẩn trương đề xuất phương án tái định cư, tổ chức giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công hoàn chỉnh kè

Ngọc Yến

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文