Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần giúp ngư dân yên tâm bám biển
Một ngày đầu tháng 7, dưới cái nắng miền Trung gay gắt, chúng tôi tìm về thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Đây là thôn có số lượng tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất trên địa bàn, với khoảng 30 chiếc (công suất trên 500CV). Mặc dù đang sắp xếp các dụng cụ đưa ra tàu cá để chuẩn bị cho chuyến đi biển mới, song lão ngư Lê Phơ (67 tuổi) vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 lộng gió biển.
Đến bây giờ, ông Phơ vẫn không thể nào quên những năm tháng khó nhọc; khi mấy cha con ông cùng lênh đênh trên biển, với chiếc tàu chỉ có 72 mã lực: “Mấy năm trước, đi biển vất vả lắm! Tàu nhỏ, công suất máy nhỏ nên chỉ đánh bắt ở gần bờ. Phải sau gần 30 năm trời phiêu bạt cùng con sóng, ngọn gió và đến cuối năm vừa rồi, tui mới đóng được chiếc tàu công suất 500CV để ra khơi xa thu mua tôm, cá và cung cấp xăng dầu cho các tàu cá khác”. Dẫn chúng tôi ra cảng cá Thừa Thiên-Huế, nơi chiếc tàu có số hiệu TTH-91031 đậu ở gần cầu cảng với gần chục công nhân đang làm việc miệt mài, ông Phơ bày tỏ nỗi lòng: “Tui thấy ở xã biển nào cũng có đội tàu đoàn kết đánh bắt xa bờ cả. Trong khi đó, tàu làm dịch vụ hậu cần để thu mua hải sản, cung cấp nhiên liệu... cho các tàu đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, hay các ngư trường xa bờ thì không có nhiều. Chính vì thế mà tui đã động viên 2 con trai cố gắng vay mượn thêm ít vốn để đóng mới 2 chiếc tàu có công suất trên 500CV để làm dịch vụ hậu cần”.
Tàu hậu cần và các tàu thu mua hải sản ở cảng cá Thừa Thiên - Huế chuẩn bị cho một chuyến ra khơi. |
Tương tự, lão ngư Lê Giáp (43 tuổi, trú thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An) cũng là một trong những người tiên phong đóng tàu dịch vụ hậu cần với công suất 520CV ở địa phương ven biển này. Nhìn cánh thương lái đang thu mua hải sản từ tàu hậu cần của mình mà ông Giáp không giấu được niềm vui: “Để có thể thu mua được nhiều hải sản, giúp các chủ thuyền khác bám biển dài ngày hơn thì cứ mỗi chuyến biển, vợ chồng tui phải mua hơn 500 cây đá cho vào khoang lạnh. Có như thế mới đảm bảo được độ tươi của cá, mực, tôm sau khi thu mua từ các tàu bạn đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa. Tới đây, ngư dân trong thôn sẽ họp bàn để thành lập thêm một đội tàu làm dịch vụ hậu cần nữa”.
Nằm cách thôn Tân Lập không xa, thôn Tân Bình (thị trấn Thuận An) cũng hiện có khoảng 25 tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn chuyên bám biển cùng tàu cá của ngư dân để thu mua hải sản. Ngư dân Nguyễn Văn Mới (trú thôn Tân Bình), chủ tàu cá TTH-91045 cho hay: “Từ khi trong thôn có nhiều ngư dân chuyển sang đóng tàu dịch vụ hậu cần nên không những tàu cá của gia đình mà nhiều tàu cá khác của bà con trong thôn yên tâm bám biển hơn; vì mình đánh bắt chừng nào thì bán ngay cho họ trên biển chừng đó. Vừa thuận lợi mà mức giá bán hải sản so với ở cảng cá cũng không chênh lệch là bao...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, hiện toàn tỉnh có 74 Chi hội Nghề cá cơ sở với 254 tàu cá công suất lớn nhưng số lượng tàu cá làm dịch vụ hậu cần, thu mua còn quá ít. “Nếu tính đến phương án đóng tàu cá vỏ sắt thì có lẽ ngư dân ở Thừa Thiên - Huế chưa đủ khả năng vì kinh phí hạn hẹp. Riêng đóng mới tàu trung chuyển, làm dịch vụ hậu cần thì ngư dân phải có số vốn từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; hoặc nếu không phải thế chấp thân tàu mới có thể vay vốn ngân hàng... Đây chính là khó khăn mà hầu hết bà con ngư dân ở các xã biển gặp phải. Vì thế, hội sẽ có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để giúp ngư dân được vay vốn”, ông Hiền khẳng định.
Dù nghề đi biển vẫn còn lắm khó khăn, nhất là trong thời điểm nhiều tàu của Trung Quốc đang cố tình gây hấn, đe dọa các tàu các của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa; nhưng cùng với hàng ngàn ngư dân ở miền Trung, ngư dân ở thôn Tân Lập, Tân Bình... vẫn cố gắng đóng thêm nhiều tàu mới, thành lập nhiều đội dịch vụ hậu cần trên biển để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc