Phát triển du lịch làng nghề Hà Nội: “Một cô gái đẹp nhưng không ai lấy”
- Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016
- 300 gian hàng tham gia liên hoan văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống
- Đầu ra cho sản phẩm là yếu tố phát triển bền vững du lịch làng nghề
Trên thực tế, thời gian qua, Làng gốm sứ Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc đã có sự đổi mới tích cực trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Đây là 2 làng nghề được thành phố quan tâm, đầu tư để phát triển thí điểm mô hình du lịch làng nghề nhiều năm nay. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, từ năm 2001, thành phố đã có quy hoạch chi tiết làng nghề gốm Bát Tràng.
Du khách tham quan sản phẩm gốm Bát Tràng. |
Theo đó, là hàng loạt các dự án về hạ tầng được đầu tư như: Dự án xây dựng cảng du lịch Bát Tràng, cụm sản xuất làng nghề tập trung, dự án Bảo tồn làng cổ Bát Tràng, chợ gốm… Thành phố cũng mở tuyến xe buýt Long Biên – Bát Tràng và tuyến du lịch sông Hồng từ bến Chương Dương đến làng cổ Bát Tràng. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm Bát Tràng đón khoảng 60 nghìn du khách trong và ngoài nước. Đây là con số mà nhiều làng nghề ao ước nhưng so với sự đầu tư lớn như trên thì kết quả đó vẫn còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, làng lụa Vạn Phúc cũng được đầu tư khá nhiều trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, làng lụa Vạn Phúc lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh khiến vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp, số hộ sản xuất ngày càng ít, thiếu người giỏi để phát triển sản phẩm, sự cạnh tranh của hàng ngoại, nạn trà trộn hàng kém chất lượng với các sản phẩm của làng… Vì thế, sản phẩm của làng nghề tuy chứa nhiều giá trị văn hóa nhưng vẫn nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại, giá thành cao… nên khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài.
Được xây dựng là sản phẩm du lịch làng nghề thí điểm, được đầu tư xây dựng, hỗ trợ về xúc tiến và quảng bá du lịch nhưng cả Vạn Phúc và Bát Tràng đều phát triển chưa như mong đợi, hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do thiếu hướng đi bài bản, cách làm đúng và không có người biết làm. Đó cũng là tình trạng chung của hơn 1.000 làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Đơn cử như trường hợp làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Phú Xuyên). Ngay từ năm 2001, làng nghề đã được UBND tỉnh Hà Tây và Sở Du lịch Hà Tây (cũ) đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường, xây nhà triển lãm… nhưng đến giờ, khách du lịch vẫn “vắng như chùa bà Đanh”.
Một số làng nghề khác treo biển “điểm du lịch làng nghề” nhưng “năm thì mười họa” mới có khách đến. Tệ hơn, làng Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) nổi tiếng với nghề làm tăm hương cùng vẻ đẹp của một làng quê trù phú một thời, giờ bị ô nhiễm nghiêm trọng do có thêm nghề thu mua đồng nát. Khi có khách tham quan, dân làng luôn tỏ ra cảnh giác, thiếu thiện cảm vì “bị” lên báo nhiều, ảnh hưởng đến kinh doanh sản xuất. Du khách không muốn trở lại đây bởi đi đến đâu cũng chỉ thấy sự ô nhiễm và thái độ khó chịu của người dân.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, làng nghề hiện nay giống như “một cô gái đẹp nhưng không ai lấy”, bởi có quá nhiều bộ, ngành tham gia quản lý. Sự chồng chéo, thiếu rõ ràng trong các chính sách khiến làng nghề muốn phát triển đã khó lại càng khó hơn khi muốn gắn với phát triển du lịch. Theo ông Dần, những chính sách bảo đảm sự liên kết giữa những người làm du lịch với người dân làng nghề rất lỏng lẻo và chưa có một quy định cụ thể nào.
Trong đó, sự liên kết giữa các làng nghề với các đơn vị lữ hành còn kém. Doanh nghiệp lữ hành là cầu nối đưa du khách đến với làng nghề và chính họ là những người nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của du khách trong việc trải nghiệm văn hoá, làng quê truyền thống của Việt Nam. Nếu sự liên kết không có thì không có lý do họ đưa khách đến, đồng thời không có chính sách cụ thể và sự phối hợp của chính bản thân nội tại của người dân trong làng nghề về phát triển du lịch.
Điều này sẽ tạo vòng luẩn quẩn khi khách không tìm đến doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ không quan tâm đến sản phẩm. Như vậy, người dân càng ít có cơ hội tiếp xúc để nâng cao kiến thức, tay nghề, kỹ năng phục vụ du lịch, theo đó cơ hội phát triển cho làng nghề cũng ít đi.
Đến hẹn lại lên, Hà Nội tổ chức Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam, nhằm tạo “sân chơi chung” cho du lịch và làng nghề có cơ hội giao lưu, hợp tác và đẩy mạnh quảng bá để phát triển. Tuy nhiên, liên hoan này chưa thực sự là “cầu nối” cho các doanh nghiệp du lịch với làng nghề bắt tay nhau. Sau mỗi kỳ liên hoan, doanh nghiệp không có thêm tour tuyến về các làng nghề, và khái niệm phát triển du lịch có lẽ còn khá xa vời với nhiều người dân vốn chỉ biết đến nghề truyền thống của mình.
Theo ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc APT Travel, để du lịch làng nghề là một sản phẩm du lịch, có sức sống sau mỗi kỳ liên hoan thì việc đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với làng nghề là điều cần thiết, trước là nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách, sau là góp phần giúp người dân làng nghề thêm kế sinh nhai, kích thích sản xuất và góp phần bảo tồn, phát triển nghề cũng như văn hóa độc đáo của mỗi địa phương.
Đặc biệt, cần có cơ chế, đường hướng phát triển rõ ràng, bài bản, chú trọng đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới. Có như vậy, du lịch làng nghề mới trở thành những gam màu sáng trên bức tranh du lịch tổng thể của Thủ đô và cả nước.