Phía thượng nguồn sông Hinh có một vùng đất học

20:04 17/02/2013
Nằm ở thượng nguồn sông Hinh xanh biếc, buôn Hai Krông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên thanh bình yên ả với con đường uốn lượn giữa hai dãy nhà sàn kết nối màu xanh mượt mà của vườn rừng. 15 năm qua Hai Krông không chỉ là buôn văn hóa kiểu mẫu, mà nơi ấy còn là vùng đất học nuôi dưỡng hơn 30 người trở thành cử nhân và nhiều con em khác đang học đại học, cao đẳng - một kỳ tích hiếm thấy ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ “người thầy” có công khuyến học

Đã hẹn trước nên Ksor Y Diêu - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia đón tôi bên suối Eathong Plum, dẫn đường tới nhà Ma Vi - già làng được đồng bào Hai Krông ví như “người thầy” có công khuyến học ở buôn làng. 81 tuổi đời, 31 năm tuổi Đảng, nhưng trí lực Ma Vi còn rất tốt, nên vẫn đọc sách báo, viết tiếng Việt và Ê đê. Khi nghe tôi hỏi một thời đã qua, Ma Vi tâm sự: “Tui sinh trưởng trong gia đình dân tộc Ê đê ở vùng đất này. Kháng chiến chống Pháp tui làm giao liên cho bộ đội Việt Minh, sau đó lên Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk học văn hóa. Hết lớp 4, tui về Ea Bia năm 1956 làm cơ sở hoạt động hợp pháp hai năm được phân công đội trưởng đội du kích xã, tham gia đào hầm chông, làm cung nỏ chống càn. Năm 1962, địch huy động hàng trăm binh lính với sự hỗ trợ xe tăng, bọc thép, mở nhiều cuộc càn quét, xóa trắng buôn làng, dồn dân lập ấp chiến lược, tui cùng một số cán bộ lùi về xã Sông Hinh tiếp tục hoạt động du kích…”. Dừng lại trong chốc lát như để tưởng niệm những đồng đội của mình đã nằm lại ở rừng, Ma Vi kể tiếp: “Năm 1966, đồng bào đồng loạt nổi dậy phá ấp chiến lược, kéo nhau về lại buôn làng sinh sống. Từ đó tui được giao làm thư ký rồi thường trực xã Ea Bia thời gian dài mới nghỉ hưu sau khi đảm trách một nhiệm kỳ Chủ tịch UBND xã Ea Bia (1984-1989)…”.

Đường vào buôn Hai Krông.

Hơn chục năm sau, Ma Vi cùng Y Điêng - nhà văn Việt Nam ở thị trấn Hai Riêng được mời phụ trách bản tin thời sự tiếng Ê đê ở Đài truyền thanh huyện Sông Hinh và dạy tiếng Ê đê cho công chức, cán bộ chiến sĩ Công an. Tuần nào Ma Vi cũng cọc cạch xe đạp hơn ba cây số ra phố huyện, dịch bản tin tiếng Việt sang tiếng Ê đê, rồi tự mình đọc trước thiết bị thu phát của đài truyền thanh. Những bản tin do ông và nhà văn Y Điêng thực hiện không chỉ chuyển tải nhiều chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, thông tin thời sự nổi bật, mà còn góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, bồi dưỡng kiến thức y tế môi trường- văn hóa xã hội - khoa học kỹ thuật… cho đồng bào Ê đê ở nhiều buôn làng. Ma Vi truyền đạt ngôn ngữ Ê đê khá dễ hiểu, nên sau một thời gian ngắn học viên có thể giao tiếp với đồng bào. Khi đề cập đến chuyện đất học, nhiều cán bộ xã Ea Bia cho biết, để được vinh danh buôn…cử nhân, Ma Vi là người dày công phối hợp chính quyền, nhà trường vận động đồng bào đưa con em đến trường, đẩy lùi tập tục lạc hậu, từng bước nâng cao dân trí, đổi mới đời sống văn hóa…

Già làng Ma Vi (người có công khuyến học ở buôn Hai Krông) tiếp chuyện phóng viên.

Đến vinh danh buôn… cử nhân

Người đầu tiên học giỏi và thành đạt ở Hai Krông là con trai Ma Vi. Anh Lô Mô Tu thi đậu khoa y Đại học Tây Nguyên năm 1990, Ma Vi bày tiệc rượu mời mọi người đến chia vui, rồi vận động đồng bào cho con em mình đi học cái chữ thật giỏi để vượt khó, thoát nghèo. Từ đó phong trào học tập ở Hai Krông chuyển đổi tích cực, đến nay đã có hơn 30 cử nhân và nhiều con em khác đang học đại học, cao đẳng.

Năm 1996, anh Lô Mô Tu về làm bác sĩ Bệnh viện huyện Sông Hinh rồi lần lượt đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Bí thư thị trấn Hai Riêng và bây giờ là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh. Ksor Bách tốt nghiệp Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, hiện là thẩm phán TAND huyện Sông Hinh. Ksor Phan, Y Ky, Y Xuân, Ksor Y Bin, Y Zú tốt nghiệp các Trường Đại học Nguyễn Huệ ở Đồng Nai, Đại học Trần Quốc Tuấn ở Hà Nội. Bây giờ 5 chàng trai đều là sĩ quan quân đội ở Phú Yên. Các anh, chị Lê Mô Y Trưng, Y Sóa, Y Dương, Nay Hờ Ring, Hờ Bay, Nay Y Toàn, Hờ Nhai, Hờ Đom, Hờ Nhum, Y Hai, Nay Y Tuân, Nay Hờ Oanh… tốt nghiệp các khoa toán, hóa, thể dục thể thao, công tác xã hội, văn hóa, sư phạm tiểu học Đại học Quy Nhơn, Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh và đang công tác tại một số trường học ở Sông Hinh. Còn Y Thái, HLin, HKin, Y Rung, Ma Din, Ma Viên là những cán bộ công chức ở huyện và xã cũng đang theo hệ đại học tại chức kinh tế - luật, công tác xã hội, nông lâm do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên liên kết với các trường đại học đào tạo. Trước khi đảm nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia, Ksor Y Diêu đã tốt nghiệp khoa sư phạm Đại học Tây Nguyên.

Trong số những cử nhân ở Hai Krông có hai trường hợp nỗ lực vượt khó, thành đạt. Đó là Y Sóa mất mẹ từ niên thiếu, cha đi bước nữa, mỗi ngày anh không chỉ lên nương rẫy trồng ngô, lúa để kiếm cơm nuôi chị bị bệnh thường xuyên, mà còn chăm chỉ học tập, lấy bằng cử nhân công tác xã hội Đại học Quy Nhơn và bây giờ là cán bộ xã Ea Bia. Nay Y Tuân cha mẹ đều mất sớm, bà nội già yếu, ngoài miếng cơm, tấm áo người dì hỗ trợ, Tuân gồng mình trên nương rẫy trồng khoai, trỉa bắp và kiên trì đến trường. Bây giờ anh là giáo viên Trường cấp 2-3 Tân Lập, huyện Sông Hinh sau khi tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn… Với riêng già làng Ma Vi, ngoài huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, ông còn có Huân chương Chiến công hạng ba, Huy chương Cựu chiến binh Việt Nam và Huy chương Vì sự nghiệp tư tưởng văn hóa.

Rời thượng nguồn sông Hinh, tôi nhớ mãi nỗi trăn trở của Ma Vi khi ông bày tỏ “Hai Krông có 81 gia đình với 335 nhân khẩu và đã có chừng ấy cử nhân cùng nhiều con em khác là sinh viên đại học, cao đẳng. Đó là niềm vui lớn của buôn làng, nhưng niềm vui đó cần phải nhân lên nhiều hơn trong thời gian tới”

Hữu Toàn

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文