Phục chế thành công bức thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh

19:51 05/03/2013
Khi còn là sinh viên năm thứ 4, Khoa Cầu hầm, khoá 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi cưới vợ được 6 ngày, anh Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã xung phong vào chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Bức thư anh viết bức thư cho gia đình, cho người vợ thân yêu của mình vào ngày 11/9/1972, ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ - khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng…

Ngày 5/3, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích – Danh thắng Quảng Trị cho biết, cán bộ phòng Nghiệp vụ của trung tâm đã phục chế thành công bức thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 4, Khoa Cầu hầm, khoá 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mới cưới vợ được 6 ngày, anh đã xung phong vào chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị.

Anh viết bức thư cho gia đình, cho người vợ thân yêu của mình vào ngày 11/9/1972, vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ - khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng.

Thư được viết từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ, gửi cho một đồng đội quê ở Thanh Hóa, từng có lần về nhà anh chơi lúc còn sinh viên. Tuy nhiên, sau đó người bạn này cũng hy sinh, đến tháng 3/1973, kỷ vật này mới về tới tay người nhà của liệt sĩ do một đồng đội khác của anh chuyển tới.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được phục chế thành công, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Điều đặc biệt, bức thư đã được viết bằng một dự cảm kỳ lạ. Đoạn viết cho mẹ: “… Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.

Viết cho vợ, ngoài những yêu thương trìu mến, anh dặn đường đi cặn kẽ cho chị tìm được hài cốt của anh: “… Khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mãnh tôn. Thôi nhé đó là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi…”.

Nhờ có hướng dẫn này, sau ngày hòa bình, vợ của liệt sĩ là chị Đặng Thị Xơ đã tìm thấy hài cốt của chồng, đúng như lời anh dặn, được đồng đội chôn cất ở vào cuối làng Nhan Biều 1, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong ngày nay.

Năm 2002, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng di tích Thành cổ Quảng Trị cho đến cách đây vài năm thì bức thư có nguy cơ xuống cấp do sự hủy diệt của thời gian và tuổi thọ của giấy không còn đảm bảo. Cán bộ Nghiệp vụ của Trung tâm  Bảo tồn Di tích – Danh thắng Quảng Trị đã trăn trở rất nhiều, tìm mọi cách phục chế bằng được bức thư.

Qua hơn 2 năm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu phương pháp phục chế, cuối cùng bức thư đã được phục chế thành công bằng phương pháp bán thủ công. Toàn bộ nội dung chữ viết và các dấu tích trên thư được đảm bảo nguyên vẹn đến từng chi tiết nhỏ nhất, bằng phương pháp scan và bóc tách vi tính, sau đó đặt chúng trở lại trên một nền giấy có chất liệu, hình dáng, màu sắc sản xuất vào thời kỳ năm 1972.

Ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã rất vui mừng khi lá thư được phục chế, thành công mỹ mãn. “Đây là một đề tài khoa học thành công có giá trị thực tiễn cao đối với ngành bảo tàng. Thành công đã đem lại niềm vui, sự xúc động lớn đối với đồng đội và thân nhân gia đình liệt sĩ”

Thanh Bình

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文