Quả bom lớn chưa từng thấy ở Gia Lai là bom gì?

10:01 22/11/2004
Với các thông số về trọng lượng, sức công phá, kích cỡ, cấu tạo vỏ, quả bom mới gỡ ở Gia Lai (hiện đặt tại Bảo tàng Công binh Hà Nội) có thể sánh được với những loại bom lớn nhất trên thế giới được chế tạo trong giai đoạn Đại chiến thế giới II đến khi kết thúc chiến tranh Việt Nam: Tallboy (Cậu bé cao), Grand Slam (Cú đập mạnh), "bom gây động đất" M121.

Năm 1944, nhà chế tạo thiên tài người Anh Barnes Wallis đã sáng chế ra những loại "vũ khí thần kỳ", góp phần giúp quân Đồng minh đánh bại phe Phát xít. "Tôi nghĩ liệu có cách nào ngăn chặn chiến tranh từ vị trí của một người kỹ sư, và tôi thấy rằng có một cách như thế - cắt đứt nguồn điện, nước của nhà máy vũ khí của Quốc xã... Cần 150 tấn nước để sản xuất 1 tấn thép, nếu mất nước, chúng sẽ không thể làm ra thép, và chiến tranh ắt phải đi tới kết thúc" - Tiến sĩ Barnes Wallis đã viết như vậy.

Ý tưởng của Wallis là thiết kế những quả bom có kích thước đặc biệt lớn có khả năng xuyên đất hoặc xuyên qua vật cản cứng, mang theo tối đa năng lượng của khối nổ áp sát mục tiêu. Theo đơn đặt hàng của quân đội Anh, Wallis chế ra quả bom 12.000 bảng (tương đương 5 tấn), đặt tên là Tallboy. "Cậu bé cao" này dài 6m40, đường kính 1m12, chứa 2,36 tấn thuốc nổ Torpex D1.

Từ độ cao 6.000m, Tallboy lao xuống với vận tốc tiếp đất nhanh hơn vận tốc âm thanh, nên dễ dàng xuyên ngọt lớp bê tông dày 5m, tạo hố sâu 240m, chu vi 300m. Tổng số có hơn 800 quả Tallboy đã được sử dụng trong Đại chiến thế giới II, chủ yếu nhằm vào các công trình ngầm, đường hầm, bệ phóng, đánh phá chiến hạm, mà tiêu biểu là chiến hạm Tirpitz của Đức tại biển Na Uy tháng 11/1944.

Giai đoạn cuối cùng của chiến tranh, Wallis phát triển bom 10 tấn (22.000 bảng Anh), và đặt tên là Grand Slam. "Cú đập mạnh" lần đầu tiên được thả ngày 14/3/1945 vào lãnh thổ Đức, tạo một hố sâu tới 300m. Bom xuyên qua 7m bê tông gia cố của nhiều công trình trọng yếu. Grand Slam khác với Tallboy, vỏ quả bom dài 8m này phải được đúc đơn lẻ cho từng quả một.  Tổng cộng có 41 quả Grand Slam được sử dụng đến tháng 5/1945.

Do sự hạn chế của quân đội Anh trong việc sản xuất vỏ thép, Mỹ đã tham gia sản xuất hai loại bom này ngay từ năm 1944. Bom Tallboy của Mỹ có hình dạng giống như bom Anh, nhưng khác ở phần đuôi và sau này được nhồi chất nổ Tritonal thay cho Torpex. Những quả Tallboy thừa sau Đại chiến được Mỹ sử dụng hạn chế để phá các cầu quân sự hạng nặng trong chiến tranh Triều Tiên.

Một biến thể từ những Tallboy dư thừa được đặt tên là bom Tarzon 12.000 bảng. Theo tài liệu của John Godwin, trong chiến tranh Việt Nam, loại bom này đã được sử dụng để dọn sạch mặt bằng cho trực thăng hạ cách, trước khi dùng các loại bom phát quang hãm bằng dù như BLU-82 (15.000 bảng, đường kính 1,37m).

Như vậy, so với các dạng bom hạng nặng mà quân đội Mỹ đã sản xuất và sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, thì quả bom ở Gia Lai có trọng lượng giống Tallboy và Tarzon hơn cả. Nhưng, hai loại này theo tài liệu đều có lắp đuôi, trong khi quả bom vừa gỡ lại được thả bằng dù. Đường kính của Tarzon cũng nhỏ hơn 0,2m, nhưng chiều dài lại hơn so với bom ở Gia Lai là 0,4m.

Một giả thuyết được Bộ Tham mưu Binh chủng Công binh đưa ra là đây có thể là loại bom Tarzon được chế ngòi, vỏ, đuôi cho thích hợp mục đích san bằng hơn là khoan sâu, đồng thời nhằm sử dụng máy bay C-130 thả bom ở tầm thấp, thay cho máy bay ném bom chuyên dụng B-36 ít dùng ở chiến trường Việt Nam. B-36 bay nhanh, thả bom từ độ cao 6 đến 10km, trong khi máy bay vận tải C-130 thường chuyên chở và thả bom phát quang hạng nặng "Big Blue" 15.000 bảng.

Tuy nhiên, xét về lượng thuốc nổ được nhồi, 4 tấn, quả bom vừa được gỡ có sức công phá vượt xa Tallboy và Tarzon, mà gần ngang tài với bom 10 tấn Grand Slam. Xin nhắc lại, đây là loại bom có sức công phá khủng khiếp nhất trước khi có bom hạt nhân, nhiệt hạch.

Giả thiết thứ hai được đưa ra, đây là một biến thể của loại bom 10 tấn mà Mỹ chế tạo, sao cho thích ứng với máy bay vận tải C-130. Tuy giữ nguyên đường kính, giảm chiều dài, nhưng bom phải đảm bảo có sức công phá của bom 10 tấn. Do đó, vỏ quả bom được làm mỏng hơn so với Grand Slam để nhồi thêm thuốc nổ. Quan sát thực tế tại Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn BOMICEN, chúng tôi thấy vỏ quả bom được đúc liền, giống như cách sản xuất vỏ Grand Slam, chứ không phải được làm từ thép cuốn như loại bom khác.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã loại trừ giả thiết thứ ba mà chúng tôi đưa ra: Liệu đây có phải là một quả bom đã được ném xuống trong Đại chiến thế giới II? Lý do các anh đưa ra là những quả bom "gây động đất" như Tallboy và Grand Slam, khi ném xuống, đã được tính toán hiệu quả rất chi li, nên khó có thể tin quân Đồng minh đã sử dụng một quả như vậy vào địa bàn Đông Dương.

Chưa rõ giả thiết nào sẽ gần thực tế hơn cả, cũng chưa hiểu mục đích quân sự nào khiến quân đội Mỹ quyết định ném nó xuống Ia H'Rung, huyện Ia Grai, Gia Lai, chỉ biết quả bom lạ đứng đầu bảng về sức công phá, tương đương bom 22.000 bảng (tức 10 tấn)

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đưa ra cảnh báo về một số chiêu thức lừa đảo mới mà người dân cần cảnh giác như mạo danh nhân viên công ty sổ số, lừa đảo cấp chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文