Quan trọng là mang lại những “số dương” cho cuộc đời!

15:10 27/02/2011
Cái sự khéo léo, tài hoa của đôi bàn tay là do trời ban, là cái duyên tự nhiên không phải ai cũng có, nhưng để đôi bàn tay đó có thể phẫu thuật được những ca bệnh cực kỳ khó, hoặc những ca bệnh mà trước đó chưa có ai thực hiện được thì Giáo sư Vương Hùng đã phải học, phải khổ luyện rất nhiều. Giáo sư bảo, ông có thể tự may quần áo cho mình, có thể khâu đẹp như đường may và khi trở thành sinh viên y khoa, trở thành bác sỹ ngoại khoa, Giáo sư có thể mổ bằng cả hai tay...

Tôi chưa được gặp GS.TS Vương Hùng, nguyên Chủ nhiệm Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai nhưng tôi đã nhiều lần được nghe một số học trò của ông, giờ cũng là những nhà quản lý bệnh viện, những bác sỹ ngoại khoa giỏi của Việt Nam kể rằng, dù họ có được đi học ở nước ngoài, được học những kỹ thuật mổ tinh xảo và điêu luyện của thế giới, nhưng những kiến thức đầu tiên cơ bản nhất, mà thiếu nó, họ đều cảm thấy khó bề xoay xở khi bước vào ca mổ - đều là của thầy Vương Hùng. Tay nghề phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật về tá tụy, phẫu thuật tiêu hóa của Giáo sư Vương Hùng đã đạt đến độ "nghệ thuật". Có người bảo Giáo sư Vương Hùng là người có "bàn tay vàng", ở Việt Nam rất hiếm người có đôi bàn tay phẫu thuật điêu luyện được như thế.

Và hôm nay tôi gặp được GS.TS Vương Hùng. Phong thái của Giáo sư cho tôi một cảm nhận, người như ông sinh ra là để làm thầy thuốc khó có thể làm nghề khác được. Giáo sư Vương Hùng nói chuyện lịch lãm, nhẹ nhàng, nhưng không hoa lá cành, thậm chí ông còn nhu mì. Có lẽ chính sự nhu mì này đã giúp cho ông biết nhẫn nhịn, giúp ông vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất với những lời thị phi, đố kỵ một cách cũng phi thường.

Giáo sư Vương Hùng lí giải, ông quên và tha thứ cho tất cả bởi lẽ, lý tưởng lớn nhất của cuộc đời ông là cứu giúp người bệnh, cả cuộc đời ông đã tận tâm, tận lực hết lòng vì người bệnh; ông đã chinh phục được những ca mổ y học tưởng chừng bó tay, mang lại nụ cười sáng lấp lánh trên khuôn mặt người bệnh, thì với ông đó đã là hạnh phúc tột cùng. Ông đã sống và làm việc bằng tất cả lương tâm và đạo làm thầy thuốc, thì chẳng có gì phải hối tiếc, chẳng có gì phải buồn khổ. Giờ ông thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Dù đã nghỉ hưu nhưng Giáo sư Vương Hùng vẫn tận tụy đi nhiều tỉnh để cứu giúp người bệnh…

Nói rồi Giáo sư Vương Hùng châm một điếu thuốc lá. Ông bảo tôi, chiều nay, bệnh viện Bạch Mai kỷ niệm 100 năm thành lập. Nhưng sao đôi mắt Giáo sư lại rưng rưng và trong giọng nói có cái gì đó nghèn nghẹn. Có lẽ ông nhớ về Bệnh viện Bạch Mai, nhớ khoa Ngoại nơi ông đã vất vả xây dựng từ con số không. Giáo sư Vương Hùng bảo khó kể hết những vất vả của ông và một số đồng nghiệp khi được giao xây dựng khoa Ngoại. Trách nhiệm trên vai nặng nề, phía trước là người bệnh trong khi lúc đó Giáo sư Vương Hùng mới tốt nghiệp ĐH Y khoa còn quá trẻ. Nhưng cấp trên đã giao thì không thể không hoàn thành nhiệm vụ. Ý chí thôi thúc ông lăn xả vào công việc. Tình cảm với người bệnh thôi thúc ông không được dừng bước.

Những ngày đầu, trong điều kiện "con số không", bác sỹ trẻ Vương Hùng phải nhặt nhạnh, thu thập từng dụng cụ phẫu thuật nhỏ như cái panh, chỉ khâu. Đội ngũ phẫu thuật viên thiếu trầm trọng, ở đâu có bác sĩ giỏi ông phải tìm cách mời họ về. Rồi thiếu thuốc men, thiếu điều kiện để gây mê và chăm sóc hậu phẫu, nhưng bác sỹ trẻ Vương Hùng lúc nào cũng tất bật, cũng hối hả, đêm cũng như ngày, luôn đau đáu suy nghĩ gây dựng đội ngũ chuyên môn, học hỏi phương pháp phẫu thuật ở các thầy. Trong lòng bác sỹ Vương Hùng còn luôn cháy bỏng khát vọng, làm sao để khoa Ngoại sớm thành hình, cứu giúp được người bệnh.

Đến giờ khi đã hơn 50 năm cầm dao mổ, trở thành Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân, nhưng Giáo sư Vương Hùng vẫn không thể quên được cảm xúc thăng hoa khi khoa Ngoại phẫu thuật, chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân đầu tiên. Trong điều kiện chiến tranh, ông và đồng nghiệp đã tổ chức tốt phân loại và xử trí cấp cứu nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân của cuộc không kích của Mỹ.

Năm 1972, Giáo sư Vương Hùng cùng với anh em bám trụ tại bệnh viện, dưới hầm trú ẩn nhưng đã cứu chữa, phẫu thuật thành công cứu sống cho biết bao nạn nhân của những trận hủy diệt Hà Nội của B52 Mỹ. Đồng thời ông còn tổ chức tập huấn cứu thương cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện nhằm đáp ứng đầy đủ cho việc chữa bệnh cứu người. Với những đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ, tập thể cán bộ khoa Ngoại đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Bắt đầu từ năm 1968, Giáo sư Vương Hùng khi đó mới chỉ 31 tuổi đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Ngoại, Phó Chủ nhiệm bộ môn Ngoại ĐH Y Hà Nội. Ông có lẽ là Chủ nhiệm khoa trẻ nhất thời bấy giờ và có thâm niên làm Chủ nhiệm khoa lâu nhất, từ năm 1968 đến năm 2002. Trong thời gian làm Chủ nhiệm khoa Ngoại, ông còn kiêm nhiều chức danh như: Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế. Thời gian từ năm 1975 đến năm 2000, khoa Ngoại do Giáo sư Vương Hùng làm Chủ nhiệm có 75 giường bệnh, lực lượng cán bộ tương đối ổn định, hoạt động rất hiệu quả trên mọi lĩnh vực điều trị, giảng dạy đào tạo và nghiên cứu khoa học, ngày càng tạo được uy tín trong nhân dân.

Trở lại câu chuyện về tay nghề phẫu thuật của Giáo sư Vương Hùng. Tôi nhìn vào đôi bàn tay của Giáo sư đã có những vết đồi mồi do tuổi tác nhưng quả thật đôi bàn tay đó như là đôi bàn tay của một nghệ sỹ chơi đàn. Cái sự khéo léo, tài hoa của đôi bàn tay là do trời ban, là cái duyên tự nhiên không phải ai cũng có, nhưng để đôi bàn tay đó có thể phẫu thuật được những ca bệnh cực kỳ khó, hoặc những ca bệnh mà trước đó chưa có ai thực hiện được thì Giáo sư Vương Hùng đã phải học, phải khổ luyện rất nhiều. Giáo sư bảo tôi, ông có thể tự may quần áo cho mình, có thể khâu đẹp như đường may và khi trở thành sinh viên y khoa, trở thành bác sỹ ngoại khoa, Giáo sư có thể mổ bằng cả hai tay.

GS Vương Hùng cùng các chuyên gia nước ngoài tham quan hệ thống đào tạo cán bộ y tế của Thụy Điển.

Một bác sỹ ngoại khoa của Bệnh viện Nội tiết TW kể với tôi, mỗi lần được xem Giáo sư phẫu thuật thì trong lòng anh cũng thăng hoa những cảm xúc rất đẹp bởi Giáo sư Vương Hùng "biểu diễn" như một nghệ sỹ, nghĩa là ngoài việc cứu chữa thành công cho người bệnh thì ca mổ do Giáo sư thực hiện thường tốn ít thời gian, vết mổ "sạch và đẹp". Cách đây hơn 20 năm, việc cắt đầu tụy tá tràng không bác sỹ nào dám mổ, thậm chí các thầy còn cấm mổ, nhưng Giáo sư Vương Hùng đã mổ thành công. Dù không học mổ nội soi nhưng Giáo sư Vương Hùng đã tự nghiên cứu và đã mổ nội soi điêu luyện. Ông cũng là bác sỹ đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai thực hiện mổ cắt túi mật và nhiều ca bệnh khó.

Giáo sư Vương Hùng tâm sự, khi dũng cảm dấn thân vào những ca bệnh mà chưa ai thực hiện, ông cũng căng thẳng, áp lực, nhưng ý chí quyết tâm đã nung nấu ông, lúc nào ông cũng tự đặt câu hỏi, vì sao bệnh nhân sau mổ bị biến chứng, vì sao bệnh nhân tử vong. Mình không thể lùi bước, không thể bó tay được, càng không thể lấy tính mạng người bệnh để thí nghiệm. Bệnh lý của người bệnh là vô cùng. Cùng một khối u ở ổ bụng, có bác sỹ bảo không bóc tách được, cũng chẳng ai trách họ. Nhưng Giáo sư Vương Hùng thì luôn nghĩ rằng, phải bóc tách bằng được, bóc tách mà bệnh nhân không biến chứng, không đau đớn. Ông đã mày mò nghiên cứu tất cả những gì liên quan đến bệnh lý đó, đến phương pháp mổ xẻ. Và rồi, chính ý chí đã là một yếu tố mang đến những thành công ngoạn mục trong mổ xẻ cho Giáo sư Vương Hùng.

Giáo sư Vương Hùng cho tôi xem tất cả những quyển vở ghi từ hồi Giáo sư học ĐH Y khoa khóa năm 1960. Thú thật, tôi chưa bao giờ được xem cuốn vở ghi nào đẹp hơn thế, nét chữ sáng rõ, cách trình bày khoa học đẹp như một quyển giáo trình, đặc biệt là các hình vẽ y học được Giáo sư vẽ đẹp vô cùng. Giáo sư bảo tôi, bây giờ muốn xem lại lý thuyết về ngoại khoa, ông không cần lên thư viện, cuốn vở này đã có đầy đủ. Thời sinh viên của Giáo sư Vương Hùng, sách vở rất thiếu thốn, ông và các bạn cùng lớp đã phải chia nhau từng bài giảng, rồi lên thư viện tra cứu, dịch lại, sau đó phổ biến cho nhau. Ý thức học hành nghiêm cẩn, trân trọng từng kiến thức nhỏ của thầy giáo đã giúp chàng sinh viên y khoa Vương Hùng ngày càng trưởng thành.

Khi tốt nghiệp ĐH Y khoa năm 1960, sinh viên Vương Hùng được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn ngoại. Lúc đó, thầy giáo trẻ, bác sỹ trẻ Vương Hùng đã nổi tiếng khắp trường vì khả năng phẫu thuật tài tình. Giáo sư Tôn Thất Tùng rất quý học trò Vương Hùng, ông đã tin tưởng giao cho Vương Hùng làm trưởng tua, giao cho Vương Hùng phẫu tích gan, giúp ông nghiên cứu về gan. Có những ngày bác sỹ trẻ Vương Hùng phải ngồi cả mấy chục tiếng đồng hồ trong phòng ướp xác chất phoocmon nồng nặc để phẫu tích gan, hôm sau về có thể bị đi ngoài vì ảnh hưởng hóa chất, nhưng điều đó không làm Vương Hùng nản lòng. Giáo sư Tôn Thất Tùng khi đón những bộ gan phẫu tích hoàn hảo của học trò Vương Hùng luôn khen ngợi và dành cho cậu học trò xuất sắc của mình biết bao lời khích lệ, tình cảm thân thương.

Nhắc đến thầy Tôn Thất Tùng và các thầy giáo của mình, Giáo sư Vương Hùng chợt thấy lòng thanh nhẹ. Nhớ về thầy là nhớ về những năm tháng sinh viên đầy hoài bão. Ngày xưa các thầy lên lớp ít, sinh viên phải tự học rất nhiều nhưng nhân cách, cuộc đời và lý tưởng của các thầy đã như ngọn hải đăng soi đường cho những sinh viên giàu ý chí như Vương Hùng. Giáo sư Tôn Thất Tùng trong ký ức của chàng sinh viên Vương Hùng là một người thầy vô cùng phóng khoáng. Thầy Tùng thường tổ chức thi vấn đáp, sinh viên nào lên trả lời, thầy cũng cho kết quả bằng chữ "K". Ai cũng hồi hộp, không hiểu mình "khá" hay "kém". Nhưng khi công bố kết quả, thầy cho cả lớp "khá", khiến ai cũng phấn khởi hoan hỉ.

Với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, học trò Vương Hùng cũng có nhiều kỷ niệm. Một lần thầy ra đề thi về vòng đời của ký sinh trùng. Bài thi của sinh viên Vương Hùng, Giáo sư gạch chéo và cho điểm không. Ngay lập tức, chàng sinh viên thư sinh lên thắc mắc với thầy. Giáo sư Đặng Văn Ngữ nghiêm cẩn nhắc nhở: "Anh không chịu nghe bài giảng của tôi, chu kỳ vòng đời sinh trùng do Brumpt nghiên cứu có nhiều điểm chưa đúng, nhưng anh vẫn lấy hình dáng của Brumpt" - "Thưa anh, em có nghe anh giảng bài. Anh cho phép em về lấy vở". Vậy là sinh viên Vương Hùng tất tả đạp xe về lấy vở. Giáo sư Đặng Văn Ngữ xem vở của học trò, khuôn mặt ông giãn ra, nụ cười nở trên môi Giáo sư. Bài thi của Vương Hùng đã chắt lọc những gì đúng của Brumpt và học thuộc kiến thức của thầy. Cuối cùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ gạch điểm không, cho sinh viên Vương Hùng điểm 9, cũng là điểm thi cao nhất trong buổi thi ngày hôm đó.

Giờ kể lại câu chuyện này, Giáo sư Vương Hùng cho tôi hay, các thầy ngày xưa là như vậy, rất tôn trọng học trò và luôn biết cách khơi gợi, khích lệ học trò say mê khoa học, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh để học hành tấn tới…

Năm 1992, Giáo sư Vương Hùng được bổ nhiệm thêm chức Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo của Bộ Y tế. Vốn là người có tầm nhìn xa ông hiểu được những khoảng trống cần lấp đầy trong đào tạo bác sỹ, nếu không sẽ tụt hậu. Ông chính là người đã cải cách hệ thống đại học ngành Y từ hai chuyên ngành thành bảy chuyên ngành đào tạo như hiện nay. Ông cũng là người đã cải cách hệ đào tạo sau đại học đặc thù của ngành Y như bác sỹ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sỹ nội trú. Ở cương vị nào, ông cũng cố gắng làm việc hết mình để mang lại những điều tích cực, những "số dương" cho cuộc đời. Ông quá tài hoa, lại không chịu an phận, dám giải quyết những vấn đề không thuộc về số đông. Điều quan trọng nhất đối với ông là được cứu chữa người bệnh thành công bằng một cái tâm y đức sáng trong...

Tuấn Minh

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文