Quận "vượt quyền" cấp phép xây dựng?

09:47 23/11/2007
UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ưu ái duyệt cho ông bà Trung - Phương được xây nhà 5 tầng, cao 18,1m tại số nhà 62 phố Yên Phụ. Trong khi UBND TP quy định thẩm quyền của UBND quận là cấp phép xây dựng tạm với số tầng của công trình không quá 2 tầng, chiều cao không quá 8m.

Trong khi TP Hà Nội đang rất quyết liệt ngăn chặn tình trạng xây dựng sai phép, trái phép, vượt phép gây nhức nhối trong công luận, thì tại số nhà 62 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ, hành vi xây dựng sai phép tiếp tục ngang nhiên tái diễn.

Dụng phép công, hành luật riêng!

Khu vực có số nhà 62 Yên Phụ thuộc vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện.

Chủ lô đất số 62 - ông Lê Quang Trung và vợ là bà Nguyễn Thị Lan Phương đã có sổ đỏ, nên theo quy định ông bà Trung - Phương được cấp giấy phép xây dựng tạm theo Quyết định số 28/2006/QĐ-UB ngày 17/3/2006 của UBND TP  Hà Nội.

Theo thẩm quyền, ông Thái Văn Hạ - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã cấp Giấy phép xây dựng tạm số 17/GPXDT cho ông bà Trung - Phương với các nội dung: Diện tích xây dựng tầng 1 và các tầng là 81,6m2; tổng diện tích sàn 337,1m2.

Trong đó, cho phép chiều cao công trình là 18,1m, với 5 tầng kèm một số quy định khác. Về mặt thẩm quyền giấy phép do Phó Chủ tịch Thái Văn Hạ cấp là vi phạm, chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.

Ngay sau khi được cấp phép, chủ công trình liền khởi công và lập tức có hành vi xây dựng sai phép.

Theo biên bản của Đoàn kiểm tra tại hiện trường công trình, thì khối nhà phía ngoài giáp mặt phố Yên Phụ đã xây xong phần thô tầng 4, trong khi Giấy phép tạm số 17/GPXDT cho phép xây phần này 2 tầng; khối phía sau đã xây xong phần thô, đang ghép cốt pha mái tầng 8 trong khi chỉ được phép xây có 5 tầng.

Riêng chiều cao công trình đã vi phạm xây cao hơn so với giấy phép tạm là 6,2m. Điều rất lạ lùng là việc xây dựng sai phép rầm rộ như trên, nhưng chỉ đến khi công trình đã hoàn thành xây thô và đang đi vào hoàn thiện mới bị phát hiện, đình chỉ thi công và chờ xử lý?!

Phía chủ công trình buộc phải thừa nhận sai phạm và hứa sẽ tự cắt ngọn phần sai phép. Nhưng chủ công trình đề nghị UBND phường Yên Phụ chờ gia đình đi xin giấy phép bổ sung, và nếu không được Sở Xây dựng cấp giấy phép bổ sung thì khi đó mới xin phường cho tự tháo dỡ để đảm bảo an toàn.

Qua đây cho thấy, có một kẽ hở lớn trong quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội, là rất nhiều chủ công trình xây dựng đã chủ động vi phạm giấy phép rồi hậu tấu nhằm qua mặt chính quyền với những giải pháp "mềm"!

Cho đến nay, sự nỗ lực của chính quyền phường Yên Phụ mới chỉ dừng ở chỗ: Đình chỉ thi công công trình, đề nghị cắt điện, nước, ngăn chặn xe chở vật liệu vào công trình, lập biên bản báo cáo lên trên và chờ gia đình tự tháo dỡ với hạn đến 15/12 phải hoàn thành.

Nhiều sai phạm vẫn chìm trong bóng tối!

Tại số 62 Yên Phụ, không phải chỉ có trường hợp vi phạm nghiêm trọng giấy phép xây dựng trên. Cùng lô đất này, phóng viên Báo CAND đã phát hiện một trường hợp xây dựng vi phạm nữa khá nghiêm trọng nhưng đã được UBND phường xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ.

Tuy nhiên, không hiểu sự kiên quyết của phường Yên Phụ, của quận Tây Hồ đến mức nào nhưng khi phóng viên Báo CAND cùng Thiếu tá Phạm Văn Hương - Cảnh sát khu vực chứng kiến, thì hiện trạng công trình sai phạm đã hoàn thiện và đi vào sử dụng.

Theo Giấy phép xây dựng tạm số 18/GPXDT ngày 15/2/2007, do UBND quận Tây Hồ cấp cho ông bà Nguyễn Ngọc Cường và Vũ Thị Vinh, thì diện tích xây dựng công trình này là 12,3m2, gồm 2 tầng và 1 tầng hầm. Nhưng thực tế, gia đình này đã xây dựng thêm 2 tầng vượt phép rồi nghiễm nhiên sử dụng cho đến nay.

Thiếu tá Hương cho biết thêm, cả hai công trình này cùng khởi công xây dựng, cùng có vi phạm xây vượt phép và đều bị chính quyền phát hiện, lập biên bản.

Vấn đề đặt ra, là thành phố đang chủ trương lập lại trật tự xây dựng một cách nghiêm túc theo quy hoạch phát triển, thì biện pháp xử phạt rồi cho tồn tại thiếu kiên quyết như vậy của một số cán bộ có quyền năng có cần xem xét lại hay không?

Sai phạm không chỉ nằm ở khâu xây dựng công trình. Ngay khâu cấp giấy phép xây dựng tạm của UBND quận Tây Hồ cũng có nhiều dấu hiệu rất không minh bạch.

Theo Quyết định số 28/2006/QĐ-UB ngày 17/3/2006 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định cấp phép xây dựng, thì UBND quận có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tạm cho các công trình nhà ở riêng lẻ nằm trong vùng quy hoạch, nhưng với số tầng công trình không quá 2 tầng, chiều cao công trình không quá 8m.

Nhưng tại Giấy phép tạm số 17/GPXD ngày 15/2/2007 cấp cho ông bà Trung - Phương, ông Thái Văn Hạ - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ không hiểu căn cứ vào đâu đã ưu ái duyệt cho chủ hộ trên được xây 5 tầng, cao 18,1m, vượt so với quy định 3 tầng. Để rồi sau đó, chủ công trình thừa cơ xây vượt cả giấy phép tạm thêm 2 tầng (hơn 6 m) nữa gây nhức nhối trong công luận.

Tất cả những sai phạm trên và cách xử lý sai phạm thiếu kiên quyết của một số cán bộ quản lý trật tự xây dựng quận Tây Hồ, rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn này nóng nhất thành phố.

Điều nguy hiểm ở chỗ, những công trình này đều nằm trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện. Chủ đầu tư có giấy tờ hợp pháp, việc cấp giấy phép tạm đã cho họ xây dựng quá quy định thành công trình kiên cố như vậy, đến khi cần giải phóng mặt bằng thì ai sẽ bỏ tiền ra đền bù cho họ?

Nhóm PV điều tra

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文