Quảng Nam bảo vệ và phát triển loài chà vá chân xám quý hiếm

07:05 19/07/2021
Voọc chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum; có khoảng 1.500 - 2.000 cá thể; trong đó, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 1.000 cá thể. Loài này thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam 2007.

Ở địa bàn Quảng Nam, chà vá chân xám phân bố tại các huyện như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn… Quần thể có số lượng lớn nhất khoảng 200 cá thể tại Hòn Mỏ thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, huyện Nông Sơn. Riêng tại huyện Núi Thành, theo khảo sát thực tế trên khoảng 30ha rừng tự nhiên ở núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây có gần 70 cá thể thuộc 6 đàn.

Chà vá chân xám quý hiếm tại xã Tam Mỹ Tây.

Tuy nhiên, đây là dải rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang khoảng 50m-150m. Rừng tự nhiên giữa các hòn bị chia cắt bởi rẫy trồng keo của người dân, và bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác khoảng cách 7-10km. Vì thế, chà vá chân xám xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) đối mặt với nhiều mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể, gồm cả yếu tố tự nhiên như thiếu thức ăn, nơi ở, nước uống, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc lạnh; nguy cơ thoái hóa nguồn gen do giao phối cận huyết; tác động từ con người gồm nguy cơ săn bắn, bẫy bắt, cháy rừng, lấn chiếm rừng làm rẫy, khai thác lâm sản ngoài gỗ...

Từ năm 2019, UBND xã Tam Mỹ Tây đã thành lập “Nhóm tuần tra thôn bản” để bảo vệ đàn chà vá chân xám; cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 2 tuyên truyền pháp luật bảo vệ chà vá chân nâu ở các xã Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp, Tam Thạnh, Tam Trà. Vào tháng 5/2021, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, với mục tiêu lâu dài bảo tồn, phát triển bền vững quần thể loài đặc hữu này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Mục tiêu ngắn hạn, nhằm bảo vệ và phục hồi được 60ha rừng tự nhiên là rừng đặc dụng tại Hòn Dồ, Dương Bông, Hòn Ông và Dương Bản Lầu để đảm bảo sinh cảnh sống cho các cá thể chà vá chân xám; đến năm 2030, nâng tổng diện tích môi trường sống của loài này có thể lên 150ha, đáp ứng sự tồn tại và phát triển của quần thể với 100-150 cá thể, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức, du lịch sinh thái và góp phần phát triển sinh kế cho địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển đổi dần mục đích sử dụng rừng sản xuất lên rừng đặc dụng; chuẩn bị hồ sơ để xác lập được Khu bảo tồn loài và sinh cảnh trước năm 2030 nhằm bảo tồn chà vá chân xám và đa dạng sinh học hiệu quả hơn với tổng diện tích dự kiến 60ha (gồm 30ha rừng tự nhiên và 30ha nương rẫy sau thu hồi, đền bù).

Ngọc Thi

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文