Quảng Ninh: Phao tiêu, biển báo đường thủy – con mồi của trộm cắp

14:38 18/07/2008

Với trên 200km đường thủy nội địa cùng hàng vạn phương tiện các loại, công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn Quảng Ninh đang xuất hiện những phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho hệ thống phao tiêu, biển báo, báo hiệu đường thủy trên toàn tuyến.

Từ mất cắp thiết bị đến gia tăng TNGT đường thủy

Ông Bùi Hữu Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3 (Cục Đường sông Việt Nam) cho biết, gần đây, trên chiều dài 431km đường sông và ven biển do đơn vị quản lý liên tục xảy ra tình trạng mất cắp thiết bị báo hiệu an toàn đường thủy nội địa. Hầu hết, các thiết bị báo hiệu bị mất đều nằm dọc tuyến, thuộc địa bàn hành chính của các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Yên Hưng, thị xã Móng Cái, thị xã Cẩm Phả và TP Hạ Long.

Có mặt cùng các cán bộ của Công ty thị sát tuyến luồng Hòn Gai và luồng Lạch Yêu - Ba Mom, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các biển báo, thiết bị đảm bảo hàng hải, phục vụ cho việc đi lại an toàn của các phương tiện giao thông thủy nội địa ở đây đều được lắp đặt tại các vị trí thuận lợi dễ quan sát. Nhưng như vậy cũng là điều kiện thuận tiện để kẻ gian hoạt động.

Hiện tại, Công ty đang quản lý 439 báo hiệu các loại, trong đó có 47 báo hiệu được đặt trên phao, còn lại đều được đặt trên các cột bê tông hoặc cột sắt. Thông thường, kẻ gian dùng cưa sắt để cưa các biển báo hiệu được đặt trên đỉnh các cột bê tông cao từ 3-5m, sau đó chúng dùng dây buộc và thả xuống thuyền, chở đi.

Tại vùng nước dưới chân cột đèn biển mang số hiệu BH09, luồng Lạch Yêu - Ba Mon, đoàn kiểm tra đã phát hiện 1 bộ biển báo hiệu, kẻ gian bỏ lại, do quá trình thả từ trên cột đèn xuống thuyền bị dứt dây. Được biết, tổng giá trị thiệt hại do việc mất cắp trong 6 tháng đầu năm 2008 là khoảng 600 triệu đồng. Đây là giá trị vật chất đã được quy đổi. Tuy nhiên, đồng hành với đó là sự gia tăng của các vụ TNGT đường thủy.

Trong 2 năm 2006 - 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, trên toàn tuyến do Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3 quản lý đã xảy ra 13 vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng, làm 7 người chết, 10 người bị thương, đắm 13 phương tiện cùng hàng ngàn tấn hàng hoá các loại.

Giải pháp an toàn nào cho phao tiêu biển báo?

Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3, có 10 xí nghiệp, số CBCNV trong biên chế chưa đến 300 người, trung bình mỗi xí ngiệp phải quản lý gần 30km đường tuyến, số lượng biên chế có hạn, ngoài việc quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, mỗi khi phát hiện các vụ việc mất cắp phương tiện thiết bị, đơn vị đều trình báo và phối hợp với Công an, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra hiện trường, lập biên bản xác nhận vụ việc, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do luồng tuyến rộng, địa hình phức tạp, công tác đảm bảo an toàn cho các loại thiết bị, phao tiêu, biển báo, báo hiệu đường thủy, gặp không ít khó khăn.

Để hạn chế hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực này, Công ty đã tiến hành cải tiến một số hoạt động nghiệp vụ như dùng thang di động thay cho thang cố định tại các cột tín hiệu, thay các biển báo bằng tôn, đã bị mất, bằng vật liệu cót ép; phối hợp cùng lực lượng Công an tổ chức phục bắt đối tượng tại các khu vực trọng điểm.

Mới đây, vào ngày 12/7, tại TP Hạ Long, đơn vị đã phối hợp cùng các lực lượng nghiệp vụ Công an Quảng Ninh bắt quả tang 3 đối tượng đang có hành vi trộm cắp biển báo hiệu tại khu vực luồng Lạch Yêu - Ba Mom, thu giữ 4 bình ắc quy, 2 đèn hiệu, 2 cưa sắt và một số dụng cụ gây án.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hữu Đức, để đảm bảo an toàn cho hệ thống phao tiêu, biển báo và các báo hiệu an toàn khác của đường thủy nội địa, thì yêu cầu trước hết đó là việc nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong quần chúng nhân dân, kết hợp với việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trên thực tế, các trường hợp trộm cắp thiết bị, phần lớn đều để bán sắt vụn kiếm lời. Vì vậy, về lâu dài cần phải tổ chức nghiên cứu, cải tiến vật liệu của các thiết bị này bằng các loại vật liệu khác có tính an toàn cao hơn

Vũ Ninh

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文