Quốc hội thảo luận dự án Luật CAND
Đó là những vấn đề cơ bản trong dự án Luật CAND được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.
Quan tâm xây dựng Công an xã
Thành lập Công an xã chính quy, chuyên trách hay bán chuyên trách? Chế độ, chính sách cho Công an xã ra sao? Theo phân tích của nhiều đại biểu, dù quy mô, tính chất có những điểm khác, song xã, phường đều là đơn vị cơ sở, gắn bó trực tiếp với nhân dân, giải quyết các vấn đề thường nhật trong đời sống nhân dân. Tính chất về công tác bảo đảm an ninh ở xã là rất quan trọng, nhất là trong điều kiện các thế lực thù địch thường lợi dụng tình hình khó khăn, nhận thức còn thấp của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để kích động, chống phá.
Do đó, khi thừa nhận tầm quan trọng việc giữ vững ổn định an ninh - trật tự tại cơ sở, việc chuẩn hóa nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Công an xã là cần thiết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, trong điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, việc tính toán thành lập Công an xã cần căn cứ tính chất hoạt động, bộ máy tổ chức ở cấp xã cũng như các lực lượng tương quan là dân quân tự vệ, xã đội...
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy CATW, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho biết: "Đây là vấn đề bố trí lực lượng để phục vụ cho việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Thực tế tổ chức này đã được thử nghiệm 60 năm, đòi hỏi có lực lượng từ Bộ là cấp thứ nhất, lực lượng Công an tỉnh, thành phố là cấp thứ hai, cấp thứ ba là Công an huyện, quận, cấp thứ tư là Công an xã, phường, thị trấn...
Vì vậy, tôi tán thành việc nên xác định Công an xã là một cấp, cùng với Công an xã, phường, thị trấn". Đại biểu Ksor Phước (Gia Lai) phát biểu: "Tôi cơ bản đồng tình Công an xã là lực lượng bán chuyên trách nhưng đề nghị bổ sung thêm: Với địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự xã hội thì Bộ trưởng Bộ Công an quy định thành lập các đơn vị Công an xã chuyên trách, tức là chính quy. Nghĩa là đòi hỏi tính chuyên nghiệp ở Công an địa bàn đó rất cao. Nếu không có tính chuyên nghiệp mà chỉ bán vũ trang thôi thì tôi nghĩ sẽ không xử lý được những tình huống cụ thể. Hiện nay, ta có rất nhiều xã trên 1 vạn người, rất phức tạp về trật tự xã hội nhưng lực lượng bán chuyên trách thì không kham nổi…".
Từ những lý do trên, phương án xác định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách được nhiều ý kiến tán thành. Đồng thời, tại các xã có vị trí quan trọng về an ninh, trật tự thì Bộ Công an được biệt phái Sỹ quan, Hạ sỹ quan CAND tham gia Ban Công an xã. Quy định như vậy vừa bảo đảm an ninh - trật tự tại cơ sở, đồng thời căn cứ tình hình thực tế tại những xã có tính chất quan trọng về an ninh - trật tự, Bộ Công an sẽ tăng cường lực lượng Công an chính quy về thực hiện nhiệm vụ tại xã một cách linh hoạt, phù hợp pháp luật hiện hành.
Trường hợp nào được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng?
Việc quy định trần cấp bậc hàm đối với cán bộ, sĩ quan CAND là một trong những vấn đề được đề cập trong dự thảo luật. Xoay quanh cấp, bậc hàm các chức vụ Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau và dự thảo luật đã thay đổi, chỉnh sửa nhiều lần. Phần lớn, các ý kiến thảo luận đều cho rằng, cần quy định mở. Theo đó, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, trần cấp bậc hàm là đại tá, riêng những tỉnh có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự, cấp bậc hàm cao nhất có thể là Thiếu tướng. Đối với Cục trưởng, Vụ trưởng, cấp bậc hàm là 2 mức đại tá và Thiếu tướng.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng, nếu đưa chức danh Cục trưởng, Vụ trưởng vào luật thì cấp bậc hàm của Cục trưởng, Vụ trưởng nên quy định 2 mức là đại tá và Thiếu tướng chứ không nên chỉ quy định là đại tá bởi các lý do: Các đồng chí Cục trưởng có nhiệm vụ tham mưu cho Tổng Cục trưởng, Bộ trưởng; thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực; chỉ đạo nghiệp vụ đối với Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; một số Cục thực sự có chức năng chiến đấu. Đồng thời, "Một số đồng chí Giám đốc Công an tỉnh được bổ nhiệm làm Cục trưởng ở Bộ, mà Giám đốc Công an tỉnh là đại tá được bổ nhiệm lên cấp trên thì phải được hưởng mức quyền lợi cao hơn, nếu bổ nhiệm lên mà vẫn ở cấp đại tá như cũ thì chúng tôi thấy có điều chưa hợp lý".
Thượng tướng Phùng Quang Thanh khẳng định thêm: "Trên thực tế, một số đồng chí Cục trưởng của Công an mà tôi biết, hiện các đồng chí cũng đã mang hàm Thiếu tướng rồi, bây giờ nếu chúng ta thông qua Luật CAND mà hạ các đồng chí xuống đại tá thì tôi thấy có điều gì đó kém phấn khởi. Khi Luật CAND ra đời, tôi nghĩ là nó phải tạo thêm một động lực mới, tạo thêm niềm vui mới, anh em đón nhận, lực lượng CAND phải phấn chấn hơn"...
Về quy định cấp bậc hàm đối với chức vụ Cục trưởng, Vụ trưởng và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn tán thành ý kiến của đồng chí Thượng tướng Phùng Quang Thanh và đề xuất hai phương án: Một là, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Cục trưởng, Vụ trưởng cấp hàm đại tá, Thiếu tướng. Hai là, có thể tách điều này thành hai quy định: đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW cấp bậc hàm Thượng tá, đại tá; đối với Cục trưởng, Vụ trưởng là đại tá, Thiếu tướng.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn nêu rõ: Có những Cục lãnh đạo hàng nghìn quân như Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục, Trường Giáo dưỡng, Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Cục Kỹ thuật... Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn khẳng định: "Các Cục như vậy thì rất xứng đáng đeo hàm Thiếu tướng".
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, các lực lượng trong CAND thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh - trật tự phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Các cán bộ, Sỹ quan CAND vừa nâng cao năng lực, trình độ, vừa giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, trần cấp bậc hàm đối với Sỹ quan, Hạ sỹ quan CAND cần đảm bảo tính tương xứng, phù hợp tính chất, nhiệm vụ hoạt động.
Ưu tiên tuyển Hạ sỹ quan đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Một trong những đối tượng ưu tiên tuyển chọn vào CAND được đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật là số Hạ sỹ quan đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ưu điểm của việc tuyển chọn đối tượng này là họ đã có thời gian phục vụ trong CAND, được rèn luyện, huấn luyện những nội dung cần thiết, đồng thời cũng nhằm tạo điều kiện cho họ có cơ hội để phấn đấu vươn lên