“Ra khỏi trung tâm cai nghiện là tái nghiện”
- Cách làm hay trong công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện
- Nhiều mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện hiệu quả
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu nguyên nhân học viên cai nghiện trốn trại
Phần nổi của tảng băng chìm
Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, hiện cả nước có hơn 210 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm thì thực tế số người nghiện sẽ cao hơn rất nhiều lần. “Hơn 200 nghìn là con số có hồ sơ quản lý nên chúng ta đo đếm được.
Thực tế con số này cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi lẽ rất nhiều người, nhiều gia đình có người nghiện không khai báo mà lặng lẽ đưa con em đi cai nghiện bằng hình thức này hay hình thức khác. Số lượng người này, chúng ta không thể xác định được là bao nhiêu, do đó con số chính xác về số lượng người nghiện hiện nay vẫn là một câu hỏi”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận.
Theo nhận định của Bộ LĐ-TBXH, tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp, và ngày càng gia tăng dù các cơ quan chức năng thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp tích cực. Tội phạm về ma túy ngày càng liều lĩnh, hoạt động buôn bán ma túy với khối lượng lớn, bằng nhiều con đường khác nhau như đường biển, đường hàng không. Ma túy không chỉ thâm nhập mà còn được trung chuyển qua Việt Nam.
Chính vì thế mà cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm, số người nghiện sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng theo chiều hướng của hoạt động buôn bán. “Ma túy đá có nguy hại hơn rất nhiều so với các loại ma túy khác. Các trọng án đều dính dáng, có nguồn gốc từ sử dụng ma túy. Chính vì vậy, công cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy, lạm dụng sử dụng ma túy đang hết sức gay go”, ông Đàm cho biết.
Mô hình cai nghiện bắt buộc hiện không phát huy được hiệu quả. |
Có một thực tế hiện nay là người sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi dưới 35, đây là lực lượng lao động chính của xã hội. Đáng quan ngại nhất, trong số người nghiện có 8% ở tuổi vị thành niên, học sinh. “Hiện có 70% số xã, 100% các huyện, tỉnh trên cả nước có người nghiện ma túy.
Trước đây, nhiều vùng nông thôn rất yên bình, buổi tối người dân còn mở cả cửa để đi ngủ, thế nhưng vì ma túy mà nhiều nơi giờ tối đến người dân còn không dám ra khỏi nhà, cuộc sống rất nhiều bất an”, ông Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Tỷ lệ tái nghiện rất cao
Mỗi năm, nhà nước phải bỏ ra không ít tiền của để phục vụ công tác cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho những người nghiện ma túy, nhưng thực tế cho thấy, việc cai nghiện hiện nay không có hiệu quả. Không có con số cụ thể là bao nhiêu người đã cai nghiện thành công, bao nhiêu người tái nghiện ở các trung tâm, nhưng theo lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH) thì số người tái nghiện sau khi ra khỏi các trung tâm cai nghiện bắt buộc là rất cao.
“Sự thật là rất nhiều người cai nghiện tại trung tâm cai nghiện bắt buộc tái nghiện khi ra ngoài cộng đồng. Có nơi sau khi ra khỏi trung tâm là tái nghiện sau một thời gian ngắn. Nguyên nhân theo tôi là việc cai nghiện tập trung hiện nay của chúng ta chưa đảm bảo quy trình. Thứ hai là thiếu sự kết nối cộng đồng dẫn đến việc cai nghiện bắt buộc ở trung tâm khoảng 2 đến 3 năm là để người ta về là lại tái nghiện, hoặc cai nghiện cộng đồng, cắt cơn xong thả ra là lại tái nghiện ngay lập tức”, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phân tích.
Theo ông Lập để không tái nghiện, yếu tố quyết định phải là quyết tâm của người cai nghiện nhưng một yếu tố không thể thiếu là sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
Đánh giá về các biện pháp cai nghiện hiện nay, BS Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng, mô hình cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tại cộng đồng chưa thực sự hiệu quả. Ông Khánh cho biết, một đánh giá ở Hà Nội đã chỉ ra rằng với những người cai nghiện bắt buộc thì sau khi ra khỏi trung tâm, thời gian càng dài tỷ lệ tái nghiện càng cao.
“Theo nghiên cứu đó thì sau 6 tháng ra khỏi trung tâm số lượng tái nghiện chưa nhiều, nhưng cứ sau một năm lại tăng lên và đến năm thứ 4 thì tất cả cùng tái nghiện. Chính vì thế, mục tiêu chỉ là giữ được họ không tái nghiện càng lâu càng tốt. Tương tự là trường hợp cai nghiện tại công đồng. Các xã thành lập các tổ cai nghiện cộng đồng do phó chủ tịch xã phụ trách, tuy nhiên tất cả các cán bộ này đều là cán bộ kiêm nhiệm, lại không có chuyên môn về cai nghiện.
Chính vì thế, các tổ này chỉ tổ chức cắt cơn cho người nghiện khoảng 10-15 ngày rồi bàn giao có các đoàn thể tổ chức quản lý. Và sau đó kết quả là tất cả cùng tái nghiện”, BS Khánh cho biết. Chính vì hiệu quả của các biện pháp cai nghiện hiện nay chưa được như mong muốn, BS Khánh cho rằng phải có phương pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
Ngoài tỷ lệ tái nghiện cao, tồn tại trong công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam còn thể hiện ở việc số người nghiện không ngừng gia tăng, bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 6-8%. Bên cạnh đó, nhiều loại ma túy mới đang xâm nhập vào Việt Nam: ATS, cỏ Mỹ, tem cười… Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đang được thực hiện. Với việc đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị. Tăng dần điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm với lộ trình phù hợp. Mục tiêu đến năm 2020, có 94% tổng số người được cai nghiện, điều trị là tự nguyện. |